Đây là kết quả nghiên cứu trong ba năm từ 2020 đến 2023 của Viện Nghiên cứu kinh thành (thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), sẽ được công bố rộng rãi tới công chúng trong trưng bày Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên tại Bảo tàng Hà Nội từ ngày 29-11.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành Bùi Minh Trí, đây là một chương trình nghiên cứu nghiêm túc, khoa học, dựa trên phân tích các nguồn tư liệu khảo cổ học đào được tại di tích, kết hợp với tư liệu sử học, tư liệu kiến trúc truyền thống ở miền Bắc Việt Nam và kết quả nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện cổ ở các nước Đông Á.
Viện còn hợp tác nghiên cứu và trao đổi học thuật với các chuyên gia nghiên cứu kiến trúc cổ nổi tiếng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Điện Kính Thiên có kiến trúc đấu củng?
Để giải mã được điện Kính Thiên, các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu kinh thành chọn nghiên cứu mặt bằng nền móng, bộ khung giá đỡ mái, hình thái bộ mái và các loại ngói lợp mái, là những vấn đề khoa học quan trọng nhất.
Kết quả, các nhà khoa học đi đến kết luận kiến trúc cung điện thời Lê sơ thuộc loại kiến trúc đấu củng. Đây được xem là phát hiện quan trọng, là chìa khóa nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.
Nhưng kết quả này có thể bất ngờ với nhiều người. Bởi trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, đấu củng hay kiến trúc đấu củng là khái niệm không phổ biến, thậm chí là vấn đề xa lạ đối với nhiều nhà nghiên cứu.
Đấu củng là một phát minh của người Trung Hoa từ thời Xuân Thu hơn 2.500 năm về trước, có ảnh hưởng lan tỏa sang các nước đồng văn ở Đông Á.
Tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, kiến trúc cung điện cổ của các triều đại trong các kinh đô còn tồn tại đến ngày nay đều phổ biến là loại kiến trúc này.
Nhưng các kiến trúc gỗ truyền thống của miền Bắc hiện còn phổ biến là ở các công trình kiến trúc tôn giáo, có kết cấu bộ khung kiểu kẻ truyền hay chồng rường, chồng rường giá chiêng. Một số loại hình kiến trúc đấu củng còn lại ngày nay là khá hiếm hoi.
Kết luận của Viện Nghiên cứu kinh thành được đưa ra dựa trên những hình vẽ về kiến trúc đấu củng có hai tầng mái và bộ mái kiểu "mái hông đầu hồi" trong lòng chiếc đĩa đài lớn vẽ nhiều màu có niên đại thế kỷ 15 tìm thấy trên tàu đắm Hội An.
Viện cho rằng đây là bằng chứng quan trọng về kết cấu đấu củng trong kiến trúc Việt Nam thời Lê sơ.
Ngoài ra, phát hiện khảo cổ học tại di tích 18 Hoàng Diệu năm 2002-2004, cuộc khai quật xung quanh điện Kính Thiên năm 2017-2018 cũng đã tìm được 70 cấu kiện gỗ của kiến trúc, trong đó có nhiều loại "bình áng" nằm trong kết cấu của "bộ đấu củng".
Năm 2021, phía đông điện Kính Thiên còn tìm thấy một mô hình kiến trúc men xanh lục rất đặc sắc, phản ánh khá hiện thực kết cấu bộ khung gỗ đỡ mái là hệ đấu củng.
Ông Bùi Minh Trí khẳng định những tư liệu tin cậy và xác thực này minh chứng chắc chắn rằng kiến trúc cung điện thời Lê sơ thuộc loại kiến trúc đấu củng.
Ngói rồng men vàng
Nghiên cứu cũng chỉ ra các cung điện trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ có nhiều kiến trúc lợp ngói men vàng và men xanh lục, trong đó ngói rồng men vàng là loại cao cấp nhất, được sử dụng để lợp trên mái kiến trúc cung điện quan trọng nhất trong Cấm thành Thăng Long, đó là tòa điện Kính Thiên.
Nghiên cứu hình vẽ trên đồ gốm, khám thờ chùa Bà Tấm và tính chất đặc biệt của công trình, các nhà khoa học suy đoán: bộ mái kiến trúc điện Kính Thiên được thiết kế theo kiểu Trùng diêm Yết sơn đỉnh, là loại mái hông có hai đầu hồi. Đây là kiểu mái đặc trưng của kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á.
Từ kết quả nghiên cứu bộ khung giá đỡ mái, hình thái bộ mái, các loại ngói lợp mái, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu kinh thành tiến hành nghiên cứu phục dựng 3D và mô hình kiến trúc điện Kính Thiên.
Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Kiến Trúc.
Tiếp tục nghiên cứu kiểm chứng, không phục dựng điện Kính Thiên ngay
Tuy rất chắc chắn về kết quả nghiên cứu dựa trên nhiều cơ sở khoa học tin cậy, xác thực của viện, ông Bùi Minh Trí khẳng định đây mới là kết quả nghiên cứu ban đầu, còn mang tính giả định về mặt bằng kiến trúc và chắc chắn còn có nhiều vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu và kiểm chứng.
Về việc Hà Nội đang có kế hoạch phục dựng điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long, ông Trí khẳng định kết quả nghiên cứu này "không phải để mang ra phục dựng, mà để mọi người hình dung, cảm nhận về điện Kính Thiên thế nào".
"Phải tiếp tục nghiên cứu kiểm chứng để thực hiện, chứ không phải vẽ xong như vậy là mang ra dựng ngay. Tính thận trọng trong khoa học là hết sức quan trọng", ông Trí nói.
Trước đó, năm 2015, Viện Nghiên cứu kinh thành đã phục dựng hình ảnh 3D hình thái kiến trúc cung điện thời Lý. Hình ảnh này đã được trình chiếu dưới khu trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội.
Từ năm 2016-2021, Viện Nghiên cứu kinh thành tiếp tục nghiên cứu phục dựng 3D tổng thể hình thái kiến trúc thời Lý của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Kết quả nghiên cứu này đã được công bố vào tháng 11-2021, nhân kỷ niệm 10 thành lập viện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận