27/12/2019 13:33 GMT+7

Béo tới mức máu nhiễm mỡ chuyển sang màu sữa

ĐỖ DƯƠNG
ĐỖ DƯƠNG

TTO - Ca bệnh lý quá hi hữu này đã được ghi nhận ở Đức khi một người đàn ông rơi vào tình trạng lượng mỡ trong máu quá cao khiến máu thậm chí chuyển sang màu trắng đục hệt như sữa.

Béo tới mức máu nhiễm mỡ chuyển sang màu sữa - Ảnh 1.

Các lọ đựng mẫu máu của người bệnh ở Đức - Ảnh: ANNALS OF INTERNAL MEDICINE

Theo trang tin khoa học Science Alert, trình trạng máu nhiễm mỡ cao bất thường đã suýt cướp đi tính mạng của bệnh nhân này nếu không được các bác sĩ kịp thời cứu sống bằng phương pháp điều trị vốn đã không còn được dùng tới vốn có từ thời Ai Cập cổ đại cách nay khoảng 3.000 năm.

Người bệnh 39 tuổi nhập viện trong tình trạng bị hypertriglyceridemia cực đoan. Thuật ngữ y học gọi đây là căn bệnh triglyceride cao (hypertriglyceridemia) khi các phân tử triglyceride xuất hiện với nồng độ cao trong máu, thường được gọi nôm na là "bệnh mỡ máu cao".

Thông thường các bác sĩ sẽ điều trị bệnh này bằng kỹ thuật lọc huyết tương (plasmapheresis), tức là rút huyết tương khỏi cơ thể người bệnh, loại bỏ thành phần triglyceride vượt mức cho phép (cũng như các yếu tố gây hại cho cơ thể khác), sau đó đưa phần máu đã được lọc trở lại cơ thể người bệnh.

Tuy nhiên với trường hợp bệnh nhân ở Đức các bác sĩ đã không thể áp dụng cách này.

Là bởi khi các bác sĩ tại Bệnh viện đại học Cologne dùng cách này điều trị, vì máu của người bệnh có lượng mỡ quá cao và đặc nên thậm chí đã làm tắc luôn cả máy lọc huyết tương. Thử tới lần thứ hai mà máy lọc vẫn tắc, các bác sĩ đã tưởng họ đành bó tay.

Trong báo cáo nghiên cứu về trường hợp đặc biệt này đăng trên tạp chí y khoa Annals of Internal Medicine, nhóm nghiên cứu thừa nhận đây là trường hợp chưa từng thấy trước đó.

Lượng triglyceride bình thường trong máu thường ở mức dưới 150 mg/dL. Trong trường hợp nồng độ này rơi vào khoảng từ 200-499 mg/dL và 500mg/dL sẽ được cho là "rất cao".

Nhưng với người bệnh ở Đức, máu hoàn toàn đặc quánh khi lượng triglyceride cao gấp 36 lần mức "rất cao" đó, tức khoảng 18.000 mg/dL.

Theo nhóm nghiên cứu đó là lý do vì sao bệnh nhân cảm thấy buồn nôn, ói mửa, đau đầu và không còn tỉnh táo khi nhập viện.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, các nguyên nhân dẫn tới tình trạng cực đoan này của người bệnh có thể liên quan nhiều yếu tố cùng lúc như tình trạng bệnh béo phì, chế độ ăn, kháng insulin và có thể có yếu tố di truyền. Bên cạnh đó bệnh nhân đang điều trị tiểu đường nhưng không uống thuốc thường xuyên.

Do phương pháp lọc huyết tương không hiệu quả, các bác sĩ rốt cuộc đã phải dùng đến phương pháp điều trị cổ xưa từng được dùng trong giai đoạn thế kỷ 18 và 19 là trích huyết (bloodletting) để chữa trị.

Phương pháp trị bệnh bằng cách chủ động rút bớt máu trong cơ thể này đã từng được vận dụng khoảng 3.000 năm trước ở Ai Cập. Đó cũng từng là một trong những phương pháp trị liệu phổ biến thời cổ đại. Thật may khi cách này đã cứu sống người bệnh.

Các bác sĩ đã rút ra hai lít máu của bệnh nhân, thay thế bằng lượng hồng cầu cô đặc, huyết tương tươi đông lạnh và dung dịch nước muối đẳng trương. May mắn khi phương pháp này phát huy tác dụng, hạ dần lượng triglyceride trong máu, tới ngày thứ 5 người bệnh qua cơn nguy kịch.

Điều thú vị trong ca bệnh hiếm hoi này là các nhóm bác sĩ đã rất kinh ngạc khi rốt cuộc ở cuối thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, một phương pháp trị liệu cổ xưa vẫn là lựa chọn duy nhất giúp họ cứu sống người bệnh bất kể y học hiện đại đã phát triển những bước dài như thế nào.

Trẻ em cũng bị mỡ máu cao Trẻ em cũng bị mỡ máu cao

TTO - Căn bệnh tưởng chỉ có ở người lớn nhưng thực tế chứng bệnh mỡ máu cao được ghi nhận ở trẻ em VN.

ĐỖ DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên