20/11/2018 11:11 GMT+7

Trẻ em cũng bị mỡ máu cao

XUÂN MAI - LAN ANH
XUÂN MAI - LAN ANH

TTO - Căn bệnh tưởng chỉ có ở người lớn nhưng thực tế chứng bệnh mỡ máu cao được ghi nhận ở trẻ em VN.

Trẻ em cũng bị mỡ máu cao - Ảnh 1.

Trẻ em nên chơi thể thao để tránh các bệnh do thừa cân, béo phì gây nên - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bệnh mỡ máu cao ở trẻ em là loại bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa khá thường gặp, nhưng đại đa số bệnh nhân không được chẩn đoán sớm và hạ mỡ máu thích hợp. Giai đoạn đầu bệnh có thể tiến triển âm thầm, nhưng lâu dài sẽ gây xơ vữa mạch máu và nhiều biến chứng với sức khỏe.

BS ĐỖ DOÃN LỢI

Theo kết quả nghiên cứu gần đây nhất của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, khảo sát trên đối tượng trẻ thừa cân, béo phì đang học tại một số trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM, phát hiện có khoảng 20% trẻ có dấu hiệu chuyển hóa lipid máu, còn gọi mỡ máu cao.

Các bác sĩ cho hay, nếu như trước đây chứng bệnh mỡ máu cao chỉ gặp ở người lớn tuổi thì ngày nay bệnh xuất hiện ở người trẻ tuổi, thậm chí trẻ em mà thường gặp nhất ở trẻ thừa cân, béo phì.

Gốc rễ của nhiều bệnh nguy hiểm

BS CKII Trần Ngọc Lưu Phương - trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) - cho biết tại bệnh viện, phần lớn người trẻ phát hiện bản thân mắc chứng bệnh mỡ máu cao đều qua những lần khám sức khỏe tổng quát hoặc vô tình phát hiện trong quá trình điều trị bệnh lý khác.

Theo các bác sĩ, bình thường trong máu có một tỉ lệ mỡ nhất định, được đánh giá bằng chỉ số xét nghiệm cholesterol, triglycerid… Nếu các chỉ số này cao hơn mức cho phép thì gọi là mỡ máu cao.

Mỡ trong máu tăng cao gây ra các triệu chứng đặc trưng như đau đầu, tê chân tay, hoa mắt, chóng mặt, đau tức trong ngực, thở gấp, tim đập nhanh... Ở những người trẻ tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ thì các dấu hiệu của bệnh thường không rõ ràng, khó có thể nhận biết được.

Mỡ máu cao là nguyên nhân gây ra các bệnh lý nguy hiểm như tim mạch, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tắc nghẽn mạch… Nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng

Nguyên nhân xuất phát từ lối sống

ThS.BS Trần Quốc Cường - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - cho biết nguồn gốc gây mỡ máu cao ở mọi người nói chung và người trẻ nói riêng là do ăn uống không lành mạnh, lười vận động.

Cụ thể, ăn nhiều thực phẩm giàu cholesterol (mỡ, da, phủ tạng động vật…), thực phẩm có chứa chất béo dạng tranfast (thực phẩm công nghiệp chiên, rán như xúc xích, lạp xưởng…) nhưng lại ăn ít chất xơ (rau, củ, đậu, trái cây...).

"Ở trẻ thừa cân, béo phì thì nguy cơ mắc mỡ máu càng cao. Tuy nhiên, cũng có những trẻ có thể trạng bình thường lại bị mỡ máu cao. Ở trường hợp này chỉ chiếm số ít với nguyên nhân chính là do di truyền" - BS Quốc Cường nói.

Ngoài ra, BS Lưu Phương cho biết, theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đối với những trẻ sinh ra được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ thì tỉ lệ mắc các chứng bệnh như máu nhiễm mỡ, cao huyết áp, tim mạch… sẽ ít hơn rất nhiều so với trẻ được nuôi bằng sữa công thức mặc dù trẻ cùng cân nặng và giới tính.

Để phòng tránh, khống chế mỡ máu cao, BS Quốc Cường khuyến cáo người trẻ cần chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt bằng cách hạn chế những thực phẩm giàu cholesterol, chất béo. Song song đó cần tăng cường ăn rau xanh, thực phẩm chứa hàm lượng chất xơ cao và luyện tập thể dục mỗi ngày.

Tại Viện Tim mạch quốc gia, theo BS Đỗ Doãn Lợi - nguyên viện trưởng, đã có 41 trẻ em, bé nhỏ nhất mới trên 7 tuổi, đã được xác định mắc bệnh mỡ máu cao và đang được điều trị tại viện.

Có hai thể tăng mỡ máu, gồm thể bệnh do đột biến gen (41 trẻ em đang điều trị tại Viện Tim mạch quốc gia mắc thể bệnh này). Đây là bệnh tăng mỡ máu có tính chất gia đình, truyền từ bố mẹ sang con theo cơ chế di truyền trội.

Ước tính tại VN có 500.000 người mắc bệnh này, tuy nhiên đa số bệnh nhân không được chẩn đoán sớm và không được điều trị, do đó các biến cố xơ vữa mạch máu, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não ở nhóm bệnh nhân này khá cao với nhiều bệnh nhân có tổn thương mạch nghiêm trọng.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy nguy cơ biến cố tim mạch sớm của nhóm bệnh nhân này cao gấp 10-13 lần so với bình thường. Thể bệnh thứ hai là mỡ máu cao liên quan đến lối sống và thói quen ăn uống...

Theo BS Lợi, trẻ em mắc bệnh do đột biến gen được truyền từ bố mẹ sang con theo cơ chế di truyền. Trẻ mắc bệnh cũng có các biểu hiện như mỡ máu cao, lâu dài mỡ sẽ lắng đọng ở lòng mạch và gây bít tắc mạch máu, trong đó có trường hợp bị bít tắc mạch máu não, thận, chi, hoặc ở mắt gây ảnh hưởng thị giác.

Trong số 41 trẻ em đã được ghi nhận mắc bệnh này cho đến nay, có một bé từng phải đặt 2 stent tim như người bệnh lớn tuổi và hiện vẫn phải uống thuốc điều trị. Có trường hợp phải lọc bớt mỡ trong máu do lượng mỡ quá cao.

Do đây là căn bệnh khá lạ ở trẻ em, ông Lợi mong cha mẹ và cộng đồng có hiểu biết về bệnh, bệnh liên quan đến gen nên có thể xuất hiện bất kỳ thời điểm nào, nặng nhất là các trường hợp mắc thể bệnh đồng hợp tử.

Ở nhóm trẻ em mắc bệnh liên quan đến gen, ước tính mới có một phần trẻ mắc bệnh trong cộng đồng được phát hiện và điều trị bệnh.

XUÂN MAI - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên