Trước thực trạng này, ngành y tế TP.HCM đã chủ động tăng cường các giải pháp ứng phó bệnh sởi, kiến nghị UBND TP.HCM công bố dịch.
Phụ huynh vẫn thờ ơ với bệnh sởi
Sáng 12-8, tại phòng cách ly 401 khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 có 8 trẻ mắc bệnh sởi đang nằm điều trị. Nhiều bé bị phát ban dạng sởi.
Hầu hết các bé đều chưa chích ngừa. Chị Trần Kim N. (25 tuổi, ngụ ở Cà Mau) đang chăm sóc con gái hơn 2 tuổi mắc bệnh sởi, cho hay con gái chị chưa được tiêm mũi sởi nào.
Chị N. còn không biết vắc xin sởi được tiêm ngừa miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, cứ nghĩ tiêm ngừa sởi phải mất hàng triệu đồng.
Bác sĩ Dư Tấn Quy, trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết trong ngày 12-8 khoa có hơn 50 bệnh nhi mắc bệnh sởi đang nằm điều trị. Trong khi từ năm 2011 - 2023, tại khoa không ghi nhận ca bệnh sởi nào.
"Hơn một tháng nay số trẻ mắc bệnh sởi nhập viện bắt đầu tăng nhưng tăng đột biến trong khoảng hơn một tuần nay. Phần lớn trẻ em mắc sởi đều chưa được chích ngừa, một số ít trẻ mới được chích một mũi", bác sĩ Quy thông tin.
Bác sĩ Quy cho hay nhiều bà mẹ không biết bệnh sởi là bệnh gì. Một số ít các bà mẹ thấy em bé phát ban, sốt thì đưa con đến, nhiều trường hợp khi trẻ bị biến chứng của sởi như viêm phổi, biến chứng viêm ruột như tiêu chảy, tiêu phân xanh... mới đưa đến bệnh viện.
Trong đợt bệnh sởi này, bệnh viện chưa tiếp nhận một bé nào tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi mà bị mắc sởi, vào khoa điều trị.
"Cách phòng chống bệnh sởi lây lan trong cộng đồng tốt nhất là chích ngừa sởi đầy đủ. Do vậy cần phát động lại chiến dịch tiêm phòng vắc xin sởi trong cộng đồng" - bác sĩ Quy nói.
Các ca bệnh hầu hết chưa tiêm vắc xin
Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện đang điều trị 14 ca bệnh sởi, trong đó 1 ca có địa chỉ tại TP.HCM, 13 ca từ các tỉnh chuyển đến. Đáng chú ý các ca bệnh tập trung từ 1 - 3 tuổi, hầu hết chưa được tiêm vắc xin ngừa bệnh.
Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng TP từ đầu năm đến nay tiếp nhận khám ngoại trú 85 ca sởi/sốt phát ban dạng sởi. Hiện bệnh viện đang tiếp nhận điều trị 17 ca sởi (4 ca địa chỉ TP và 13 ca địa chỉ tỉnh). Trong đó có 8 ca bệnh nặng hỗ trợ hô hấp, 7 ca thở oxy, 1 ca thở NCPAP (phương pháp hỗ trợ về hô hấp).
Bà Lê Hồng Nga, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết đầu năm 2024 TP không ghi nhận ca sởi dương tính nào, nhưng bắt đầu từ ngày 23-5 đến 11-8, tất cả các bệnh viện ghi nhận đến 597 ca sốt phát ban nghi sởi, phát hiện 346 ca dương tính. TP.HCM có 153 ca chiếm 50%, còn lại là từ các tỉnh đến khám và điều trị.
Bà Nga chia sẻ thêm 153 ca sởi tại TP.HCM xuất hiện ở 57 phường, xã thuộc 16 quận, huyện và trong đó có 9 quận, huyện có từ 2 ca bệnh trở lên (đủ điều kiện công bố dịch), 3 trẻ tử vong. Đáng nói từ năm 2021 - 2023, toàn TP chỉ có 1 ca bệnh sởi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Chức, phó giám đốc Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, thông tin năm 2024 Thủ Đức xuất hiện rải rác tại các phường một số trường hợp trẻ mắc bệnh sởi. Đa phần trẻ đều chưa tiêm đủ các mũi vắc xin hoặc không tiêm vắc xin cho trẻ.
Chủ yếu những ca sởi này xuất hiện ở những vùng ven, giáp ranh với một số tỉnh khác, trẻ có cha mẹ làm lao động tay chân, công nhân.
Đại diện Trạm y tế phường Phước Long A (TP Thủ Đức) chia sẻ thêm thời gian vừa qua số lượng phụ huynh đưa con đi tiêm vắc xin phòng sởi có tăng nhưng không đáng kể. Mới đây nhất, trạm y tế đã tổ chức tiêm vắc xin sởi ba buổi nhưng chỉ có hơn 20 phụ huynh đưa con đi tiêm.
"Nguồn vắc xin tại trạm y tế đầy đủ, không thiếu, phường tổ chức tiêm cho cả trẻ thường trú và tạm trú. Thế nhưng nhiều phụ huynh không quan tâm đến việc con đã tiêm vắc xin sởi hay chưa, thậm chí không nhớ tiền sử tiêm chủng của con ra sao.
Để đảm bảo tiêm chủng cho trẻ, trạm phải liên tục gọi điện thuyết phục phụ huynh đưa trẻ ra tiêm", đại diện trạm y tế cho hay.
Tỉ lệ bao phủ vắc xin sởi chưa đạt yêu cầu
Tỉ lệ bao phủ vắc xin phòng sởi hiện nay của TP.HCM vẫn chưa đáp ứng để tạo miễn dịch cộng đồng phòng bùng phát dịch sởi. Báo cáo của Sở Y tế cho thấy tính đến tháng 5-2024, tỉ lệ bao phủ vắc xin sởi của trẻ em từ năm 2019 - 2023 tại TP.HCM đều chưa đạt 95%.
Kết quả khảo sát miễn dịch cộng đồng bệnh sởi do các đơn vị y tế trên địa bàn TP thực hiện cho thấy tỉ lệ có kháng thể phòng bệnh sởi ở trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi chỉ đạt 86%. Trong khi để có bảo vệ cộng đồng trước bệnh sởi thì tỉ lệ phải trên 95%. Do vậy nguy cơ bùng phát dịch sởi là rất lớn.
Trước nguy cơ bệnh sởi có thể bùng phát do tỉ lệ tiêm phòng thấp, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp nhằm tăng tỉ lệ bao phủ vắc xin, ngăn ngừa nguy cơ bệnh sởi lây lan rộng trong cộng đồng.
TP.HCM sẽ mở chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho khoảng 517.250 trẻ theo hình thức tiêm tại trường học, trạm y tế, bệnh viện, chiến dịch kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9-2024.
Ông Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết mặc dù sởi không phức tạp như COVID-19 nhưng không thể xem thường.
Ông yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn cần triển khai ngay giải pháp phòng chống dịch sởi, không để lây lan, đặc biệt trong bệnh viện. Các quận, huyện phải chủ động rà soát danh sách trẻ chưa tiêm vắc xin, tổ chức tiêm cho trẻ để tăng miễn dịch cộng đồng.
Có nguyên nhân do gián đoạn cung ứng vắc xin
Sở Y tế TP.HCM lý giải nguyên nhân của tình trạng bệnh sởi tăng là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong năm 2020 - 2021, tình trạng gián đoạn cung ứng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng năm 2022 - 2023 đã ảnh hưởng rất lớn đến tỉ lệ bao phủ vắc xin tiêm chủng mở rộng và vắc xin sởi của các tỉnh phía Nam, trong đó có TP.HCM.
Để lấp khoảng trống tiêm vắc xin cho trẻ, năm 2024 TP đã triển khai tiêm vắc xin cho trẻ đồng loạt ở tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên toàn TP nhằm tăng độ bao phủ vắc xin nhưng đến nay vẫn chưa đạt.
Kiểm soát bệnh sởi cần độ bao phủ vắc xin trên 95%
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chiều 12-8 Sở Y tế TP.HCM đã có cuộc họp trực tuyến giao ban với tất cả các bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn để thống nhất các giải pháp phòng chống bệnh sởi.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, phó giám đốc sở, cho biết sởi lây qua đường hô hấp, trung bình 1 ca bệnh sẽ lây từ 12 - 18 ca khác, so với dịch COVID-19 trung bình 1 ca lây chỉ 2 - 5 ca.
Bệnh sởi thông thường sẽ tự khỏi, không có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng một số có diễn tiến nặng như viêm phổi, viêm não... đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng. Để kiểm soát được bệnh sởi trong cộng đồng cần độ bao phủ vắc xin đạt trên 95%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận