Sáng 12-8, tại khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 có hơn 50 bệnh nhi mắc bệnh sởi đang nằm điều trị. Trong khi từ năm 2011 - 2023, tại khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 không ghi nhận ca sởi nào.
Phần lớn trẻ mắc bệnh sởi nhập viện chưa được chích ngừa
Bác sĩ Dư Tấn Quy, trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết hơn một tháng nay số trẻ mắc bệnh sởi nhập viện bắt đầu tăng, nhưng tăng nhanh trong khoảng hơn một tuần nay.
Trong ngày 12-8, tại khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 có hơn 50 bệnh nhi mắc bệnh sởi đang nằm điều trị.
Phần lớn trẻ em mắc sởi nhập viện tại đây đều chưa được chích ngừa, một số ít trẻ mới được chích một mũi.
Trong số trẻ mắc sởi nhập viện điều trị, có đến 2/3 trẻ ở dưới tỉnh chuyển lên và 1/3 trẻ là ở TP.HCM.
Bác sĩ Tấn Quy cho rằng: "Bệnh sởi hoàn toàn có thể điều trị ở tuyến địa phương, không cần thiết đưa lên TP.HCM điều trị. Việc đưa trẻ từ các tỉnh lên các bệnh viện TP.HCM điều trị sẽ có nguy cơ lây lan bệnh sởi trong quá trình di chuyển của bệnh nhi.
Những bệnh nhi này thường đi xe công cộng lên bệnh viện, hoặc có những gia đình vừa đưa trẻ lên TP khám sởi vừa kết hợp đi du lịch".
Đang chăm sóc con gái hơn 2 tuổi mắc bệnh sởi tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, chị Trần Kim Như, 25 tuổi, ngụ ở Cà Mau, cho hay con gái chị chưa được tiêm mũi sởi nào trước đó.
Cha mẹ của những bệnh nhi mắc sởi nằm gần bên cũng cho hay con họ cũng chưa được chích ngừa mũi sởi nào trước đó.
Có cháu dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi được chích ngừa, có cháu bị bệnh suốt nên không chích được, có cháu do cha mẹ không đưa đi chích vì một lý do nào đó.
Toàn thành phố đã có 48 phường, xã trên 14 quận, huyện có ca bệnh sởi
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), số ca mắc bệnh sởi bắt đầu tăng từ cuối tháng 5 đến nay và tuần gần nhất đã có đến 60 ca sốt phát ban nghi mắc sởi/tuần. Tại TP.HCM đã có 3 trẻ em mắc bệnh sởi tử vong rải rác từ tháng 6 đến nay.
Theo báo cáo từ các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, tính đến ngày 4-8 đã có 505 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 262 ca xét nghiệm dương tính, hơn 50% là các ca bệnh ở tỉnh thành khác đến khám và điều trị tại thành phố.
Chỉ tính riêng các trường hợp có địa chỉ tại TP.HCM, có đến 201 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 116 ca xét nghiệm dương tính. Trong khi đó từ năm 2021 - 2023 cả TP chỉ có một ca xét nghiệm dương tính.
Hiện toàn thành phố đã có 48 phường, xã trên 14 quận, huyện có ca bệnh sởi xác định, 8 quận, huyện có từ 2 phường, xã trở lên có ca bệnh.
Trong 116 ca xác định có 27,6% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, 78,4% là trẻ dưới 5 tuổi.
Số bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi chiếm đến 66% và có đến 30% không rõ tiền sử tiêm chủng.
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên.
Chiều nay Sở Y tế TP.HCM sẽ có cuộc giao ban với tất cả các bệnh viện và các trung tâm y tế trên địa bàn để thống nhất các giải pháp phòng chống dịch sởi.
Xin ý kiến chỉ đạo về kế hoạch chuẩn bị ứng phó dịch bệnh sởi
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc xin ý kiến chỉ đạo một số nội dung liên quan đến kế hoạch chuẩn bị ứng phó dịch bệnh sởi trên địa bàn TP.HCM năm 2024.
Trên cơ sở các văn bản pháp lý quy định và ý kiến tham vấn của các chuyên gia, Sở Y tế đã điều chỉnh bản dự thảo Kế hoạch chủ động ứng phó với bệnh sởi trên địa bàn TP.HCM phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Trong đó đề xuất UBND TP công bố dịch sởi (bệnh truyền nhiễm nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận