28/08/2020 19:41 GMT+7

Bệnh nhân COVID-19 tái dương tính: chưa ghi nhận ca nhiễm thứ phát

M.A.
M.A.

TTO - Đến nay tất cả các trường hợp tiếp xúc và tiếp xúc gần với các ca tái dương tính đều có kết quả xét nghiệm âm tính, chưa ghi nhận trường hợp nhiễm thứ phát (tức là từ F1 chuyển thành F0) sau tái dương tính.

Bệnh nhân COVID-19 tái dương tính: chưa ghi nhận ca nhiễm thứ phát - Ảnh 1.

Cho vật chất di truyền vào để máy real-time PCR phân tích tìm virus corona - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ngày 28-8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cho biết tại Đà Nẵng đã xuất hiện ca tái dương tính đầu tiên sau khi khỏi bệnh, xuất viện. Trước đó, tại TP.HCM, Bắc Giang, Hà Nội… cũng ghi nhận một số trường hợp tái dương tính sau khi được công bố khỏi bệnh.

Về vấn đề này, PGS.TS Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho biết trên thế giới và tại Việt Nam cũng ghi nhận khá nhiều trường hợp có tái dương tính (thường là dương tính "yếu") sau khi đã xuất viện.

Trên thế giới đã có báo cáo khả năng tái nhiễm SARS-CoV-2 ở 3 trường hợp bệnh nhân xét nghiệm dương tính sau 4-6 tháng xuất viện và cần được tiếp tục theo dõi để xác nhận vấn đề này.

Hiện chưa có bằng chứng về khả năng lây nhiễm của các trường hợp tái dương tính ở mẫu ngoáy họng sau hồi phục, chưa phân lập được virus sống trong mẫu, cho dù lúc đầu nhiễm các chủng có khả năng lây lan mạnh. 

Đồng thời tất cả các trường hợp tiếp xúc và tiếp xúc gần với ca tái dương tính đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Chưa ghi nhận trường hợp nhiễm thứ phát (tức là từ F1 chuyển thành F0) sau tái dương tính.

Bệnh nhân COVID-19 tái dương tính: chưa ghi nhận ca nhiễm thứ phát - Ảnh 2.

PGS.TS Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - phát biểu từ đầu cầu TP.HCM trong một buổi giao ban phòng chống dịch COVID-19 trực tuyến của Bộ Y tế

PGS.TS Phan Trọng Lân cũng cho biết thêm các khảo sát tại Viện Pasteur TP.HCM khi tiến hành xét nghiệm phân lập virus cũng cho thấy những mẫu bệnh phẩm dương tính "yếu" đều không ghi nhận có virus sống sau nuôi cấy, nghĩa là không lây nhiễm hoặc khả năng lây nhiễm rất thấp. 

Dù vậy, ông đề nghị đối với mỗi trường hợp tái dương tính đều cần phải xử lý như 1 ca bệnh dương tính để đảm bảo hạn chế, loại bỏ mầm bệnh trong cộng đồng.

Chưa phát hiện trường hợp tái dương có thể gây lây nhiễm trong cộng đồng

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều 27-8, GS.TS Nguyễn Thanh Long - quyền bộ trưởng Bộ Y tế -, đã có những trao đổi về một số trường hợp tái dương tính sau khi được công bố khỏi bệnh, cho về nhà.

Theo quyền bộ trưởng, theo các kết quả nghiên cứu của Việt Nam và các nước trên thế giới, chưa có trường hợp nào tái dương có thể lây nhiễm trong cộng đồng. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng việc tái dương tính với SARS-CoV-2 là tình trạng bệnh nhân còn sót lại các vật liệu di truyền.

Quyền bộ trưởng cho biết trên tinh thần hết sức thận trọng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở điều trị COVID-19 trong tiêu chuẩn công bố khỏi bệnh là bệnh nhân phải có kết quả xét nghiệm âm tính ít nhất 3 lần.

Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn đề nghị các cơ sở y tế phải tiếp tục theo dõi sức khỏe bệnh nhân trong một thời gian. Khi về nhà, bệnh nhân cũng cần theo dõi thêm 14 ngày. Điều này sẽ giúp đảm bảo an toàn tuyệt đối với các bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh.

Nhân viên y tế ở Đà Nẵng tái dương tính sau khi xuất viện Nhân viên y tế ở Đà Nẵng tái dương tính sau khi xuất viện

TTO - Ngày 28-8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cho biết đã xác định một ca tái dương tính đầu tiên sau khi khỏi bệnh, xuất viện. Người này có tới 3 lần cho kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 trong những ngày vừa qua.

M.A.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên