Trong căn nhà của mình ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, Dương Thị Thùy Trâm hằng ngày vừa ôn lại bài vở chuẩn bị nhập học đại học, vừa định kỳ nhập viện để truyền hóa chất theo phác đồ của bác sĩ.
Hai lần đưa con vào Bệnh viện Ung bướu
Thùy Trâm là cô con gái cả trong gia đình gồm ba chị em. Để có thu nhập, ông Dương Văn Dũng (52 tuổi) - ba Trâm - phải đi học nghề in dập thủ công rồi lấy chính ngôi nhà mình làm xưởng. Hằng ngày ông lao động cật lực để lo cho ba đứa con. Mẹ Trâm - bà Hồ Thị Nguyệt (46 tuổi) - không có việc làm nên cũng chỉ loanh quanh ở nhà nội trợ, phụ chồng.
Năm 2020, Dương Khánh Ly - cô con gái thứ hai của ông bà - đi khám thì xác định bị bệnh mô bào langerhans.
Để nuôi hy vọng con hồi phục, ông Dũng và bà Nguyệt dốc hết toàn bộ tiền bạc, đi vay mượn thêm rồi đưa con gái vào TP.HCM điều trị. Hành trình ấy đều đặn theo lịch 2 tuần mỗi đợt và kéo dài cho tới tận bây giờ.
Còn Trâm, đầu năm học lớp 12, sức khỏe sa sút. Khi đi khám, cả gia đình như chết lặng khi biết Trâm mắc chứng bệnh u lympho hodgkin.
Ông Dũng cho hay mấy hôm nay đang rao bán căn nhà để chuyển đi nơi khác. Nếu bán được nhà, hai vợ chồng sẽ trả được khoản nợ vay dồn từ trước tới nay. Số tiền còn lại sẽ làm lộ phí cho Trâm vào đại học.
Trâm mắt thâm quầng, da đen tái. Những sợi tóc bắt đầu mọc lại sau nhiều tháng trụi nhẵn vì hóa chất.
Vừa đi học, vừa điều trị ung bướu
Trâm bật khóc khi nói rằng từ nhỏ tới khi lên lớp 12 chưa từng nghĩ mình sẽ bị bệnh. Gia đình không mấy khá giả nên hai chị em đều nỗ lực học hành để sau này phụ ba mẹ trả các khoản nợ. Trâm dành thời gian học cật lực, cả năm lớp 10 và 11 đều đạt học lực giỏi.
Kỳ thi học sinh giỏi TP Đà Nẵng năm Trâm lớp 11, bạn đạt giải ba môn giáo dục công dân. Với thành tích này, Trâm giành suất tuyển thẳng sớm vào Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng.
Những ngày đầu tiên lên lớp 12, khi biết mình bị bệnh và phải trải qua quá trình dài điều trị hóa chất, Trâm có thời gian rơi vào khủng hoảng tinh thần. Tuy nhiên xác định không còn đường lùi, cô nữ sinh nghèo quyết tâm chiến thắng bệnh tật.
Cô Trần Thị Nhàn - giáo viên chủ nhiệm lớp 12/1 của Trâm - nói rằng cứ ít ngày lớp lại vắng mặt cô học trò luôn hoạt náo trong các phong trào của lớp. Trâm phải nhập viện để hóa trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.
Thời gian đó, các thầy cô lẫn bè bạn lo Trâm sẽ khó giữ được nhịp học tập, tương lai khó đoán định. Nhưng cô nữ sinh này lại nghị lực hơn mọi người nghĩ. Cứ hết thời gian nằm viện, Trâm trở lại lớp với mái tóc giả. Cô vẫn luôn tham gia các hoạt động, là thành viên năng nổ, học tốt của tập thể 12/1.
"Các thầy cô, bạn bè ai cũng quý mến và thương Trâm. Có chương trình, món quà hay suất học bổng nào, mọi người cũng nghĩ tới em đầu tiên. Nhà trường cũng tạo mọi điều kiện để Trâm vừa có thể nắm kiến thức, vừa điều trị bệnh" - cô Nhàn kể.
Vẫn thấy mình còn may mắn nên không tuyệt vọng
Trâm rơm rớm nước mắt khi kể quãng thời gian nằm viện, và bảo rằng dù sao vẫn thấy mình còn may mắn.
"Khi vào viện, điều tôi lo nhất là sẽ không thể học tiếp được nữa. Mọi giấc mơ đều sẽ phải dừng lại. Nhưng quá trình điều trị, tôi thấy nhiều người còn cực hơn, họ không còn hy vọng sống nữa. Trong phòng mình có một bạn ngang tuổi, bị ung thư và phải bỏ hẳn việc học để điều trị. Thấy bạn đó, tôi thương vô cùng. Lúc đó tôi tự bảo rằng dù sao vẫn còn may mắn là được đi học, được có cơ hội lành bệnh để tiếp tục theo đuổi ước mơ" - Trâm nói với chương trình học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.
Trâm chia sẻ rằng từ khi lên THPT đã có mong muốn vào đại học. Năm lớp 12, sau nhiều đắn đo Trâm quyết định chọn đăng ký học ngành luật vì thấy phù hợp với tính cách, mong muốn của mình. Với thành tích học sinh giỏi cấp thành phố, Trâm được tuyển thẳng vào ngành phù hợp của Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng.
"Theo như bác sĩ tư vấn, bệnh của tôi sẽ được chữa trị khỏi nếu đi đúng phác đồ. Hiện tại tôi vừa kết thúc giai đoạn cuối của quá trình điều trị. Khỏi bệnh, tôi sẽ vào đại học, sẽ cố gắng học thật tốt để ra trường đi làm kiếm tiền trả nợ cho ba mẹ" - Trâm đặt kỳ vọng.
Cô học trò truyền cảm hứng vượt nghịch cảnh
Cô Trần Thị Nhàn - giáo viên chủ nhiệm lớp 12/1 Trường THPT Nguyễn Trãi, nơi Trâm học lớp 12 - nói rằng điều đặc biệt ở Trâm là hầu như không bộc lộ sự bi lụy. Dù phải vừa học vừa vào viện vô thuốc thường xuyên, Trâm vẫn vui vẻ, hồn nhiên.
"Khi tôi tới nhà, thấy gia đình Trâm ở trong nhà hai tầng thì cũng nghĩ rằng hoàn cảnh không tới nỗi khó khăn. Nhưng một thời gian tìm hiểu, sâu sát mới thấy hoàn cảnh quá tội nghiệp, hầu như mọi khoản tiền đều dành để chữa trị cho Trâm và em gái.
Câu chuyện của Trâm là nguồn động viên, truyền cảm hứng vượt qua biến cố để bạn bè trong trường, trong đó có một học sinh cùng lớp cũng mắc bệnh hiểm nghèo tự tin và bước tiếp" - cô Nhàn nói.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Giới thiệu Tiếp sức đến trường 2024: Tân sinh viên khó khăn, có Báo Tuổi Trẻ. Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận