25/08/2024 05:06 GMT+7

Bố khuyết tật, mẹ bệnh ung thư, hai chị em trúng tuyển trong nỗi lo nhân đôi

Cha khuyết tật, mẹ bệnh ung thư. Anh trai của Nho sinh ra mang bệnh trong người và mất cách đây ít năm. Chị gái là Nguyễn Thị Luy (20 tuổi) thể trạng yếu, nên mọi việc nặng nhọc trong nhà đều do Nho gánh vác.

Thực hiện: LÊ MINH - NHÃ CHÂN - DIỄM HƯỜNG - TRINH TRÀ

Bố tàn tật, mẹ ung thư, hai chị em cùng trúng tuyển, lo lắng gấp đôi - Ảnh 1.

Em Nguyễn Văn Nho bên góc học tập đơn sơ. Ngôi nhà cấp 4 được một tổ chức thiện nguyện xây cho nhiều năm trước - Ảnh: LÊ MINH

Cận kề thời điểm bước chân vào giảng đường đại học, hai chị em Nguyễn Thị Luy, Nguyễn Văn Nho (xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) được tin báo trúng tuyển mà lòng ngổn ngang tâm sự.

Người khỏe mạnh còn lại của gia đình

Những ngày này, nam sinh Nguyễn Văn Nho (18 tuổi) luôn có mặt bên gian tạp hóa nhỏ của gia đình để phụ giúp bố mẹ bán hàng. Em là người khỏe mạnh nhất trong nhà và phải gánh vác việc nặng nhọc hơn giúp đỡ những người còn lại.

Ấn tượng đầu tiên khi gặp Nho là khuôn mặt hiền lành, lanh lợi. Nho đứng sau một chiếc bàn gỗ cũ lục lọi tìm hàng bán cho khách là những em nhỏ trong làng tới mua quà vặt. Tiền lời hằng ngày không được bao nhiêu.

Bà Nguyễn Thị Lan (mẹ Nho) cho biết Nho là con thứ ba trong gia đình có 3 anh chị em. Chồng bà, ông Nguyễn Văn Thiết, bị tàn tật từ nhỏ, chân đi khập khiễng, một tay bị teo không thể sinh hoạt như người thường. Còn bà Lan trước đây khỏe mạnh, song chục năm nay đau ốm thường xuyên, mấy năm trước bà bị phát hiện ung thư buồng trứng.

Anh trai của Nho sinh ra mang bệnh trong người và mất cách đây ít năm. Chị của Nho là nữ sinh Nguyễn Thị Luy (20 tuổi) thể trạng yếu, nên mọi việc nặng nhọc trong nhà đều do Nho gánh vác.

Vợ chồng ông Thiết lấy nhau hành nghề làm ruộng kiếm sống, từ năm 2016 bà Lan mang bạo bệnh không thể làm ruộng được nữa, nên cuộc sống gia đình trông cậy vào gian hàng tạp hóa.

Gia đình ông bà thuộc diện hộ nghèo. Nhiều năm trước, một tổ chức thiện nguyện thấy hoàn cảnh của bố mẹ Nho đáng thương nên kêu gọi quyên góp xây dựng cho ông bà căn nhà cấp 4 hai gian. Từ đó đến nay ngôi nhà không có gì thay đổi, ngoài bộ bàn ghế giá trị nhất của gia đình ngày càng trở nên ọp ẹp.

Bố tàn tật, mẹ ung thư, hai chị em dìu nhau vào giảng đường - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Thiết (bố Nho) bên ngôi nhà tình nghĩa do nhà hảo tâm tài trợ - Ảnh: LÊ MINH

Không đủ tiền học thêm điểm vẫn rất cao 

Ở một góc nhỏ trong căn nhà cấp 4 là nơi học tập của hai chị em Nho, sách vở đã cũ được xếp ngăn nắp. Nho bảo: "Hành trình vào đại học của tôi chỉ vỏn vẹn từng ấy".

Sinh ra trong gia đình rất hoàn cảnh nên quá trình học tập của Nho cũng phải "liệu cơm gắp mắm". Suốt những năm học phổ thông, Nho không có điều kiện để tham gia các buổi học thêm bên ngoài hay tìm các lớp học online trên mạng để bổ sung kiến thức.

Để có đủ tiền mua sách vở, bút viết và đủ tiền nộp các khoản tại trường cũng đã phải tiết kiệm trước sau. Vậy mà trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mới đây, riêng khối C00 của em cũng đạt lần lượt điểm các môn là văn 8,5; sử: 9,5 và địa 9,5.

Vào năm lớp 9, Nho gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tâm lý, tinh thần xuống dốc dẫn đến kết quả học tập không như mong đợi. Thế nhưng lên THPT, Nho lại vào được lớp chọn khối A của nhà trường. Dù vậy, bản thân Nho có nhiều áp lực nên đến lớp 11 chuyển lớp học khối C, lớp 12 Nho đạt kết quả tốt khi là học sinh giỏi của trường.

Hai chị em cùng đậu đại học, lo lắng đứng ngồi 

Bố tàn tật, mẹ ung thư, hai chị em cùng trúng tuyển, lo lắng gấp đôi - Ảnh 4.

Hằng ngày Nho phụ giúp bố mẹ bán hàng tạp hóa để kiếm sống qua ngày - Ảnh: LÊ MINH

Chị gái Nguyễn Thị Luy lẽ ra hai năm trước cũng đã bước vào giảng đường đại học, song vì mẹ đau ốm nên đành gác lại ước mơ ở nhà chăm sóc mẹ.

Luy bảo đáng ra sẽ đi làm phụ giúp gia đình, song vì thể trạng yếu, không thể làm công việc nặng nên phải tiếp tục học hành để tìm kiếm một công việc phù hợp với sức khỏe khi ra trường. Vì vậy năm nay Luy cũng hoàn thành hồ sơ gửi nguyện vọng vào ngành kỹ thuật sinh học, Đại học Bách khoa Hà Nội. Do đó, cuộc sống của hai chị em Nho sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để hoàn thành ước mơ của mình.

Nho cho biết vì "cú sốc" tâm lý từ nhiều năm trước nên quyết định theo đuổi ngành tâm lý học của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. Nho sẽ theo ngành học này với mục đích chữa lành cho bản thân, tự hoàn thiện mình và sau này có thể giúp đỡ được nhiều người khác.

"Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nguyện vọng của tôi là chọn một ngành học có mức học phí thấp, vào trường cố gắng săn học bổng, ngoài ra tìm các công việc làm thêm để có thể tự lo lắng chi phí học tập, ăn uống cho bản thân. Hy vọng ước mơ sẽ thực hiện được để sớm ngày tôi có điều kiện giúp đỡ bố mẹ ở quê nhà" - Nho tâm sự.

Sáng sớm 19-8, Nho thông báo hai chị em đã có kết quả đỗ đại học như nguyện vọng. Đây là niềm vui của chị em Nho và gia đình, song giọng Nho khá ngập ngừng nói: "Vui lắm, nhưng cả nhà cũng rất lo lắng bởi tới đây nhập học sẽ cần một khoản tiền khá lớn. Trong khi đó bố mẹ bệnh tật không biết có thể đi vay mượn để bọn mình có thể có tiền nhập học không".

Cô Ngô Thị Hiền - giáo viên chủ nhiệm THPT của Nho - cho hay trong lớp 12A4 cô chủ nhiệm có nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, song trường hợp của Nho đặc biệt nhất khi bố tàn tật, mẹ ung thư thường xuyên phải uống thuốc điều trị.

Vì hoàn cảnh gia đình, Nho sống nội tâm, song cần cù, chịu khó. Trong học tập, Nho là học sinh có nỗ lực vươn lên, chủ yếu tự học và luôn nuôi dưỡng ước mơ vào đại học. Bản thân cô luôn hy vọng Nho được tiếp sức đến trường, hoàn thành ước mơ vào đại học, đó là động lực lớn để bản thân em vượt qua hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Tiếp sức đến trường: Mẹ nhận mình cả đời thất học, con gái điểm thi hạng 26 toàn tỉnh Quảng Trị- Ảnh 4.

Mời bạn quét mã QR này để đăng ký, giới thiệu tân sinh viên khó khăn cần tiếp sức đến trường. Chương trình nhận thông tin đến hết ngày 20-9-2024

Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Tiếp sức đến trường: Mẹ nhận mình cả đời thất học, con gái điểm thi hạng 26 toàn tỉnh Quảng Trị- Ảnh 5.

Đồ họa: TUẤN ANH

Giới thiệu Tiếp sức đến trường 2024: Tân sinh viên khó khăn, có Báo Tuổi Trẻ. Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.

Bố tàn tật, mẹ ung thư, hai chị em cùng vào giảng đường - Ảnh 4. Giữ lời hứa với cha, làm học sinh giỏi tỉnh, đậu vào Trường đại học Ngoại thương TP.HCM

Trời chập tối, khi nhiều gia đình quây quần bên bữa cơm thì mẹ con Phương lại đội chiếc đèn pin tất tả ra đồng làng bắt ếch. 'Giờ này lũ ếch ra đi ăn đêm, mẹ con tranh thủ đi kiếm mấy con đem bán, kiếm ít đồng', mẹ của Phương động viên con.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên