Dưới đây là bài viết của thầy Lê Triều Sơn (nguyên hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội, nay là hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng - Huế):
Đang bộn bề công việc chuẩn bị cho năm học mới, tôi nhận được tin nhắn qua Zalo: "Thầy ơi, con đậu ngành khoa học dữ liệu, Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng. Con mừng quá!".
Niềm vui ngập tràn, bởi đây là tin nhắn của cô học trò Văn Thị Hồng Cảm (lớp 12B1 Trường THPT Gia Hội - Huế), đứa học trò mà tôi thương quý. Cảm đầy nghị lực, vượt khó vươn lên.
Như bông hoa nở đẹp bất chấp u buồn
Văn Thị Hồng Cảm cũng như bao đứa trẻ khác, chào đời trong tình yêu thương của cả ba và mẹ. Nhưng niềm hạnh phúc ấy, sau này, em chỉ được cảm nhận qua lời kể của người bà, bởi chỉ hai tháng sau khi sinh em, mẹ và ba không còn sống chung nữa.
Cảm lớn lên bên bà nội và ba trong căn nhà cũ kỹ. Nguồn sống của cả gia đình dựa vào nghề cắt tóc của ba em.
Ba của Cảm lại mắc bệnh tâm thần phân liệt do hậu quả của căn bệnh trầm cảm không được chạy chữa vì hoàn cảnh quá khó khăn. Những năm qua, bao nhiêu tiếng la hét, đập phá đồ đạc, thiếu kiểm soát của người cha chính là bấy nhiêu sự lo lắng, kể cả ám ảnh của cô gái bé nhỏ này. Cảm chỉ biết thương yêu và chăm sóc ba khi trái gió trở trời.
Càng lớn, em càng nhận thức rõ rằng việc tiếp tục con đường học tập là một gánh nặng lớn cho gia đình, khi mà ba em ngày càng bệnh nặng và bà ngày càng già yếu.
Những trăn trở, suy nghĩ về lựa chọn tiếp tục hay dừng lại việc đến trường khiến cô bé tuổi trăng tròn đôi khi kiệt sức và bất lực.
May mắn thay, phép màu đã đến với Cảm và gia đình em. Cảm được cô Tôn Nữ Quỳnh Dương nhận nuôi để trở thành thành viên của Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng (Huế).
Cảm chuyển từ Trường THPT An Lương Đông (huyện Phú Lộc) lên học ở Trường THPT Gia Hội (Huế) nơi trước đây tôi làm hiệu trưởng. Những ngày đầu xa bà nội và ba, sống tại trung tâm chưa quen, Cảm thường buồn và ít nói. Em luôn canh cánh về bệnh tình của ba và sức khỏe của bà nội.
Thầy LÊ TRIỀU SƠN
Chính tình yêu thương của thầy cô và bạn bè đã giúp Cảm vượt qua. Được viết tiếp trang vở, được vui với niềm vui đến trường như làm sáng hơn khuôn mặt đầy lo âu nhưng thông minh của Cảm.
Cảm đã nỗ lực hết mình. Suốt 3 năm THPT năm học nào em cũng có điểm tổng kết cuối năm từ 9.0 trở lên.
Say mê với bộ môn toán, Cảm luôn đầu tư quỹ thời gian và tư duy của mình để theo đuổi và giải những bài toán khó.
Cảm tâm sự: "Quá trình từ cái nhìn ban đầu và tiếp xúc với các giả thiết của đề bài đến lúc em tìm ra câu trả lời cho bài toán là một cách em thấy mọi điều như tốt đẹp hơn, lạc quan hơn. Khoảnh khắc tìm ra được chìa khóa cho bài toán em cảm thấy sung sướng, khẳng định sự tiến bộ của em đối với môn học mà em yêu thích".
Giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2023-2024 là một điều tuyệt vời cho những cố gắng của Cảm, để em vững tin hơn vào bản thân và tỏ lòng biết ơn đến thầy cô đã yêu thương, dạy dỗ mình trên bước đường được tiếp sức đến trường.
Cô Hoàng Thị Bé, giáo viên chủ nhiệm hai năm lớp 11, 12 (Trường THPT Gia Hội) của Cảm, nhận xét: "Cảm là một học sinh có tinh thần và ý thức học tập cao, luôn hòa nhã với bạn bè, giúp đỡ bạn cùng tiến bộ, hay đưa ra những ý kiến đóng góp để xây dựng lớp. Em là một học sinh khiêm tốn dù sức học của em nổi trội, là tấm gương sáng của sự vượt khó để vươn lên".
"Thầy ơi, em tạm nghỉ học 1 năm để kiếm tiền"
Tôi đã sắp xếp ghé mảnh đất Lộc Điền thăm Cảm một chiều mùa hạ, trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, còn nguyên phần gạch xây thô. Đón tôi là 3 ánh mắt: cái nhìn khờ dại của ba Cảm - một người còn ít nhiều di chứng của bệnh tâm thần, đôi mắt vui mừng của bà nội Cảm khi nhận ra người thầy đã đỡ đầu cháu gái mình những ngày tháng xa nhà lên Huế học, và ánh mắt Cảm - u buồn, lo lắng.
"Thầy ơi, em nghỉ một năm, lo cho nội với ba ổn định. Em kiếm thêm ít tiền để dành nhập học, sang năm em nhất định đi học", Cảm vừa nói vừa cúi đầu quét mớ tóc ở tiệm hớt tóc của ba cho gọn gàng.
Hiểu niềm đam mê học tập của Cảm, mới biết ý định chững lại khó khăn với em thế nào. Tôi sợ rằng một ngày nào đó khi quay trở lại đây thăm em, Cảm vì gánh nặng cơm áo mà quên đi giấc mơ đại học của mình, sợ Cảm mãi mãi rời bỏ chữ nghĩa trong khi em đã từng học giỏi đến thế.
Thầy LÊ TRIỀU SƠN
Mong thật nhiều sự yêu thương và quan tâm từ mọi người để tiếp thêm sức mạnh đến trường cho Cảm, để cuối con đường học tập sẽ là trái ngọt dành cho cô gái nghị lực này.
Dõi theo Cảm cho đến hôm nay, khi em sắp bước chân vào giảng đường đại học với những ước mơ đẹp, tôi thấy hành trình của Cảm và con chữ thật diệu kỳ.
Cánh cửa đại học một lần nữa đặt em ở giữa sự lựa chọn tiếp tục hay dừng lại. Chi phí nơi ăn, chốn ở trên đất khách quê người, những khoản học phí không hề nhỏ, bệnh tình của ba và sức khỏe của bà nội thật sự là những dấu lặng trong tâm trí cô bé.
Dẫu còn đó muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng Cảm ơi, thầy cô vẫn luôn bên em, bạn bè và xã hội vẫn luôn bên em và đồng hành với khao khát được chinh phục tri thức của em. Thầy muốn nói với em rằng: "Hành trình ước mơ với giảng đường đại học của em sẽ tiếp tục, tương lai đang chờ. Đừng bao giờ bỏ cuộc, Cảm ơi!".
Thành tích học tập của Cảm thật đáng nể phục
"Tôi tin em sẽ mạnh mẽ bước tiếp"
Cô Tôn Nữ Quỳnh Dương - quản lý Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng - nói rằng Cảm là một cô gái khá rụt rè, trầm tính vì trải qua tuổi thơ thiếu sự yêu thương của mẹ.
Mẹ em bỏ đi từ khi em còn quá nhỏ. Cha em lại bị tâm thần, lúc tỉnh lúc mê chẳng làm được gì.
Em được nhận vào nhà bảo trợ khá muộn so với các bạn cùng trang lứa. Mãi đến đầu năm học lớp 11, cô Dương mới biết được hoàn cảnh của Cảm và nhận nuôi dưỡng em.
"Dù trầm tính, ngại giao tiếp với mọi người, nhưng khi ngồi vào bàn học, Cảm lại là con người rất khác. Có lẽ học cũng là một cách để em giải tỏa nỗi niềm, do vậy em học rất giỏi", cô Dương kể.
Hồng Cảm cũng là trường hợp khiến cô Dương lo lắng nhất, bởi hiện nay em phải vào Đà Nẵng để trọ học, không còn được nhà bảo trợ che chở sớm hôm như trước nữa.
"Để em bơ vơ giữa đời, tôi cũng thấy không yên. Nhưng tôi tin Cảm sẽ mạnh mẽ bước tiếp trên con đường học", cô Dương nói.
NHẬT LINH
Ông Mai Đình Tuấn (trưởng thôn Trung Chánh, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) xác nhận gia cảnh Văn Thị Hồng Cảm rất khó khăn. Cha em là ông Văn Dũng bị tâm thần, gần như mất sức lao động phải ở nhờ nhà bà nội của Cảm.
"Khó khăn là vậy mà con bé Cảm học giỏi lắm, có tiếng ở vùng. Năm nay nó đậu đại học, không biết lấy đâu ra tiền để đi học đây. Nó mà nghỉ học thì tiếc lắm", ông Tuấn nói.
NHẬT LINH
Thầy Sơn tiếp sức đến trường
Thầy giáo Lê Triều Sơn là người đã gắn bó với chương trình Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên Thừa Thiên Huế từ hơn 10 năm trước. Năm nào cũng vậy, đến mùa khai giảng, thầy lại nhớ đến những học trò có hoàn cảnh khó khăn không thể đi học của mình để giới thiệu đến học bổng Tiếp sức đến trường.
Năm 2013, thầy là hiệu phó Trường THPT Gia Hội (Huế), nhưng lại về tận huyện Phú Lộc để tìm hiểu và viết bài "Cô học trò mang tên Ô Xin". Sau bài báo của thầy (đăng báo Tuổi Trẻ 20-6-2013), đã có rất nhiều nhà hảo tâm trên khắp đất nước giúp đỡ cho cô học trò mồ côi cha, đậu hai trường đại học, Trần Thị Ô Xin, chữa lành bệnh và học xong Đại học Y Dược Huế.
Thầy cũng là người tìm kiếm và giới thiệu hàng chục tân sinh viên khác đến với học bổng năm 2013.
Mùa Tiếp sức đến trường năm 2014, thầy Sơn lại viết bài giới thiệu "Bốn cô học trò cùng vượt khó".
Thầy đã giới thiệu các nhân vật: Lưu Thị Hà Giang đi chăn bò thuê, Đoàn Thị Vân Khánh chằm nón và nuôi heo, Hà Thị Thanh Nga rửa chén bát thuê và phụ chạy hàng, Nguyễn Thị Như Quỳnh bán vé số...
Năm 2015, 2016, 2017… thầy còn có những bài viết đầy lòng trắc ẩn, lo lắng khác, mong báo Tuổi Trẻ và các nhà hảo tâm giúp đỡ nhiều học sinh quá nghèo khó của mình. Những lời từ trái tim thầy đã đến trái tim bạn đọc và Tuổi Trẻ đã làm nhịp cầu để xã hội chung tay giúp các em đi học.
MINH TỰ
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận