21/08/2014 02:11 GMT+7

Giang "còi", Quỳnh "vé số", Khánh "chằm nón" đậu đại học

LÊ TRIỀU SƠN(phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội, Huế)
LÊ TRIỀU SƠN(phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội, Huế)

TT - Mấy hôm nay, điện thoại của tôi liên tục nhận tin nhắn thật vui: "Thầy ơi, em đậu rồi".

Cả bốn cô bé lớp 12 trong đoàn Thừa Thiên - Huế do tôi giới thiệu và đưa đi Hà Nội để nhận học bổng "Bạn tôi - người vượt khó" do báo Tuổi Trẻ tổ chức hồi tháng 11-2013 đều đã đậu đại học.

Phóng to
Thầy trò trong chuyến đi Hà Nội nhận học bổng “Bạn tôi - người vượt khó” do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Từ trái qua: Hà Giang (thứ hai), Thanh Nga (thứ tư), Như Quỳnh (thứ năm) và thầy Lê Triều Sơn (bìa phải) - Ảnh: Lê Triều

Tin vui đầu tiên là Lưu Thị Hà Giang, cô bé chăn bò đã đậu Ðại học Luật TP.HCM với số điểm 23,5. Tiếp đó là Ðoàn Thị Vân Khánh đỗ cao cả hai trường đại học: Y dược Huế ngành răng hàm mặt với 25,5 điểm và dẫn đầu ngành công nghệ thực phẩm Ðại học Bách khoa Ðà Nẵng với 26,5 điểm.

Hà Thị Thanh Nga cùng đậu ngành công nghệ thực phẩm Ðại học Bách khoa Ðà Nẵng với 21 điểm. Nguyễn Thị Như Quỳnh đậu vào khoa du lịch Ðại học Huế với 15,5 điểm.

Ngày vui đã đến

Giang "còi" - biệt danh của Lưu Thị Hà Giang, nhân vật đã quen thuộc với bạn đọc Tuổi Trẻ (xem bài "Cô bé chăn bò trúng tuyển trường luật" Tuổi Trẻ ngày 28-7-2014 và "Cô học trò vượt qua nghịch cảnh" Tuổi Trẻ 22-6-2014).

Cô bé mắc bệnh thận bẩm sinh vẫn kiên cường chiến đấu với bệnh tật, lúc ở Huế rửa chén bát thuê, lúc về quê Quảng Bình thì đi chăn bò thuê. Hôm ở Hà Nội, ban tổ chức học bổng chiêu đãi ăn ở nhà hàng nhưng Giang không dám ăn những món ngon bởi em sợ mặn sẽ gây phù thận.

Như Quỳnh là cô bé trong bài "Bán vé số đổi bút sách" trên báo Tuổi Trẻ ngày 14-3-2013. Bạn bè ở Trường THPT Gia Hội (Huế) thường gọi một cách thân thiện Quỳnh "vé số" và cô bé rất vui vẻ với cái tên cũng như công việc kiếm tiền rất đỗi bình thường của mình. Ngày nhận tin vui đậu đại học, Quỳnh vẫn đang rảo bộ trên các đường phố Huế để bán vé số.

Hà Thị Thanh Nga thì ngày nào cũng vậy, cứ ba giờ sáng thức dậy cùng mẹ ra chợ đầu mối mua trái cây để đi bán rong. Có lúc không kịp ăn ổ bánh mì lót lòng và chạy thẳng đến trường để kịp giờ vào lớp.

Ba đạp xe thồ đã bị bệnh nặng mất khả năng lao động. Mẹ bán hàng rong nuôi chồng và bốn đứa con. Cô học trò Trường THPT Gia Hội luôn được bạn bè và thầy cô thương yêu vì sự chăm chỉ, chịu khó.

Còn Ðoàn Thị Vân Khánh, cô bé ốm yếu sống ở làng Sơn Tùng, xã Quảng Vinh, rốn lũ của huyện Quảng Ðiền (Thừa Thiên - Huế), cùng mẹ tần tảo sớm khuya, vừa chăm chị bại liệt vừa nuôi đàn heo và chằm nón để kiếm tiền phụ giúp anh trai nộp học phí trường y, vừa lo kinh tế cho cả gia đình.

Khánh "chằm nón" - cái tên gắn liền với công việc kiếm cơm mỗi ngày của em - chưa đi xa bao giờ, nên em rất mừng khi được chọn ra thủ đô nhận học bổng. Vậy mà đến giờ lên đường thì quê em nước ngập trắng đồng, đành lỡ hẹn chuyến đi mơ ước.

Ở Hà Nội, được tham quan Quốc Tử Giám, ngắm hồ Gươm, ăn kem Tràng Tiền và tha hồ chụp hình kỷ niệm, Quỳnh "vé số" sung sướng thốt lên: "Em nằm mơ cũng không thấy được cảnh ni thầy ơi". Trên chuyến tàu từ Hà Nội trở về Huế, các em hàn huyên suốt đêm.

Giang "còi" tỏ ra bản lĩnh nhất: "Tụi mình muốn hết khổ thì phải đậu đại học!". Thấy Quỳnh "vé số" có vẻ thiếu tự tin, Giang liền động viên và bày cho bạn phương pháp tự học, chọn ngành học tương lai. Chia tay ở sân ga, các em nắm tay nhau hứa quyết tâm đậu đại học. Hẹn một ngày cùng thầy đi ăn cóc xoài dầm để đón tin vui.

Và ngày ấy đã đến!

Tiếp tục chuyến đi cuộc đời

Sau niềm vui vỡ òa thì nỗi lo cũng đợi sẵn. Quỳnh "vé số" cho hay: "Vô đại học chắc em không đi bán vé số nữa. Em sẽ tìm một công việc khác phù hợp hơn để tự lo cho mình và giúp đỡ ba mẹ". Còn Hà Giang sẽ vào Sài Gòn để bắt đầu một đoạn đời mới, chắc là gian nan lắm, vì cô bé ấy đang mang trong mình căn bệnh viêm thận, người ốm yếu do ăn uống thiếu thốn.

Giang nói đã nhờ người quen tìm giúp việc làm thêm ở Sài Gòn nhưng không biết có phù hợp với mình không, bởi em không làm được việc nặng.

Thanh Nga thì phải chia tay phiên chợ đêm của mình để vào Ðà Nẵng theo học Ðại học Bách khoa. Nơi ấy xa lạ, ai biết việc làm gì xin giới thiệu cho cô bé với nhé. Khánh "chằm nón" thì cứ đau đáu nghĩ về gia đình, về đàn heo thiếu bàn tay nuôi nấng của mình sẽ không lớn để mẹ bán kiếm tiền.

Lần trước, Khánh lỡ chuyến đi mơ ước đến thăm thủ đô Hà Nội. Và lần này, không biết em có lỡ chuyến đi quan trọng nhất cuộc đời mình hay không?

Một đoạn đường gian nan đang chờ đợi các bạn tôi ở phía trước. Chưa biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng tôi tin họ sẽ tiếp tục vượt qua, như đã từng vượt qua biết bao khó khăn của cuộc đời.

Và tôi vô cùng tin tưởng họ sẽ còn làm được nhiều điều lớn hơn nữa!

LÊ TRIỀU SƠN
(phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội, Huế)

Học bổng cho sinh viên An Giang

Các bạn sinh viên quê An Giang đang học tại các trường ĐH - CĐ, TCCN thuộc các khối ngành y, dược, thủy sản, môi trường, khoa học kỹ thuật có hoàn cảnh khó khăn nhưng vươn lên học tốt có thể gửi hồ sơ về Tỉnh đoàn An Giang xin cấp học bổng y tế Nguyễn Văn Hưởng và học bổng khoa học kỹ thuật cho năm học 2014-2015.

Đây là hoạt động hỗ trợ sinh viên tỉnh nhà của Tỉnh đoàn dựa trên ý nguyện của cố bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng - nguyên bộ trưởng Bộ Y tế và sự ủy nhiệm của GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, chủ tịch danh dự Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ An Giang.

Hồ sơ gồm đơn xin cấp học bổng theo mẫu, phiếu điểm kết quả học tập niên khóa 2013-2014 có xác nhận của nhà trường (7,0 trở lên). Nhận mẫu đơn và gửi hồ sơ tại Ban thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn An Giang, 24 Tôn Đức Thắng, phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, An Giang hoặc website http://tinhdoan.angiang.gov.vn. Hạn chót ngày 25-9.

H.THI

LÊ TRIỀU SƠN(phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội, Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    " />