02/03/2018 16:12 GMT+7

Bệnh đến từ… thực phẩm

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Ngoài nguyên nhân do ô nhiễm môi trường, do di truyền… thì những hiểu biết không đúng về thực phẩm khiến sức khỏe của chúng ta giảm sút.

Bệnh đến từ… thực phẩm - Ảnh 1.

Muốn có sức khỏe tốt, cần phải có chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý. Ảnh: idunn.org

Ngoài nguyên nhân do ô nhiễm môi trường, do di truyền… thì những hiểu biết không đúng về thực phẩm, từ đó dẫn đến dùng sai, dùng bừa bãi các thực phẩm gây hại đã khiến sức khỏe của chúng ta luôn ở mức báo động.

Muốn có sức khỏe tốt, cần phải có chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý

Ăn mặn

Muối rất quan trọng trong cuộc sống của con người: Giúp cân bằng lượng nước trong cơ thể và có tác dụng hòa tan một số chất. Chất natri trong muối cùng với kali, canxi và magie kết hợp với nước tạo thành hợp chất gọi là "chất điện phân", có tác dụng "vệ sinh" bên trong cơ thể. Khi thiếu muối kéo dài con người sẽ bị tử vong do rối loạn điện giải.

Muối quan trọng là thế, nhưng nếu dùng quá nhiều, chúng ta sẽ lĩnh những hậu quả khôn lường như gây yếu xương, dẫn tới nguy cơ mắc bệnh loãng xương, nhất là đối với phụ nữ; tăng nguy cơ ung thư dạ dày, nhất là ở những người thường xuyên kết hợp ăn mặn với ăn chua, cay và uống nhiều bia, rượu; rối loạn cấu trúc AND khiến các cơ chế phục hồi tế bào trong cơ thể ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả; gây sỏi thận do muối giữ lại các chất vôi và cặn cứng trong thận, lâu ngày sẽ dẫn đến lắng đọng sỏi.

Muối cũng gây tăng nguy cơ bị cao huyết áp do chất natri (chiếm 40% thành phần muối) sẽ hút nước từ thành của động mạch vào trong mạch máu, làm cho động mạch bị thu hẹp trong khi lượng nước và áp suất lại tăng lên; tăng nguy cơ bị stress.

Để có cuộc sống khoẻ mạnh, chúng ta nên ăn nhạt. Mỗi ngày, một người chỉ nên tiêu thụ khoảng từ 3-5g muối, tương đương với khoảng 1.200 đến 2.000 microgram natri.

Kiêng khem quá mức

Rất nhiều người cho rằng có những loại thức ăn có hại, nên cần phải kiêng khem, nhất là khi bị ốm, khi mang thai. Một số trong những điều này có lý, nhưng một số khác gây hại nhiều hơn là lợi.

Những thức ăn có hại khi ta khoẻ mạnh thì chắc chắn càng có hại khi ta ốm, chẳng hạn thức ăn quá nhiều mỡ, gia vị nóng hoặc cà phê có thể gây loét dạ dày và các vấn đề khác ở đường tiêu hóa; chất ngọt (kẹo và đường…) làm mất cảm giác đói, gây sâu răng và làm cho bệnh tiểu đường tăng nặng thêm.

Thông thường, những thức ăn mà người ta nghĩ rằng nên kiêng khi ốm lại chính là những thức ăn để mau lành bệnh. Chúng ta hãy bớt lo lắng về những thức ăn có thể gây tác hại cho một người ốm mà nghĩ nhiều hơn đến thức ăn giúp người đó khỏe mạnh, chẳng hạn như các loại rau, quả tươi; sữa, thịt, trứng, cá... Những thức ăn tốt đối với sức khỏe cũng tốt đối với người ốm.

Trường hợp bắt phụ nữ sau sinh chỉ được ăn một số thực phẩm nhất định là một ví dụ cho sự kém hiểu biết về dinh dưỡng. Nếu chỉ ăn cơm nóng với thịt rim khô, rau ngót... người mẹ sẽ bị yếu và thiếu máu, thậm chí có thể làm người mẹ bị chết do giảm sức chống đỡ với bệnh tật, dễ bị nhiễm khuẩn. Để đối phó với các bệnh nhiễm khuẩn và mất máu sau đẻ và để có đủ sữa cho con bú, người mẹ sau khi sinh cần ăn đủ các thức ăn cấu tạo nên cơ thể cơ thể như trứng, thịt gà giò, sữa, thịt, cá, hoa quả và rau tươi.

Lạm dụng chất kích thích

Đối với nhiều người, một ngày không uống rượu, cà phê, không hút thuốc lá… cuộc sống thật đơn điệu và tẻ nhạt. Nhưng họ không biết rằng, uống bia, rượu lâu ngày làm tăng thể tích tuần hoàn thường xuyên, tăng tần số tim, dễ gây cao huyết áp.

Uống rượu nhiều, lại ăn ít chất xơ... sẽ dẫn đến táo bón thường xuyên làm cơ thể mỏi mệt, màu da xấu… Không những thế, những người bị táo bón dễ bị nhiễm độc vì đại tràng sẽ tái hấp thu nước, chất độc từ phân và nước tiểu. Sử dụng các chất kích thích tim mạch như cà phê, rượu mạnh quá nhiều trong một thời gian gây mệt, hồi hộp (do mạch nhanh), có thể gây ra ngoại tâm thu và làm tăng tình trạng cao huyết áp sẵn có (do tần số tim tăng).

Hút thuốc lá lâu ngày dẫn đến việc mắc những bệnh viêm phế quản mãn tính, tắc mạch đầu chi, gây hẹp các động mạch nhỏ vùng bộ phận sinh dục gây bất lực. Lời khuyên: bỏ thuốc là và rượu bia, các bệnh trên sẽ khỏi.

Dùng thực phẩm nhiễm bẩn

Chất bảo quản, phụ gia thực phẩm, thuốc trừ sâu… sẽ khiến thực phẩm tươi lâu hơn, lớn nhanh hơn, nhưng nếu dùng lâu ngày, các hoá chất trên dần ngấm vào cơ thể sẽ gây biến đổi các tế bào, từ đó dẫn tới bệnh ung thư. Việc dùng các thực phẩm đã nhiễm khuẩn, thậm chí ngay cả các loại thịt đã ôi thiu, thối rữa vẫn được sử dụng một cách vô tư… là nguyên nhân khiến cho các ca cấp cứu ngộ độc thực phẩm ngày một tăng.

Hiểu sai về ăn kiêng

Những người thừa cân, béo phì, hoặc những người mắc các bệnh cần khống chế cân nặng thường áp dụng chế độ ăn kiêng chữa bệnh. Tuy nhiên, rất nhiều người đã gặp phải vô vàn sự cố về sức khoẻ sau khi áp dụng chế độ ăn kiêng. Tại sao? Đó là do họ hiểu không đúng về việc ăn kiêng.

Với mong muốn giảm cân càng nhiều càng tốt trong thời gian ngắn nhất có thể, nhiều người đã áp dụng chế độ ăn kiêng ngặt nghèo: Chỉ uống nước và ăn rau trái, cộng với tập thể dục vào bất cư lúc nào rảnh rỗi. Hậu quả là, cân nặng tuy có giảm, nhưng sức khỏe thì tụt dốc không phanh. 

Nhiều người đã bị rối loạn hormon, huyết áp không ổn định, xơ vữa động mạch, béo phì, rối loạn ăn uống (biếng ăn, cuồng ăn hay ăn uống vô độ), mất hứng thú với tình dục, giảm sức đề kháng của cơ thể, đầu óc kém minh mẫn, stress, khủng hoảng tinh thần, già trước tuổi… do ăn kiêng không đúng phương pháp.

Làm thế nào để giảm cân mà vẫn khoẻ mạnh? Không có cách gì tốt hơn đó là thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý, kết hợp với tập thể dục, thể thao đều đặn.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên