21/10/2013 11:41 GMT+7

Bên lề con đường mới nhất thành phố

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - “Tôi nghe người già kể xưa đây là đầm lầy, đêm đêm còn nghe tiếng ếch nhái ì oạp. Những năm 1950, gia đình tôi di cư từ miền Bắc vào đã thấy xóm dân mọc hai bên đường ray xe lửa. Người mần ăn lương thiện, dân giang hồ tìm chỗ dung thân...”.

ozOzyTdc.jpgPhóng to
Nhiều công trình mới phục vụ lợi ích người dân đã mọc lên bên đường Phạm Văn Đồng Ảnh: Quốc Việt

Ông Cao Đình Hạ trầm tư nhớ về những ngày xa xưa của con đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM. Gần tuổi 80, nhưng ông Hạ sống sáu thập niên kề bên đường ray xe lửa xuyên ngang đường Phạm Văn Đồng hiện nay, vẫn không nhận là chứng nhân mảnh đất này.

Ông kể ở đây đã có xóm làng lâu năm rồi. Nhiều bậc cao niên trải tuổi thơ bên kênh rạch thuở vẫn còn xanh trong, rồi ngậm ngùi chứng kiến nó chuyển thành màu đen theo tốc độ đô thị hóa. Những lớp người dừng bước phiêu bạt hồi nửa đầu thế kỷ trước như cha anh ông Hạ còn có cả mảnh đất an nghỉ tại chỗ. Nhưng về sau, người sống còn chen chúc, lấy đâu đất cho người chết. Đường Phạm Văn Đồng mở ra đem đến nhiều đổi thay mà chính dân tại chỗ cũng không thể ngờ được...

Cảnh xưa, xóm cũ

Trẻ hơn ông Hạ, bà Dương Thị Quảng vừa sang tuổi 63, kể mình cũng đã có 44 năm gắn bó với cảnh, người mảnh đất này. Bà tâm sự người lạ đến đây cứ hỏi han khu Sở Thùng là chỗ nào, trai tứ chiếng, gái giang hồ sống ở đâu. Đành rằng một thời có thực trạng đó, nhưng sự thật đâu chỉ vậy.

Ở mảnh đất bên lề nội thành này còn có nhiều xóm dân lương thiện, vất vả kiếm sống bằng chính mồ hôi nước mắt của mình. Năm 1969, bà Quảng theo cha mẹ chạy lánh chiến tranh từ Đà Nẵng vào tá túc ở một con hẻm kề bên đường ray xe lửa. Họ chẳng khấm khá gì, nhưng nhà cửa thuở ấy cũng rất rẻ, để gắng mua được một mái nhà dung thân chẳng quá khó khăn như thời giá bây giờ.

Những người xứ Quảng như bà Quảng vào đây mang theo cả nghề dệt truyền thống. Lần hồi cả một xóm dệt đã xuất hiện bên đường ray xe lửa. Thuở ấy, gần như tất cả còn sử dụng máy dệt gỗ. Mỗi khi máy chạy tiếng ồn vang sang cả xóm khác. Người làm tại chỗ ù tai, hàng xóm cũng lắc đầu. Chính vì vậy, ngoài tên xóm dệt nó còn có danh “xóm ồn”. Tuy nhiên, xóm này vẫn có tiếng “danh giá” trên mảnh đất mà con đường Phạm Văn Đồng băng qua hiện nay. Người xứ Quảng có nghề dệt, lại biết chắt chiu nên cuộc sống nhìn chung ổn hơn các xóm khác. Các cô gái trọ trẹ giọng Quảng Nam, Đà Nẵng hay được cựu dân vùng này chọn làm dâu nhà.

Ngày ấy, nổi tiếng theo nghĩa “tiếng tai” nhất con đường Phạm Văn Đồng bây giờ vẫn là khu Sở Thùng. Đó là những con hẻm nằm chênh vênh giữa hai địa bàn Gò Vấp và Bình Thạnh. Tuy nhiên, những cựu dân đã có hàng chục năm trải đời ở khu vực này như ông Hạ, bà Quảng, bà Lành... thì Sở Thùng được hiểu “nổi tiếng nghèo” hơn là đất dữ. “Nói có trai giang hồ, gái son phấn thì tôi đồng ý. Nhưng nói đất dữ thì làm sao dữ bằng khu Cầu Muối, Mả Lạng, Tôn Đản ngày xưa. Giang hồ thứ thiệt thì ai thèm dung thân nơi nghèo kiết xác, ruồi muỗi đen tối trời” - ông Hạ phân trần.

Ông Hạ tâm sự có lẽ chính địa bàn ngập úng, dân nghèo không nhà cửa, chạy lánh chiến tranh lên cắm lều tìm chỗ dung thân nhếch nhác đã làm “nổi danh” Sở Thùng. Một số tay anh chị bị giang hồ Cầu Muối, Mả Lạng đánh văng hoặc bị cảnh sát truy nã phải chui rúc ở đây. Có gì họ vọt qua An Phú Đông thuở ấy vẫn rậm rịt, thưa dân. Còn các cô phấn son phải về đây thì hầu hết cũng đã tả tơi. Vài mụ tú bà ngồi vắt chân, vẫy khách cho các cô, cũng thuộc loại cóc ổi mía ghim. Không chăn dắt nổi ở khu đèn đỏ Đại Thế Giới, Chợ Lớn, Sài Gòn, họ phải dạt về đây kiếm bạc lẻ.

Dân tại chỗ không “máu” các chị này. Dân nơi khác đến tìm của lạ cũng là khố rách áo ôm, giá tìm chút cảm giác chưa bằng giá tô hủ tiếu, điếu Salem đầu lọc một thời. Gặp thằng chơi quỵt, các cô ới mấy anh giang hồ ra tay. Ông Hạ kể từ trước năm 1975, đã từng cười muốn bể bụng khi chứng kiến cảnh mấy chú lính nghèo đi chơi quỵt gái Sở Thùng, bị giang hồ đánh ôm đầu máu bỏ chạy, chỉ kịp mặc áo mà chưa xỏ quần. Có lẽ “tiếng tai” đất dữ Sở Thùng chính là cảnh lộn xộn đó.

Từ các ao, hồ...

Mang tiếng thuộc đô thành Sài Gòn, nhưng trước năm 1975, nếp sống cư dân phía này vẫn phảng phất nét thôn dã. Một phần là do nhiều người mang theo gốc gác, phong vị thôn quê lên. Một phần vì thuở ấy thiên nhiên ở đây cũng còn khá hoang sơ. Ông Hạ kể xưa kia gần giao lộ Nguyễn Thái Sơn, Gò Vấp hiện nay là các ao hồ. Một số được trồng rau muống, nhiều ao bỏ hoang làm chỗ cho cá lươn sinh sôi. Năm 1954 vào đây, ông Hạ suốt ngày theo cha bì bọp bắt cá lươn mà nuôi được cả nhà năm người. Những con cá trê vàng sống trong hang bùn nặng cả ký, còn con lươn thì to bằng nửa cổ tay. Ao dân ở quanh đây nhiều cái vẫn xanh trong, chiều chiều dân ra tắm giặt. Trai tráng lười lắm thì ban ngày đổ vào trung tâm Sài Gòn kiếm tiền với chiếc xích lô, ba gác máy, thùng đánh giày. Dân quê mới lên xoay xở cuộc sống tại chỗ bằng các ao rau muống, cá lươn, dệt vải, đan lát...

Riêng cái nghèo của Sở Thùng là chuyện thường ngày. Ông Bảy Đời, cư dân sống gần hết cuộc đời 70 tuổi ở vùng này, chua chát kể từ trước năm 1975, dân Sở Thùng đã mang tiếng nghèo thì sau này vẫn vậy. Hồi dân kinh tế mới ở bưng biền không nổi, dạt về thành phố, lại khoác thêm cho Sở Thùng chiếc áo rách trên manh áo tả tơi. Người ở dưới kênh rạch, kẻ quây tấm tôn, miếng bạt làm chòi. Trên ăn, dưới xả. Dân lương thiện kiếm cơm với đống phế liệu. Hiếm người thoát ra thì cũng vã mồ hôi với chiếc xích lô, xe ôm. Dân anh chị gãy cánh sống vạ vật dựa người nghèo. Giá một “dù” bằng ổ bánh mì xịt xì dầu. Còn ma túy phần lớn là hàng sái đen như nước cống. Ông Bảy Đời kể trai gái Sở Thùng hồi đó khó lấy chồng cưới vợ bên ngoài chính là vì “tiếng tai” đất dữ, đất nghèo này.

Gần đây, nhiều người Sở Thùng vẫn chưa thoát được cảnh nghèo vì hầu hết là dân tứ xứ không có mẩu đất chọi chim, phải ở trọ để làm rác, làm thuê mưu sinh. Sinh viên Mai Bảo Trung tình nguyện dạy chữ cho trẻ nghèo ở đây kể nhiều buổi đang học mà các em ngồi dưới cứ than đói. Cha mẹ bỏ nhau, nhiều em phải sống với ông bà, bữa cơm đầy, cơm vơi, thậm chí có ngày chẳng được bữa nào...

Đổi thay

Con đường mới dẫn đến sự đổi thay? Nghe tôi hỏi câu này, người dân nào cũng có nỗi lòng trải bày. Bà Quảng chỉ xe nước dưới chân cầu vượt, nói “hi vọng mần tiền chợ”. Họ tâm sự ngày xưa chen chúc trong hẻm Lê Quang Định nhỏ xíu, có biết làm gì kiếm tiền. Đường Phạm Văn Đồng mở, mẹ con ra cầu vượt bán nước và bánh kẹo lặt vặt. Họ nhạy bén, “đón gió” đối tượng khách hàng là học sinh chiều chiều hay lên cầu vượt chơi và cả người già, trai gái tìm chỗ hóng mát. Cô hàng xóm kế nhà họ thì mở tiệm bán đồ ăn nhanh đến tận nửa đêm cho khách qua đường. Hiện vẫn còn thưa khách, nhưng hi vọng sẽ đông dần...

Những người có điều kiện và nhìn xa hơn như ông Hạ đã thấy tương lai khi có con đường. Ông nói: “Sắp nhỏ khu này, đặc biệt là Sở Thùng, thường còi cọc. Một phần vì cuộc sống khó khăn, dinh dưỡng kém. Nhưng cũng có lý do môi trường sống trước đây tù túng, muỗi mòng ảnh hưởng sức khỏe các cháu. Giờ thông thoáng, hi vọng sức khỏe sắp nhỏ sẽ cải thiện”.

Một thời gian dài, cư dân khu này “dậy sóng” chuyện giải tỏa, đền bù. Giờ đường thông, nhiều “ổ chuột” ngày nào thành mặt tiền, nhà hẻm cũng lên giá. Tuy còn chưa rõ rệt nhưng họ đã phần nào cảm nhận cuộc sống dễ thở hơn. Có người mở tiệm kinh doanh. Người không quen làm gì thì cho thuê lại hoặc bán chuyển đi nơi khác phù hợp hơn. Sau thời gian dài chịu khổ với công trình xây dựng ngổn ngang, bụi bặm, cư dân bên đường Phạm Văn Đồng đã nhận thấy sự chỉnh trang đô thị tác động đến cuộc sống của họ.

Bóng tối của những con hẻm nhỏ, những xóm nhà ổ chuột và phận người nghèo khó đang được ánh sáng tỏa dần...

Nhường chỗ cho con học

SV5T4rOv.jpgPhóng to
Nhiều gia đình ở Sở Thùng đã quan tâm tới việc học của con em mình - Ảnh: Nhân Ái

Đường Phạm Văn Đồng mở ban đầu cũng làm dân Sở Thùng bỡ ngỡ. Những phận người sống bên bãi phế liệu thấy rác rưới không còn tự do đổ đầy nữa, có nghĩa trước mắt miếng cơm sẽ khó hơn. Đặc biệt, những người nghèo khó trọ khu này cũng nghe báo giá thuê sẽ tăng lên. Tuy nhiên, lớp người lớn tuổi như ông Hạ, bà Quảng, ông Bảy Đời... thấy bên nỗi lo cũng có niềm hi vọng khi đám nghiện ngập, phấn son, bài bạc không còn lắm góc khuất để tự do hoành hành.

Sinh viên thiện nguyện Mai Bảo Trung kể ba năm trước đã từng bị người dân chửi bới, thậm chí vác dao đuổi vì lo chuyện “tào lao”, ảnh hưởng đến việc nhặt rác của con em họ. Nay lớp của Trung đã có 60 học sinh từ 5-14 tuổi. “Đa số gia đình các em đều ở thuê, rất nghèo, phải nhặt rác sống. Có em còn bị thiếu hụt từng bữa ăn. Nhưng nhìn cảnh cha mẹ các em trọ căn phòng mươi mét vuông, vui vẻ ra ngoài để nhường chỗ cho con cái học hành, chúng tôi đã có niềm tin tương lai các em...”.

7VgJOSqJ.jpg

Toàn tuyến của dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi khi hoàn thành vào năm 2014 dài 13,6km, gồm 12 làn xe.

Đoạn từ đường Trường Sơn ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất đến vòng xoay Nguyễn Thái Sơn dài 1,53km gồm đường Bạch Đằng và Hồng Hà (Q.Tân Bình) mỗi đường ba làn xe. Đoạn từ nút giao Gò Dưa đến ngã tư Linh Xuân (Thủ Đức) dài 3,9km, sáu làn xe.

Sau lễ thông xe đợt 1 sáng 28-9, con đường được đặt tên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

TP.HCM thông đường 12 làn xeChính thức thông xe đường Phạm Văn Đồng rộng 12 làn xeNgắm đường Phạm Văn Đồng 12 làn xe từ trên caoTừ TP.HCM đi miền Đông thuận lợi hơnNhà đất TP.HCM le lói tín hiệu nhờ đường vành đaiĐường mới Phạm Văn Đồng đẹp nhưng hai bên đường "ghê" quá

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên