Phóng to |
Nhà “siêu” mỏng, nhà hình tam giác trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp, TP.HCM) - Ảnh: Thuận Thắng |
Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài đã thông xe, đưa vào sử dụng đoạn thông xe từ Nguyễn Thái Sơn đến cầu Bình Triệu vào ngày 28-9. Với quy mô đưa vào sử dụng 12 làn xe có chiều dài tuyến hơn 5km, rộng 60m và được xây dựng mới cầu Rạch Lăng, cầu Bình Lợi, tôi đã theo dõi và thấy không còn kẹt xe tại nút giao Nguyễn Thái Sơn, Lê Quang Định, Phan Văn Trị, quốc lộ 13. Đặc biệt cầu Bình Lợi vượt qua sông Sài Gòn giúp rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển từ Thủ Đức về hướng sân bay Tân Sơn Nhất.
Thật ý nghĩa khi tuyến đường này được vinh dự mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trải qua hơn năm năm xây dựng, ước mơ về một đoạn đường khang trang, xanh, sạch, đẹp đã trở thành hiện thực. Tôi nghĩ ước mơ kế tiếp của nhiều người là đường Phạm Văn Đồng sẽ là một trong những tuyến đường đẹp nhất TP.HCM, góp phần chỉnh trang đô thị các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức.
Điều tôi lo là dọc hai bên tuyến đường hiện nay đã xuất hiện nhiều nhà “siêu mỏng” với hình thù kỳ lạ như hình tứ giác, ngũ giác, lục giác... Nếu không kịp thời chấn chỉnh, e rằng những ngôi nhà này sẽ ảnh hưởng xấu cảnh quan tuyến đường. Tất nhiên, để không còn mọc lên thêm nhiều nhà “siêu mỏng” là việc làm lâu dài, liên quan đến quyền lợi người dân có nhà ở dọc tuyến và sự nỗ lực trong công tác quản lý của Nhà nước. Nhiều người cho rằng trong chỉnh trang đô thị khi xây dựng mới tuyến đường, diện tích đất của người dân sau khi giải tỏa còn khá nhỏ, không đủ điều kiện cấp phép xây dựng, nhà nước nên vận động họ nhượng diện tích đất còn lại cho hộ dân phía sau hoặc kế bên sẽ tránh được nhà “siêu mỏng”. Tôi thấy giải pháp này được áp dụng trong công tác giải tỏa, cấp phép xây dựng đã cho thấy hiệu quả ở một số tuyến đường tại TP.HCM. Hi vọng giải pháp này sẽ được áp dụng một cách thỏa đáng cho những hộ dân có nhà “siêu mỏng” trên tuyến đường này.
Bên cạnh đó, việc giữ gìn và cải tạo cảnh quan cho tuyến đường là công việc cần thiết. Đoạn gần cầu Rạch Lăng dọc hai bên có dải đất trống chưa xây dựng, nếu thuộc quyền sử dụng của Nhà nước, có thể tận dụng một khoảnh đất làm công viên để vừa tăng cường mảng xanh, sân chơi cho các em nhỏ, cũng là nơi hóng mát cho người dân qua lại bằng cầu bộ hành băng ngang tuyến đường. Ngoài ra, có thể xã hội hóa kêu gọi đầu tư công viên, tạo mảng xanh và khai thác giữ xe, các trò chơi cho thiếu nhi...
Cải tạo cảnh quan tuyến đường đi kèm với việc bảo vệ môi trường dòng kênh dưới cầu Rạch Lăng cũng quan trọng. Rạch Lăng hiện nay có nhiều rác, bao nilông, nước đen ngòm đã bốc mùi hôi, gây khó chịu cho người qua lại. Tôi thấy nhiều người dạo bộ qua cầu Rạch Lăng bước đi rất vội, không ít người đeo khẩu trang, bịt mũi. Thiết nghĩ chính quyền quận Bình Thạnh sớm thực hiện vai trò quản lý địa bàn, tích cực vận động người dân trong khu vực không xả rác, xử phạt mọi trường hợp đổ xà bần xuống rạch Rạch Lăng. Để vỉa hè nơi đây là nơi cho nhiều người đi dạo, tập thể dục, cần cải tạo cho rạch Lăng thông thoáng, dòng nước trong lành.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Ngắm đường Phạm Văn Đồng 12 làn xe từ trên caoChính thức thông xe đường Phạm Văn Đồng rộng 12 làn xeTP.HCM thông đường 12 làn xeTừ TP.HCM đi miền Đông thuận lợi hơn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận