Ngày 6-7, tại Phú Yên, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Trường đại học Xây dựng Miền Trung và Câu lạc bộ Khối đào tạo xây dựng và kiến trúc (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Những tiến bộ trong xây dựng, kiến trúc, kinh tế và công nghệ năm 2024".
Có hơn 120 báo cáo khoa học của các tác giả, nhà nghiên cứu từ nhiều trường đại học trong nước và một số nhà quản lý từ các địa phương được trình bày, thảo luận tại hội thảo.
Giới thiệu nhiều loại vật liệu xây dựng mới
Các báo cáo tập trung vào 5 chủ đề: Xây dựng, địa kỹ thuật xây dựng, vật liệu xây dựng mới; Kiến trúc, quy hoạch và thích ứng với biến đổi khí hậu; Công trình giao thông, hạ tầng và môi trường đô thị; Kinh tế và quản lý xây dựng; Công nghệ thông tin, kỹ thuật ô tô, điều khiển - tự động hóa và cơ điện tử.
Đáng chú ý, nhiều báo cáo tại hội thảo đề cập đến những nghiên cứu mới về vật liệu xây dựng. Báo cáo "Bê tông nhẹ cho cấu kiện không chịu lực sử dụng cốt liệu từ vỏ hạt mắc ca" của nhóm tác giả Bùi Đức Vinh, Lê Đức Việt, Võ Lâm Huy Cường, Tạ Thùy Trang giới thiệu loại bê tông xanh với cốt liệu sử dụng vỏ hạt mắc ca, sản phẩm có thể ứng dụng để sản xuất các cấu kiện phi chịu lực với các ưu điểm như nhẹ, cách âm cách nhiệt tốt và bền, có thể chịu lực tốt so với vật liệu truyền thống.
Còn báo cáo "Nghiên cứu thực nghiệm về cường độ và hệ số thấm của đất cát đen trộn xi măng" của nhóm tác giả Lương Thị Bích, Trần Nguyễn Hoàng Hùng, Nguyễn Sĩ Vinh giới chương trình thực nghiệm được tiến hành để nghiên cứu về cường độ và hệ số thấm của mẫu đất cát đen trộn với xi măng OPC (soilcrete) tại các hàm lượng khác nhau. Kết quả cho thấy cường độ và hệ số thấm mẫu cát đen trộn xi măng được cải thiện đáng kể khi thời gian bảo dưỡng và hàm lượng xi măng tăng.
Một số báo cáo đáng chú ý được trao đổi tại hội thảo là "Khả năng chống cháy của vữa Geopolymer", "Ảnh hưởng của sợi phân tán đến ứng xử chịu uốn của cấu kiện bê tông in", "Nghiên cứu tái sử dụng đá thải mỏ than làm cốt liệu cho sản xuất gạch lát bê tông trong xu thế phát triển"…
Mở hướng mới trong phối hợp nghiên cứu khoa học
TS Phan Văn Huệ - hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung - nói hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia, các nhà quản lý từ các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, cơ quan, doanh nghiệp... trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm nghiên cứu.
Đây cũng là dịp để các nhà nghiên cứu công bố kết quả mới nhất trong các lĩnh vực: xây dựng dân dụng, hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc - quy hoạch, kinh tế, kỹ thuật và công nghệ...
Tương tự, TS Đặng Việt Dũng - chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - cho hay các vấn đề được giới thiệu tại hội thảo khá rộng và nhiều nội dung rất mới.
Ông nói đây là hội thảo đầu tiên về xây dựng được tổ chức tại Phú Yên, theo chương trình hợp tác của tổng hội với một số trường đại học kỹ thuật xây dựng - kiến trúc trên cả nước.
"Chương trình mở ra một hướng đi mới trong việc phối hợp nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức và đào tạo giữa tổ chức nghề nghiệp và cơ sở đào tạo, giữa nghiên cứu và thực hành, xa hơn là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xây dựng" - ông Dũng nói.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Vũ Ngọc Anh - vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) - nhận xét các bài báo cáo khoa học được trình bày và thảo luận tại hội thảo này góp phần thực hiện chiến lược khoa học và công nghệ của ngành xây dựng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận