Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc, nêu rõ một số vấn đề cần thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của trung ương.
Lấy lại đà tăng trưởng kinh tế
Ban Chấp hành trung ương thống nhất nhận định: Trong 9 tháng đầu năm, tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề, tăng trưởng âm; thương mại thế giới sụt giảm nghiêm trọng; thị trường tài chính biến động bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kinh tế - xã hội nước ta bị ảnh hưởng lớn, khó có thể hoàn thành được toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, mặc dù 4 năm trước đó luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước.
Tuy nhiên, nhờ có sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Việt Nam được coi là điểm sáng về phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn đã được ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt để duy trì ở mức cao nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.
Hội nghị trung ương 13 (khóa XII) - Ảnh: VGP
Kinh tế vẫn tăng trưởng dương, đạt trên 2% trong 9 tháng đầu năm, dự kiến 2-3% trong năm 2020. Cán cân thương mại có thặng dư cao, xuất siêu 17 tỉ đôla Mỹ (USD), dự trữ ngoại hối tăng cao (khoảng 93 tỉ USD)…
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trung ương cho rằng trước mắt cần tăng cường công tác phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh và triển vọng kinh tế - xã hội thế giới, trong nước từ nay đến hết năm 2020 và các năm 2021 - 2022; tiếp tục rà soát thật kỹ, xác định đúng các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn của nền kinh tế, định hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng và những nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp có tính đột phá, khả thi cao.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý: "Tiếp tục đề cao cảnh giác, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh; đồng thời tập trung ưu tiên triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế gắn với tạo nền tảng để phát triển nhanh và bền vững...".
Lấy ý kiến nhân dân, hoàn thiện dự thảo văn kiện đại hội
Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII lần này đã phân tích, đánh giá, tạo sự thống nhất cao trong nhận định về những kết quả, thành tựu đã đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm được rút ra từ tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, 10 năm thực hiện cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.
Dự thảo xác định mục tiêu tổng quát, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Dự thảo báo cáo chính trị lần này dành ra một mục riêng đề cập đến 5 quan điểm chỉ đạo, có bổ sung, làm rõ hơn một số nội dung quan trọng của các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mà Đảng ta đã đề ra và từng bước hoàn thiện qua các kỳ đại hội. Đặc biệt là đã nhấn mạnh không chỉ "kiên định và vận dụng" mà còn phải phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải coi phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định cần "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc..., khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam...; thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển đất nước. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại...; phát huy cao độ nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".
Ban Chấp hành trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo các tiểu ban và các cơ quan có liên quan khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của trung ương hoàn thiện thêm một bước dự thảo các văn kiện để xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội khóa XIV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân theo đúng tiến độ đã đề ra.
Trên cơ sở đó, khẩn trương, nghiêm túc tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp, các tổ chức nêu trên và nhân dân để hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Hội nghị trung ương 14 sắp tới xem xét, cho ý kiến hoàn chỉnh các văn kiện và hoàn tất việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Xem xét, giới thiệu nhân sự: Khách quan, công tâm
Tại hội nghị, Ban Chấp hành trung ương đã thảo luận dân chủ, xem xét khách quan, công tâm, toàn diện về dự kiến danh sách nhân sự tái cử và nhân sự lần đầu được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành trung ương, Ủy ban Kiểm tra trung ương khóa XIII và các phương án lựa chọn; đồng thời phân tích, đánh giá, góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, bổ sung vào các báo cáo và phương án nhân sự.
Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự trung ương khóa XII tái cử và nhân sự mới lần đầu được dự kiến giới thiệu tham gia Ban Chấp hành trung ương khóa XIII (cả ủy viên trung ương chính thức và dự khuyết); bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự Ủy ban Kiểm tra trung ương khóa XII tái cử khóa XIII và giới thiệu nhân sự mới lần đầu tham gia Ủy ban Kiểm tra trung ương khóa XIII. Kết quả rất tốt đẹp, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thống nhất rất cao với đề xuất của Bộ Chính trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận