Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trẻ 3 tuổi ở Hà Nội nhưng bị chó lai nặng 40kg cắn tại tỉnh Quảng Ninh, nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.
"Trẻ đến viện trong tình trạng trên mặt nhiều vết thương giập nát, lóc thịt vùng trán và góc mắt trong, lật vùng mí mắt nhưng may mắn không bị vỡ nhãn cầu, đứt ống dẫn nước mắt, đứt đôi xương hàm (cả hàm trên và hàm dưới).
Lúc ấy tình trạng trẻ rất nguy kịch do nguy cơ nhiễm trùng từ vết chó cắn", bác sĩ Hà nói.
Sau khi tiến hành cấp cứu để trẻ qua cơn nguy hiểm và hội chẩn, các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật cho trẻ. Nối lại tuyến lệ thông qua kính hiển vi phẫu thuật do tuyến lệ rất nhỏ, chỉ 0,5mm (bằng 1/2 que tăm).
Với xương gò má, xương ổ mắt vỡ thành nhiều mảnh, các bác sĩ tiến hành sắp xếp lại các vùng bị vỡ và phẫu thuật, đặt nẹp, đẩy cùng mắt lên vị trí vốn có. Nắn chỉnh góc hàm để sau trẻ có thể ăn nhai.
Sau một tuần được phẫu thuật điều trị, hiện tình trạng trẻ đã tốt hơn, các bác sĩ kiểm soát được nhiễm khuẩn, trẻ không bị chảy dịch và mủ, được tiêm phòng dại. Tuy nhiên, mắt trẻ chưa mở được và đang được theo dõi thêm.
Bác sĩ Hà cũng cảnh báo gần đây nhiều gia đình nuôi chó ngoại hoặc chó lai, khi bị chó tấn công sẽ gây thương tích trầm trọng hơn so với chó ta thông thường. Nguyên nhân bởi chó ngoại có những loài có bản năng săn mồi, canh giữ nhà nên hung dữ và khi cắn thì vết cắn lớn, gây thương tích trầm trọng hơn.
Trước đó, Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương cho biết đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị chó cào và cắn gây thương tích. Bé H.P.N. (8 tuổi, trú tại Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hoảng hốt, sợ hãi, vành tai phải bị biến dạng, mất một phần sụn, chảy nhiều máu.
Người nhà bệnh nhi cho biết vết thương là do bị chó lạ vồ, cào vào tai khi bé vừa ra khỏi nhà.
"Đây là con chó giống Phú Quốc, rất to, cao khoảng 50cm, đang được thả rông và không đeo rọ mõm. Chó lao vào bé rất nhanh nên người nhà không kịp ngăn cản", người nhà cho hay.
Sau đó, trẻ được tiêm phòng dại và trở lại Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương thực hiện phẫu thuật phục hồi vành tai.
Bị dao cứa, trẻ nhỏ 3 tuổi đứt gân chân
Ngày 25-7, khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E thông tin vừa cấp cứu và phẫu thuật thành công cho một cháu bé (3 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) bị dao sắc nhọn đâm mạnh vào gót chân cắt rách một đoạn dài và sâu, thậm chí đứt gân chân. Điều đáng nói, tai nạn này xảy ra do bất cẩn của người lớn khi dùng dao xong đã để luôn dưới sàn nhà, khiến cháu bé bị thương.
Gia đình cháu bé cho biết người bố có sử dụng dao (loại dao Thái sắc, nhọn) gọt hoa quả nhưng không để gọn, mà để dưới sàn nhà, khiến con trai 3 tuổi đang chơi gần đó "đá" vào gây nên tai nạn sinh hoạt vô cùng nguy hiểm này.
Theo bác sĩ Kiều Quốc Hiền - trưởng khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình bệnh viện, trẻ nhập viện trong tình trạng vết thương ở mặt ngoài cổ chân phải rộng 5cm x 2cm, vết cắt sâu tới tận xương và đang chảy máu rất nhiều.
Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán vết thương của cháu bé là ở phần mềm vùng mặt ngoài cổ chân, đứt gân cổ chân phải. Sau đó, các bác sĩ mổ cấp cứu xử lý tổn thương, khâu nối toàn bộ chỗ gân bị đứt kể trên và khâu cầm máu vết thương.
"Do cháu bé bị đứt gân rất nhiều, dù đã được các bác sĩ nối lại thành công nhưng để vận động được cháu bé phải tập phục hồi chức năng sau mổ rất nhiều và đau đớn", bác sĩ Hiền thông tin.
Các bác sĩ khuyến cáo tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ thường đến bất ngờ, khó lường trước, gây ra những thương tổn trên cơ thể các em. Nhất là vào dịp nghỉ hè, các tai nạn sinh hoạt gây thương tích cho trẻ nhỏ thường gia tăng đột biến.
Vì thế, các bậc phụ huynh cần lưu ý đến tình huống nào có thể gây rủi ro cho trẻ như dao sắc nhọn, đồ vật thủy tinh, viên bi tròn, các yếu tố nguy cơ gây bỏng như ổ điện, ấm nước sôi… cần phải tránh xa tầm với của trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận