Cử tri xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP.HCM khai báo y tế trước khi tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội, chiều 21-5 - Ảnh: TỰ TRUNG
Điều cử tri băn khoăn nhất là làm thế nào để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân mà vẫn đảm bảo an toàn, không bị nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19.
Giám sát trực tuyến các khu phong tỏa
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng kịch bản phòng chống dịch COVID-19 cụ thể cho từng khu vực, từng điểm bỏ phiếu. TP đã chủ động tập huấn về công tác bầu cử riêng, đồng thời áp dụng việc giám sát trực tuyến bằng camera với các điểm bầu cử trong khu vực cách ly, điểm phong tỏa lớn như Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2.
Tại phiên họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội sáng 21-5, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh yêu cầu các cấp, các lực lượng phải ứng trực 24/24 và 24/7, thực hiện phòng dịch với trách nhiệm cao nhất ở từng khâu tại khu vực bầu cử.
Đến 21-5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Bệnh viện K đã hoàn tất công tác bầu cử chuẩn bị cho ngày bầu cử: có phương án phòng dịch, niêm yết danh sách ứng viên, hệ thống camera giám sát, các hoạt động tại điểm bầu cử Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương sẽ được truyền trực tiếp đến UBND xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội, nơi đặt cơ sở 2 của bệnh viện và đang bị cách ly.
"Chúng tôi tổ chức 1 hòm phiếu cố định cho cán bộ, nhân viên bệnh viện và 2 hòm phiếu di động cho khu phòng điều trị" - đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết. Bệnh viện K có trên 2.200 cán bộ nhân viên bệnh viện và bệnh nhân đang bị cách ly, bệnh viện đã chuẩn bị 20 hòm phiếu, trong đó bao gồm hòm phiếu cố định và hòm phiếu di động cho các khu bệnh phòng và khu vực hành chính.
Cử tri khai báo y tế trước
Bà Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch Ủy ban bầu cử TP.HCM - cho biết TP.HCM có khoảng 5,4 triệu cử tri, với hơn 3.000 điểm bỏ phiếu. Quan trọng nhất hiện nay là đẩy nhanh việc cho người dân khai báo y tế trước ngày bầu cử.
TP đã xây dựng hoàn chỉnh phương án gắn với từng tình huống cử tri bầu cử tại các địa điểm bỏ phiếu, bầu cử khi đang cách ly tại nhà, bầu cử tại khu vực cách ly tập trung, nơi thực hiện cách ly xã hội, hoặc phong tỏa và bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị COVID-19.
Trường hợp phát sinh ca nhiễm trong cộng đồng và một số khu vực trên địa bàn bị phong tỏa, cách ly thì các địa phương nhanh chóng kích hoạt phương án bỏ phiếu an toàn tại các nơi này. Đảm bảo cử tri dù có bị cách ly, phong tỏa cũng được thực hiện quyền bỏ phiếu.
"Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng TP.HCM đã chuẩn bị chu đáo nhất nên cử tri toàn thành phố có thể yên tâm thực hiện quyền bầu cử của mình" - bà Lệ nói.
Mang hòm phiếu đến tận nhà cử tri đang cách ly
Ông Vương Quốc Tuấn - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh - cho biết ngày 21-5 tỉnh đã tổ chức diễn tập bỏ phiếu bầu cử trong điều kiện dịch COVID-19 với từng trường hợp cụ thể. Cuộc diễn tập được ghi hình chuyển cho từng tổ bầu cử để theo đó thực hiện.
Các khu đông dân cư sẽ tổ chức bầu cử theo từng nhóm thời gian để không xảy ra tình trạng tập trung quá đông người. Cử tri có biểu hiện ho, sốt, khó thở... sẽ được chuyển ngay đến phòng cách ly tạm thời, tiến hành khai thác nhanh tiền sử dịch tễ. Nếu cử tri không có tiền sử dịch tễ nguy cơ sẽ được bỏ phiếu vào hòm phiếu phụ tại khu cách ly tạm thời.
"Trường hợp trở về từ vùng dịch, vùng phong tỏa, hoặc tiền sử dịch tễ không rõ ràng thì báo cáo cho tổ trưởng tổ bầu cử, đồng thời báo cáo cho tổ y tế lưu động để chuyển cử tri nghi có bệnh về trạm y tế và phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ khu vực bầu cử" - ông Tuấn cho biết.
Trong khi đó, ông Vũ Mạnh Hùng - giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang - cho biết tỉnh cũng chỉ đạo các tổ bầu cử quy định từng ngõ, từng khu đi bỏ phiếu theo giờ để đảm bảo giãn cách và thực hiện nghiêm ngặt 5K.
"Đối với cử tri cách ly tại nhà, các tổ bầu cử sẽ mang hòm phiếu đến tận nhà để cử tri bỏ phiếu tại nhà. Cử tri đang ở khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến thì tỉnh bố trí hòm phiếu phụ để các cử tri thực hiện quyền bỏ phiếu của mình.
Sau khi bỏ phiếu xong, chúng tôi sẽ kiểm phiếu luôn trong khu vực đó rồi mang kết quả ra ngoài để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Sau khi kiểm phiếu xong, hòm phiếu sẽ được niêm phong, phun khử khuẩn để sau khi kết thúc dịch sẽ lưu theo quy định" - ông Hùng nói.
Bầu cử thay là làm mất quyền cử tri
Chiều 21-5, chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường chủ trì họp báo quốc tế về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử. "Đến nay Hội đồng bầu cử quốc gia đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, đảm bảo đúng tiến độ, sẵn sàng cho ngày bầu cử. Một số địa phương được bầu cử sớm thì đã và đang tổ chức an toàn, đúng luật" - ông Cường cho biết.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về giải pháp để giảm tình trạng bầu hộ, bầu thay, chống bệnh thành tích trong tổ chức bầu cử, trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nói: "Nguyên tắc bầu cử của chúng ta là phổ thông đầu phiếu, trực tiếp, bình đẳng. Việc để bầu hộ, bầu thay là làm mất quyền cử tri, trực tiếp đi bầu cử là tự tay lựa chọn người đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Qua các cuộc bầu cử, thông qua vận động, tuyên truyền thì tình trạng bầu hộ, bầu thay đã giảm dần".
LÊ KIÊN
4 bước tổ chức bầu cử cho người cách ly tại nhà
Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, tổ bầu cử sẽ phải có tối thiểu 2 thành viên và có lực lượng công an hoặc dân quân đi cùng.
Bước 1: thành viên tổ bầu cử trang bị phòng hộ cá nhân, gồm găng tay, khẩu trang, trang phục bảo hộ (nếu có); vận chuyển hòm phiếu phụ, danh sách cử tri, danh sách người ứng cử, phiếu bầu cử, bút, thước, dung dịch khử khuẩn, túi đựng rác thải từ phòng bỏ phiếu đến nhà cử tri đang cách ly.
Bước 2: thành viên tổ bầu cử đặt hòm phiếu phụ bảo đảm khoảng cách với các thành viên khoảng 2m rồi thông báo người cách ly thực hiện quyền bầu cử và hướng dẫn cách thức bầu cử, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần với cử tri.
Cử tri khử khuẩn tay, trình thẻ cử tri và nhận danh sách ứng cử viên, phiếu bầu, bút, thước. Cử tri ghi và bỏ phiếu bầu vào hòm phiếu, sau đó bỏ bút, thước vào túi đựng rác. Thành viên tổ bầu cử đóng dấu "Đã bỏ phiếu", đưa lại thẻ cho cử tri và thu dọn các vật dụng, khử khuẩn y tế đối với hòm phiếu, các trang thiết bị khác có liên quan.
Bước 3: thành viên tổ bầu cử vận chuyển hòm phiếu phụ đến nhà người cách ly khác để tiếp tục bỏ phiếu. Kết thúc đợt bỏ phiếu, thành viên tổ bầu cử dán các vị trí hở của hòm phiếu bằng băng keo và niêm phong thùng phiếu, sau đó vận chuyển về phòng bỏ phiếu. Sau mỗi lần bỏ phiếu, thành viên tổ bầu cử đều thay găng tay.
Bước 4: sau khi kết thúc bàn giao hòm phiếu, thành viên tổ bầu cử tháo bỏ phương tiện phòng hộ và xử lý đúng quy định, khử khuẩn tay, vệ sinh cá nhân sạch sẽ; tự theo dõi sức khỏe 14 ngày.N.T.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận