Các tác giả tại lễ trao thưởng Tri thức trẻ vì giáo dục 2018 - Ảnh: VIỆT DŨNG
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - đánh giá cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018 được xem là năm "thu hoạch lớn" cả về số lượng và chất lượng, thu hút đông đảo người trẻ như học sinh, sinh viên.
Hội đồng ban giám khảo đánh giá các sản phẩm lọt vào chung khảo đều có ý tưởng hay và khá bất ngờ khi năm nay nhiều học sinh, sinh viên đưa ra ý tưởng nhiều "chất xám".
Học sinh giúp học sinh
Đáng kể đến là những công trình, sáng kiến của đối tượng học sinh, thậm chí có ba học sinh tiểu học cùng thầy giáo nghiên cứu giúp học sinh tham gia giao thông an toàn. Hai học sinh ở TP.HCM là Thanh Nhã và Mai Tâm xuất phát từ nỗi sợ học của bản thân đã nghiên cứu, thiết kế ra cuốn cẩm nang về hội chứng sợ học, đưa ra các "bí kíp" giúp bạn bè vượt qua nỗi sợ này...
Cũng xuất phát từ bản thân nhiều khi cảm thấy "buồn ngủ, không hứng thú" với việc học, cậu học trò Nguyễn Duy Phước Hải (Trường THPT Quảng Trị) nghiên cứu ra ứng dụng "Smart Study Assistant vào môi trường học tập 4.0", mong muốn từ ứng dụng của mình có thể giúp học sinh chủ động học tập, dần thay thế cách học qua sách vở.
Cậu tự nhận "sức mình còn nhỏ" nên hi vọng qua cuộc thi nhận được chia sẻ, góp ý của các chuyên gia, thầy cô để hoàn thiện ứng dụng của mình và đưa lên kho ứng dụng.
Năm 2018, lần đầu tiên chương trình mời một nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục tham gia hội đồng chung khảo là ông Nguyễn Ngọc Thủy, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Egroup. Ông nói rất bất ngờ trước những công trình, sáng kiến của học sinh, sinh viên được đầu tư "chất xám" và có tính sáng tạo.
"Có nhiều dự án được nghiên cứu trong nhiều năm, tôi nghĩ cuộc thi đã thu hút được nhiều ý tưởng chất lượng" - ông Thủy nhận định.
Tạo ra sản phẩm hàng hóa
Hội đồng ban giám khảo 'Tri thức trẻ vì giáo dục 2018' - Ảnh: VIỆT DŨNGSuốt ba năm tham gia hội đồng chung khảo, TS Nguyễn Quân, nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ, nhận thấy nhiều công trình, sáng kiến đã có những thay đổi phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ.
"Hai kỳ trước có rất ít sản phẩm có hàm lượng công nghệ như vậy. Ban giám khảo mong muốn các sản phẩm đoạt giải thưởng được trở thành sản phẩm hàng hóa trên thị trường công nghệ và thị trường giáo dục" - TS Nguyễn Quân mong muốn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ: "Tôi thấy rõ những năm gần đây công trình nghiên cứu về ứng dụng Internet, ứng dụng CNTT và truyền thông là xu hướng mới. Sự sáng tạo của các bạn rất hay, có nhiều sản phẩm có tính khả thi, hiệu quả.
Tất nhiên, để một sản phẩm dù ứng dụng công nghệ cao hay kỹ thuật bình thường ra sản phẩm thương mại còn phải trải qua khâu thăm dò thị trường, khâu hoàn thiện nhưng những ý tưởng này rất đáng khuyến khích".
Ông Thuyết cũng mong muốn ban tổ chức có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để các công trình nghiên cứu này sớm đưa ra ứng dụng. Với các sản phẩm đã vào đến chung khảo hoặc chưa vào chung khảo, cần tiếp tục hoàn thiện để sớm trở thành sản phẩm phục vụ giáo dục phổ biến cho các thầy cô, học sinh.
Mong sản phẩm đi vào thực tế
Xúc động được gọi tên ở giải thưởng cao nhất, cô giáo Dương Thị Thu Hà với sáng kiến "Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng Down học đọc thông qua các chủ đề của kỹ năng sống" chia sẻ nguyện vọng của nhóm là qua cuộc thi, sản phẩm được hoàn thiện, tối ưu để giúp ích cho trẻ Down. Để có được điều này, nhóm tác giả rất cần sự hỗ trợ của các nhà khoa học, các đơn vị để phát triển sản phẩm.
"Quyết tâm của cô trò là mong sản phẩm đi vào thực tế. Chúng tôi sẽ cải tiến sản phẩm thông minh hơn cho trẻ Down và sau này là các trẻ chậm phát triển" - tác giả Thu Hà chia sẻ.
Sân chơi hữu ích cho trí thức trẻ, thanh niên
Từ trái sang: bà Nguyễn Thị Nghĩa, ông Nguyễn Minh Triết, Trịnh Văn Hào và Nguyễn Huy Du
* Bà Nguyễn Thị Nghĩa (thứ trưởng Bộ GD-ĐT):
Tất cả những nhóm vấn đề chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" hướng đến đều hiệu quả với giáo dục, đều là những vấn đề xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, từ thực tiễn giáo dục và quay lại phục vụ giáo dục. Những ý tưởng còn ấp ủ, đang triển khai ở một giai đoạn hay đã có sản phẩm đều có tác dụng thiết thực với ngành giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo, với người thụ hưởng là nhà trường, giáo viên, học sinh.
* Ông Nguyễn Minh Triết (ủy viên Ban Thường vụ, trưởng Ban thanh niên trường học Trung ương Đoàn, trưởng Ban tổ chức chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018):
Kết quả của chương trình năm 2018 có sự vượt bậc về chất lượng, số lượng hơn so với các năm trước đã phản ánh tiềm năng về sự sáng tạo của trí thức trẻ VN cũng như sự lan tỏa rộng rãi của chương trình. Trong số các công trình đoạt giải năm nay, bên cạnh sự trở lại của nhiều tác giả đoạt giải các năm trước, đã có nhiều hơn những startup về công nghệ, giáo dục mang đến những làn gió mới, hứa hẹn tạo ra những khởi sắc nhất định cho khu vực mà công trình hướng đến. Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" được xem là một điểm nhấn trong việc cụ thể hóa phong trào "Tuổi trẻ sáng tạo" của Trung ương Đoàn và sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.
* Ông Trịnh Văn Hào (giám đốc marketing, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long):
Có thể khẳng định chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" là chất xúc tác để hàng ngàn tri thức trẻ cùng trăn trở và tham gia đóng góp ý tưởng cho ngành giáo dục. Số lượng hơn 1.000 ý tưởng nhận được trong vòng 3 năm qua với chất lượng công trình ngày càng tăng đã thể hiện sức hút của chương trình. Trong khả năng của mình, ban tổ chức đã hỗ trợ nhiều công trình hay ứng dụng vào hoạt động dạy và học.
Năm nay, chương trình mời thêm nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục để thẩm định khả năng thương mại hóa của công trình. Đây là định hướng sẽ được ban tổ chức triển khai các năm tới, thể hiện nỗ lực ứng dụng rộng rãi các ý tưởng vào thực tiễn.
* Ông Nguyễn Huy Du (tác giả với ứng dụng "Đèn học thông minh The Smart Light công nghệ 4.0 (IoT)", Hà Nội):
Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" là sân chơi hữu ích cho những trí thức trẻ, cho thanh niên VN có cơ hội giới thiệu sản phẩm, ứng dụng những giải pháp của mình hướng về lĩnh vực giáo dục, có cơ hội để hoàn thiện sản phẩm của mình. Một ý nghĩa lớn nữa là chính sản phẩm của các tác giả sẽ truyền cảm hứng, truyền khát khao cống hiến cho lĩnh vực giáo dục đến với nhiều thanh niên, trí thức, nhà khoa học VN mang sức mình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận