07/11/2018 09:34 GMT+7

Học sinh nghiên cứu về… sợ học

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Từ trải nghiệm của chính bản thân, Lê Huỳnh Mai Tâm và Lê Thanh Nhã - đang học lớp 12A13 Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM, đã nghiên cứu chứng sợ học của học sinh và tìm cách khắc phục.

Học sinh nghiên cứu về… sợ học - Ảnh 1.

Lê Thanh Nhã (trái) và Lê Huỳnh Mai Tâm trong một tiết học tại trường - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nghiên cứu của hai bạn đã lọt vào vòng chung khảo Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục 2018 do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, Mai Tâm cho biết trước đây mỗi lần vào tiết học, em cảm thấy lo sợ, đặc biệt là với môn toán. Khi nói chuyện với các bạn thì các bạn cũng có tâm sự tương tự.

"Năm ngoái, tôi học lớp A1 - lớp đầu ban A, tập hợp nhiều học sinh giỏi nên áp lực học tập với tôi rất lớn. Nhiều bạn trong lớp cũng cứ đến giờ học là căng thẳng, mệt mỏi như không hề muốn học luôn", Tâm chia sẻ.

Trong khi đó, Thanh Nhã thường có suy nghĩ rất tiêu cực về môn học mà mình không thích. Nhã cho biết hội chứng này có ở nhiều học sinh. Từ đó, Nhã cùng Tâm tìm hiểu nguyên nhân, rồi tìm được một kênh Youtube nói về hội chứng sợ học - Sophophobia.

"Từ đó hai đứa biết chứng sợ học có cơ sở khoa học và tìm kiếm thêm thông tin để nghiên cứu đề tài này cũng như tự tìm giải pháp cho chứng sợ học của chính mình", Nhã nói.

Lê Huỳnh Mai Tâm và Lê Thanh Nhã giới thiệu Cẩm nang Sophophobia do hai bạn biên soạn - Video: NHƯ HÙNG

Từ áp lực điểm số

* Từ khi nào các bạn bắt đầu "sợ học" và vì sao?

- Mai Tâm: Tôi "sợ học" từ khi lên THCS phải làm bài kiểm tra để tính điểm.

- Thanh Nhã: Tôi sợ học từ nhỏ do ám ảnh lời nói của ba mẹ. Hồi nhỏ, ba mẹ hay kêu tôi và một bạn cùng xóm chơi trò đoán đúng câu hỏi sẽ được quà. Tôi lúc nào cũng tư duy chậm hơn nên hay bị trêu chọc, ba mẹ còn nói: "Nhìn mặt mày biết ngu rồi!" nên tôi tự hình thành trong tâm thức: tôi ngu thật!

* Còn nguyên nhân từ các bạn mình thì sao?

- Mai Tâm: Qua khảo sát của hai đứa, các bạn sợ học vì mất động lực, khó tiếp thu kiến thức, áp lực từ gia đình, nhà trường… Tôi có một người bạn từng rất lạc quan trong việc học, nằm trong đội tuyển học sinh giỏi lý của trường. Năm nay là năm cuối THPT, bỗng nhiên bạn cảm thấy mất động lực, không biết học để làm gì và từ bỏ luôn việc theo đội tuyển.

- Thanh Nhã: Một bạn từng học chung với tôi bị áp lực rất lớn từ gia đình - luôn muốn bạn phải là học sinh giỏi. Lần đó bạn không đạt, bạn đã có biểu hiện quá khích. Bạn lùa hết đồ trên bàn xuống đất, cầm nón bảo hiểm ném thẳng vào chỗ ngồi và gào khóc… Hôm đó là ngày liên hoan lớp, ai nấy cũng hốt hoảng và nhiều bạn nảy sinh tâm lý xa lánh bạn ấy.

Bạn hầu như không tham gia hoạt động nào ngoài học, thể trạng của bạn cũng không tốt, luôn có cảm giác vừa căng thẳng vừa uể oải. Bạn học không phải vì thích mà vì sợ nên tư duy của bạn không phát triển mở rộng được. Khi tham gia làm việc nhóm hay hoạt động ngoại khóa, bạn rất thụ động và chậm chạp.

Đến chương trình nặng nề khô khan

* Về nguyên nhân khó tiếp thu kiến thức, các bạn thấy chương trình học hiện nay như thế nào?

- Thanh Nhã: Tôi thấy chương trình càng ngày càng nâng cao và nặng nề hơn. Thời gian của học sinh chiếm phần lớn là học: học trong ngày, học trong trường, học thêm và làm bài tập về nhà.

Thực sự nếu chỉ học trong trường thì học sinh rất khó đáp ứng được lượng kiến thức cho các bài kiểm tra hay thi cử, đặc biệt là thi THPT Quốc gia khi yêu cầu học sinh phải thi ít nhất 4 bài thi gồm 3 bài thi độc lập bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp với kiến thức trải dài từ lớp 11 đến 12.

- Mai Tâm: Ngay cả chương trình tiểu học cũng rất nặng. Em họ của tôi hiện đang bị rối loạn ngôn ngữ do học song song tiếng Việt và tiếng Anh, cứ mỗi lần nhắc đến hai môn này em ấy đều né tránh và không muốn làm bài tập về nhà.

* Các bạn đánh giá hội chứng sợ học ảnh hưởng như thế nào đến tinh thần và hiệu quả học tập của học sinh?

- Mai Tâm: Sợ học có thể dẫn đến stress nặng, nếu không được giải tỏa sẽ dẫn đến việc buông xuôi, trốn tránh, tinh thần cũng như hiệu quả học tập sẽ càng ngày càng đi xuống. Nó như một vòng lặp luẩn quẩn vậy, sợ học - học không được - điểm kém - sợ học hơn. Nếu không cắt đứt cái vòng đó thì sẽ không thoát ra được.

- Thanh Nhã: Hội chứng sợ học ảnh hưởng đến tinh thần rất lớn. Học sinh không còn cảm thấy thích thú với môn học nào đó, cảm thấy đi học chỉ là nghĩa vụ. Vì thế, khi hoàn thành nghĩa vụ thì phải chơi chứ không cần phải tìm hiểu gì thêm về nghĩa vụ đó nữa.

Càng sợ càng hoạt động càng kém hiệu quả, ngồi trong giờ nghe giảng mà lúc nào cũng nơm nớp sợ thầy cô gọi tên hỏi bài thì làm sao tiếp thu bài tốt được.

Học sinh nghiên cứu về… sợ học - Ảnh 3.

Một tiết học toán của lớp 12 Trường THPT Trần Khai Nguyên - Ảnh: NHƯ HÙNG

Để đi học không còn là nghĩa vụ

* Hai bạn đã tìm được giải pháp gì cho chính mình từ chuyện sợ học?

- Mai Tâm: Tôi chưa cắt đứt được hoàn toàn với vòng tròn sợ học nhưng đã có những chuyển biến tích cực hơn. Điểm số luôn là vấn đề của tôi nhưng tôi đã nhận thức lại, kiểu mình đặt vấn đề quá nặng thì càng bị áp lực hơn. Tôi hiểu bản thân cần giảm bớt việc coi nặng điểm số.

- Thanh Nhã: Tôi không còn sợ học nữa vì đã biết mình đang bị cái gì. Sau khi tìm hiểu, tôi biết mình sợ do đâu nên cũng tự tìm hiểu thêm cách khắc phục. Ví dụ, trước khi kiểm tra cần ổn định nhịp hô hấp, không đặt nặng điểm số…

Tôi không còn coi học là nghĩa vụ nữa và thoải mái tìm hiểu sâu hơn các kiến thức mình cảm thấy hứng thú và phù hợp với định hướng tương lai. Các môn học luôn có sự liên kết với nhau lại làm tăng thêm vốn kiến thức cho mình nên điểm số năm nay của tôi đã cao hơn các năm trước rất nhiều.

Sợ học như sợ phim kinh dị. Phim kinh dị đáng sợ nhất là khi mình không biết mình đang sợ cái gì. Mình phải biết được mình đang sợ gì mới tìm được cách chiến đấu và "tiêu diệt" nó.

* Đó là cách chữa từ chủ quan. Về khách quan, hai bạn có đề xuất gì không?

- Mai Tâm: Lúc mới bắt đầu làm đề tài này, nhiều thầy cô có ý kiến trái chiều và bác bỏ cho rằng đây chỉ là sự bao biện cho việc học sinh lười học. Sau khi hai đứa nghiên cứu, trình bày, các thầy cô mới thay đổi suy nghĩ.

Người lớn cần chia sẻ việc học sinh sợ học không phải do lười biếng. Khi có được sự chia sẻ này thì khắc phục chứng sợ học sẽ dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục của chúng ta đang chú trọng quá nhiều vào thành tích chứ chưa lấy học sinh làm trung tâm, tạo sự hứng thú học hành từ chính học sinh.

Nó như một tảng đá chặn giữa đường vậy, nếu không lấy tảng đá đó ra thì học sinh sẽ không thể tự do phát triển, cứ nghĩ học là nghĩa vụ mình phải làm. Dạy và học vì thành tích sẽ không thể tạo được sự tự lập, tự học.

- Thanh Nhã: Tôi mong muốn ngành giáo dục sẽ có những thay đổi để mỗi ngày chúng tôi đến trường là một ngày vui, một ngày khám phá điều mới lạ chứ không phải một ngày đi thực hiện nghĩa vụ.

Đồng thời, một số giáo viên chăm chăm vào thành tích và có phương pháp dạy học khô khan cứng nhắc. Lứa tuổi của chúng tôi rất tâm tư như: Học xong giúp ích được gì cho mình trong cuộc đời? Ý nghĩa cuộc đời mình là gì?…

Tôi mong giáo viên tìm hiểu học sinh nhiều hơn, mở mang hơn về tư duy và sáng tạo hơn về cách dạy. Điểm số chỉ là cơ sở để kiểm tra xem học sinh hiểu bài được bao nhiêu chứ không phải cơ sở để đánh giá con người học sinh đó.

Những lời đánh giá của thầy cô có sức ảnh hưởng rất lớn đến học sinh, nó có thể đi theo học sinh mãi mãi, trói buộc tâm trí của học sinh.

Ngoài ra, cách thiết kế sách giáo khoa có quá nhiều chữ khiến học sinh choáng ngợp. Tôi muốn biết nhiều hơn những kiến thức gắn liền với thực tế đời sống. Sách giáo khoa nên ngắn gọn, trực quan và sinh động hơn.

Học sinh khá giỏi sợ học hơn học sinh yếu kém

Nghiên cứu của Lê Huỳnh Mai Tâm và Lê Thanh Nhã đã khảo sát 1.043 học sinh THPT trên địa bàn TP.HCM. Kết quả, 65% học sinh cho biết "có gặp phải" hội chứng Sophophobia. 21% học sinh có học lực giỏi và 37% có học lực khá trả lời là có gặp phải hội chứng này. Số học sinh có học lực trung bình cũng chiếm đến 36%, tỉ lệ học sinh có học lực yếu, kém gặp phải Sophophobia là không cao.

"Mọi người thường nghĩ các bạn học yếu mới sợ học. Thực tế không phải vậy, điểm toán của Mai Tâm toàn 9-10 không nhưng bạn ấy vẫn sợ, điều đó khiến hai đứa càng muốn tìm hiểu sâu hơn về thực trạng này", Thanh Nhã nói.

Theo Thanh Nhã, biểu hiện cụ thể nhất của hội chứng sợ học là học sinh luôn né tránh khi nhắc đến một môn nào đó hoặc đã học bài rất kỹ càng nhưng khi kiểm tra tự nhiên quên hết. Ở mức độ cao, học sinh có các biểu hiện tiêu cực như sợ hãi, khó thở, đổ mồ hôi tay hoặc run rẩy không kiểm soát được khi vào tiết học hoặc bắt đầu làm bài tập một môn nào đó.

Sẵn sàng cho vòng chung khảo

Theo thông tin từ Ban tổ chức, vòng chung khảo chương trình Tri thức trẻ về giáo dục 2018 sẽ bắt đầu từ 13h00 ngày 9-11-2018 tại Phòng họp Thanh Niên, tầng 2, cơ quan Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, số 62 Bà Triệu, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Ban tổ chức mời các cơ quan truyền thông cùng tham dự để hiểu rõ hơn các đánh giá chuyên môn của hội đồng chung khảo về những điểm mới, khả thi của từng công trình. Đồng thời chương trình có cơ hội chia sẻ những trăn trở, tâm huyết cho ngành giáo dục.

Lễ trao giải được tổ chức vào 19h30 ngày 11-11-2018 tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam (3-5 Chùa Láng, Q.Đống Đa, TP Hà Nội).

Học sinh nghiên cứu về… sợ học - Ảnh 6.
Tri thức trẻ vì giáo dục: Mạng gắn kết sinh viên - nhà trường Tri thức trẻ vì giáo dục: Mạng gắn kết sinh viên - nhà trường

TTO - Để xây dựng hệ sinh thái giao tiếp thông minh trong trường học, nhóm sinh viên khoa CNTT Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM đang phát triển SHub trở thành không gian mạng để trao đổi thông tin tự động, chính xác.

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên