25/04/2022 16:04 GMT+7

Bất chấp đại dịch và suy thoái, các nước vẫn chi hơn 2.000 tỉ USD cho quân sự

CHẤN PHONG
CHẤN PHONG

TTO - Các quốc gia trên thế giới tiếp tục gia tăng chi tiêu quân sự trong năm 2021, vượt mốc 2.000 tỉ USD bất chấp ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch COVID-19.

Bất chấp đại dịch và suy thoái, các nước vẫn chi hơn 2.000 tỉ USD cho quân sự - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân DF-41 của Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 2019 - Ảnh: AFP

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) được công bố hôm 25-4, tổng chi tiêu quân sự toàn cầu tăng 0,7% (tính theo giá trị thực) vào năm 2021, chạm ngưỡng 2.113 tỉ USD, cao nhất trong lịch sử.

Tính trên toàn cầu, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và Nga lần lượt dẫn đầu danh sách chi tiêu quốc phòng trên thế giới trong năm 2021.

Ở cấp độ khu vực, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc là nhóm các quốc gia dẫn đầu về chi tiêu quốc phòng trong năm 2021 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đáng chú ý, chi tiêu quốc phòng của Nga đã tăng 2,9%, lên 65,9 tỉ USD trong năm thứ 3 liên tiếp, trước ảnh hưởng của tình hình căng thẳng quanh vấn đề Ukraine, cũng như đề phòng mối đe dọa về an ninh từ các nước phương Tây.

Ông Diego Lopes da Silva, chuyên gia cấp cao tại SIPRI, cho biết chi tiêu quốc phòng chiếm 4,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga, "cao hơn nhiều so với mức trung bình thế giới" và biến Matxcơva trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ năm trên thế giới.

Nguồn thu từ việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt đã giúp Nga thúc đẩy chi tiêu quân sự trong năm 2021. Vị chuyên gia của SIPRI tin rằng Nga sẽ gia tăng chi tiêu vào cuối năm nay.

Ngoài ra, chi tiêu quân sự của Ukraine đã tăng 72% kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Nhiều quốc gia trong khối NATO cũng đã tăng chi tiêu trước sức ép của Mỹ.

Bất chấp đại dịch và suy thoái, các nước vẫn chi hơn 2.000 tỉ USD cho quân sự - Ảnh 2.

Chi tiêu quân sự toàn cầu và tính theo khu vực từ năm 1988 đến năm 2021 - Nguồn: SIPRI

Ở chiều ngược lại, chi tiêu quốc phòng của Mỹ giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt mốc 801 tỉ USD. Tuy nhiên, chi tiêu của Mỹ lại vượt xa Trung Quốc, quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới với con số được chính Bắc Kinh công bố là khoảng 293 tỉ USD.

Trong đó, chi tiêu của Mỹ cho việc mua sắm vũ khí giảm 6,4% so với cùng kỳ, tài trợ cho các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ (R&D) tăng 24%.

"Việc gia tăng chi tiêu cho R&D trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2021 cho thấy Mỹ đang tập trung nhiều hơn vào phát triển các thế hệ công nghệ tiên tiến tiếp theo.

Chính phủ Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì lợi thế công nghệ của quân đội trước các đối thủ cạnh tranh chiến lược", Hãng tin AFP dẫn lời bà Alexandra Marksteiner, chuyên gia nghiên cứu của Chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI, nhận định hôm 25-4.

Chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng 27 năm liên tiếp. Ở Nhật Bản, người dân cũng đang chứng kiến mức tăng chi tiêu quốc phòng hằng năm cao nhất kể từ năm 1972.

"Sự quyết đoán ngày càng tăng trong các động thái của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông đã trở thành động lực chính cho chi tiêu quân sự ở các nước như Nhật Bản và Úc", chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại SIPRI, tiến sĩ Nan Tian, lý giải.

Theo Hãng tin Reuters, Liên minh châu Âu (EU) sẽ tìm cách tăng doanh số bán các thiết bị quân sự của châu Âu cũng như khởi động lại các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do với Ấn Độ trong chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Bà Ursula von der Leyen dự kiến sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào hôm nay 25-4. Các quan chức EU cho biết chuyến thăm của bà là một phần trong nỗ lực của phương Tây nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Ấn Độ trước tình hình chiến sự ở Ukraine.

EU và Ấn Độ cũng có thể sẽ đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại tự do, vốn đã bị đóng băng vào năm 2013 vì các bất đồng quanh vấn đề cắt giảm thuế quan và bảo hộ bằng sáng chế.

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới với gần 1,4 tỉ người, được EU coi là đồng minh về an ninh, kinh tế quan trọng ở khu vực.

Mỹ - Trung đua nhau quân sự hóa vũ trụ ảo Mỹ - Trung đua nhau quân sự hóa vũ trụ ảo

TTO - Trung Quốc tin rằng Mỹ đang dẫn đầu cuộc đua vũ trụ ảo (metaverse) nhưng họ sẽ vượt trội trong dài hạn nhờ nền văn hóa lớn. Với sự cạnh tranh gay gắt hiện tại, khả năng hai cường quốc này va chạm nhau trong metaverse là khó tránh khỏi.

CHẤN PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên