27/12/2022 13:06 GMT+7

Báo động xu hướng tự hủy hoại bản thân ở trẻ vị thành niên

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

Thực trạng đáng báo động là nhiều trẻ vị thành niên thường xuyên thực hiện các hành vi hủy hoại bản thân như tự gây thương tích nhằm tự sát, có suy nghĩ và lên kế hoạch cho cái chết.

Báo động xu hướng tự hủy hoại bản thân ở trẻ vị thành niên - Ảnh 1.

Nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ chia sẻ kết quả nghiên cứu tại hội thảo sáng 27-12 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Nhiều nhà khoa học tâm lý, bác sĩ đã cho biết như vậy tại hội thảo khoa học "Chăm sóc sức khỏe tinh thần" do Trường đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức sáng 27-12.

Sang chấn sau đại dịch

Theo kết quả khảo sát của nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ - khoa tâm lý học Trường đại học Sư phạm TP.HCM, có đến tám trong số 400 trẻ vị thành niên ở TP.HCM tham gia khảo sát có điểm trung bình của ý định tự sát ở mức độ cao (mức độ 4). Các em trong độ tuổi từ 12-16 tuổi. Đáng chú ý, tất cả học sinh này đều có học lực khá, giỏi (ba học sinh giỏi).

Theo ông Vũ, COVID-19 là một sang chấn có tính lan tỏa và tác động mạnh đến sức khỏe tinh thần của trẻ em. Sang chấn này có khả năng làm trầm trọng thêm những vấn đề sức khỏe tinh thần hiện có và góp phần thúc đẩy các vấn đề sức khỏe tinh thần mới liên quan đến căng thẳng, trầm cảm và tự sát.

Nỗi sợ về COVID-19; sự gián đoạn học tập và hệ quả của dạy học trực tuyến không hiệu quả; hệ quả kinh tế của giãn cách xã hội; sự mất mát, đau buồn vì mất người thân do COVID-19; sự lo lắng, căng thẳng về cuộc sống, công việc, định hướng, học tập, an sinh xã hội… khi đại dịch đi qua… tác động mạnh đến sức khỏe tinh thần của trẻ vị thành niên.

"Nếu không được hỗ trợ, can thiệp, sang chấn sau đại dịch có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tinh thần của trẻ vị thành niên", ông Vũ nhấn mạnh.

Báo động xu hướng tự hủy hoại bản thân ở trẻ vị thành niên - Ảnh 2.

Đông đảo nhà khoa học và sinh viên tham dự hội thảo sáng nay 27-12 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Hàng trăm trẻ tự hủy hoại bản thân

Khảo sát thực trạng từ đề tài "Hành vi tự hủy hoại bản thân của trẻ vị thành niên ở các đô thị phía Nam, Việt Nam" của nghiên cứu sinh Mai Mỹ Hạnh - phó trưởng khoa tâm lý học Trường đại học Sư phạm TP.HCM - cho thấy trong số 3.480 trẻ được nghiên cứu có 37,04% trẻ có nguy cơ tự hủy hoại bản thân.

Kết quả nghiên cứu sàng lọc lần 2 cho thấy 6,1% (213 trẻ) cố ý tự thực hiện hành vi gây hại, gây tổn thương, thương tích chính mình (1 - 4 lần/năm). Đặc biệt, có đến 53,1% trẻ vị thành niên thực hiện tự hủy hoại bản thân ở mức trung bình, biểu hiện là trẻ thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân thường xuyên (từ 8 - 11 lần) trong 1 năm, để lại hậu quả nghiêm trọng; 41,3% tự hủy hoại bản thân ở mức nhẹ, xu hướng biểu hiện là trẻ thực hiện thỉnh thoảng 5 - 7 lần trong 1 năm.

Có 5,6% tự hủy hoại bản thân ở mức nặng, xu hướng biểu hiện trẻ vị thành niên thực hiện rất thường xuyên (từ 12 lần trở lên), để lại hậu quả rất nghiêm trọng.

Nghiên cứu thực trạng sức khỏe tinh thần của hơn 600 sinh viên tại TP.HCM do TS Đỗ Tất Thiên - phó trưởng khoa tâm lý học Trường đại học Sư phạm TP.HCM - thực hiện cho thấy nguy cơ biểu hiện trầm cảm (42,2%) và biểu hiện lo âu (41%) đều ở mức nặng và chiếm tỉ lệ cao nhất.

Đứng ở vị trí thấp nhất là biểu hiện "Nghĩ rằng mình chết đi sẽ tốt hơn, hoặc làm đau hay tổn thương cơ thể theo một cách nào đó", xuất hiện từ 1 - 6 ngày. Đặc biệt, có sinh viên có người thân mất trong dịch COVID-19 làm xuất hiện biểu hiện "nghĩ đến cái chết".

Sử dụng công nghệ chăm sóc sức khỏe tâm thần

GS.TS Huỳnh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM - cho rằng: "Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc tâm lý, tạo cơ hội để phổ biến việc sử dụng công nghệ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Dự đoán rủi ro trong sức khỏe tâm thần là một thách thức đối với tâm lý học lâm sàng. Đến nay, ưu tiên hàng đầu vẫn là phân tích các khả năng mới của công nghệ số trong thực hành lâm sàng cũng như chăm sóc sức khỏe tâm thần".

GS Huỳnh Văn Sơn và các cộng sự đã xây dựng chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân sau đại dịch. Một trong những vấn đề cần quan tâm và triển khai là chăm sóc sức khỏe tâm thần cho đa đối tượng, đa mục tiêu và đa phương thức.

"Việc giải quyết các vấn đề đạo đức do sử dụng công nghệ gây ra là một thách thức lớn. Điều quan trọng là tất cả các bên liên quan phải biết trách nhiệm của mình và thiết lập khung chung cho việc phát triển và sử dụng công nghệ một cách có đạo đức", ông Sơn nhấn mạnh.

Ba nhóm học sinh cần quan tâm đặc biệt về sức khỏe tinh thần Ba nhóm học sinh cần quan tâm đặc biệt về sức khỏe tinh thần

TTO - Ngày 15-12, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3, TP.HCM tổ chức tọa đàm 'Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh' với sự tham gia của hơn 500 nhà tâm lý, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên làm công tác phụ trách Đội...

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên