04/10/2013 07:51 GMT+7

Bảng tương tác vào trường học, phụ huynh lại tốn tiền

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - UBND TP.HCM đã chấp thuận hỗ trợ 50% kinh phí để sắm bộ thiết bị giảng dạy đa chức năng (bảng tương tác) dùng trong các trường mầm non và tiểu học. Thế nhưng, các trường lại không mặn mà với thiết bị hiện đại này...

gCsnsHoM.jpgPhóng to
Cô trò lớp lá Trường mầm non Vàng Anh Q.5, TP.HCM làm quen với bảng tương tác thông minh - Ảnh: Như Hùng

Chỉ đạo về việc xã hội hóa kinh phí mua sắm trang thiết bị thực hiện đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp thành phố” và đề án “Phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi”, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo “Giao Sở GD-ĐT có văn bản hướng dẫn các quận, huyện về tiêu chuẩn, chức năng, chủng loại thiết bị, thông số kỹ thuật bộ thiết bị giảng dạy tiếng Anh đa năng”.

Sau đó, Sở GD-ĐT TP có văn bản hướng dẫn định mức trang bị như sau: các trường mầm non: 1 bộ/trường, các trường tiểu học: 3 bộ/trường. Về kinh phí: 181 triệu đồng/bộ, trong đó Nhà nước sẽ hỗ trợ 50%, 50% còn lại các trường thực hiện xã hội hóa từ phụ huynh.

Ngần ngại

Kêu gọi xã hội hóa gần 90 tỉ đồng

Theo bảng tổng hợp dự kiến phân bổ nguồn kinh phí mua sắm bộ thiết bị giảng dạy đa chức năng (khối mầm non và tiểu học) của Sở GD-ĐT TP.HCM, toàn TP sẽ trang bị cho 412 trường mầm non 412 bộ, 194 trường tiểu học 582 bộ (một trường ba bộ thiết bị). Tổng kinh phí mua sắm là 179,914 tỉ đồng (mỗi bộ trị giá 181 triệu đồng), trong đó ngân sách sẽ chi 50%, 50% còn lại các trường sẽ thu từ phụ huynh học sinh theo phương thức xã hội hóa với số tiền 89,957 tỉ đồng.

Thế nhưng, ngoài các trường trên địa bàn quận 5 được chỉ đạo thực hiện thí điểm (hầu hết các trường đều đã có bảng tương tác), nhiều trường mầm non ở các quận, huyện khác tỏ ra ngần ngại với việc mua sắm này.

Theo ông Ninh Văn Bình, trưởng Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận: “Thành phố cho Phú Nhuận 42 bảng tương tác (tính chung cả các trường mầm non, tiểu học) nhưng hiện các trường mới chỉ đăng ký 28 bộ. Trong đó, một số trường mầm non đề nghị không nhận vì không có phòng chức năng để sử dụng bảng; số học sinh quá ít, sử dụng bảng sẽ không hiệu quả, đa số phụ huynh thuộc diện khó khăn không thể huy động tiền bạc...”.

Tương tự, ở quận 7, TP “rót” về 44 bộ nhưng các trường chỉ có nhu cầu 23 bộ (trong số 18 trường mầm non chỉ 11 trường nhận bảng tương tác).

Ở quận 3, đến thời điểm này các trường vẫn chưa triển khai huy động phụ huynh đóng góp để mua bảng tương tác vì nhiều lý do.

Mới đây, Phòng GD-ĐT đã thảo công văn xin phép UBND quận để thu với mức 15.000 đồng/tháng/học sinh (thu suốt trong hai năm). Theo một cán bộ Phòng GD-ĐT quận 3: “Mức thu trên sẽ áp dụng ở tất cả các trường, trường nhiều học sinh hay ít học sinh đều thu như nhau thì chương trình mua sắm mới khả thi. Nếu thu cao hơn, không những phụ huynh phản ứng mà ban giám hiệu trường cũng lo ngại”.

Ông Dương Văn Thư, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ, cho biết: “Do đặc thù đa số phụ huynh ở Cần Giờ đều khó khăn nên chúng tôi đã có văn bản trình UBND TP xin phép không thu tiền của phụ huynh. Tuy nhiên, Phòng GD-ĐT huyện đề xuất ưu tiên trang bị bảng tương tác cho các trường tiểu học trước vì bậc học này cần hơn bậc mầm non, chúng tôi chỉ xin hai bộ cho hai trường mầm non và 10 bộ cho trường tiểu học mà thôi”.

Cũng theo ông Thư, ở bậc mầm non nếu cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh cũng tốt. Tuy nhiên, việc dạy bằng bảng tương tác phải tính toán đến lực lượng giáo viên, số học sinh tham gia học tiếng Anh... làm sao khai thác hiệu quả nhất tính năng của bảng tương tác. Một số trường mầm non ở Cần Giờ có nhiều điểm lẻ, nếu trang bị hết cho tất cả trường mầm non (tức chấp nhận để bảng tương tác tại một điểm lẻ nào đó) thì không hiệu quả.

Vì sao?

Theo hiệu trưởng các trường mầm non, bộ thiết bị trên dùng để dạy tiếng Anh. Nhưng hiện môn này là môn học ngoại khóa trong trường mầm non. Phụ huynh nào có nhu cầu thì đóng tiền cho con em học, không thì thôi. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng tổ chức được lớp học tiếng Anh. Nếu tổ chức được, việc sử dụng bảng tương tác để dạy tiếng Anh còn phụ thuộc trình độ, kỹ năng của giáo viên. Như vậy liệu việc trang bị bảng tương tác có cần thiết?

Thêm nữa, trong văn bản của UBND TP, việc mua sắm này không chỉ phục vụ đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp thành phố” mà còn phục vụ đề án “Phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi”. Cũng theo các hiệu trưởng trường mầm non, trong đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015” (của Bộ GD-ĐT), hay văn bản hướng dẫn về danh mục thiết bị dạy học trong trường mầm non (do Bộ GD-ĐT ban hành) không hề nhắc đến bảng tương tác.

Thậm chí một giáo viên giỏi cấp thành phố còn thừa nhận với chúng tôi: “Lâu nay mình chỉ nghe nhắc đến chứ chưa nhìn thấy, chưa biết bảng tương tác ra sao. Nếu nhà trường có trang bị thì phải cho chúng tôi thời gian tập huấn, thực hành một thời gian mới giảng dạy được”.

Mới đây, trong buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với cử tri ngành GD-ĐT TP.HCM, một cán bộ phòng GD-ĐT đã phát biểu: “Việc sử dụng bảng tương tác trong trường tiểu học thì có thể hiểu nhưng ở trường mầm non thì không biết sẽ như thế nào. Cái bảng cao như thế, làm sao học sinh có thể với tới? Có người đã nói vui là phải hạ cái bảng xuống, cho các cháu nằm lên bảng thì mới sử dụng được”.

Ngay như ở quận 5, địa phương trang bị bảng tương tác đầu tiên của TP, bà Võ Ngọc Thu - trưởng Phòng GD-ĐT quận 5 - bày tỏ: “Thời gian đầu, chúng tôi hơi ngần ngại với việc trang bị bảng tương tác cho trường mầm non. Đến khi đi tập huấn mới thấy cần thiết. Ngoài dạy tiếng Anh, giáo viên có thể dùng nó như một phương tiện trực quan sinh động dạy một số bài học ở các môn khác. Tuy nhiên, cũng cần khuyến cáo là không nên lạm dụng vì trẻ mầm non còn phải học qua các giác quan khác như: cầm, nắm, sờ, nếm... chứ không chỉ nghe và nhìn”.

* TS Đặng Trường Sơn(trưởng khoa công nghệ thông tin, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):

Chưa cần dùng bảng tương tác cho trẻ em

Về mặt điện từ, bảng tương tác không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ em, nhưng bản thân bảng tương tác không giống những chiếc bảng vải sử dụng cho máy chiếu bình thường mà hơi có độ bóng, hình ảnh không trung thực nên nhìn lâu ngay cả người lớn cũng sẽ cảm thấy mỏi mắt thì chắc chắn trẻ cũng cảm thấy như vậy. Với bậc học mẫu giáo, và ngay cả tiểu học, trung học cơ sở cũng chưa cần thiết phải sử dụng đến bảng tương tác bởi học sinh chưa thể sử dụng các tính năng của bảng, mặt khác trẻ cũng cần những trải nghiệm thực tế, được tiếp xúc trực tiếp hơn là hình ảnh, âm thanh từ máy móc, trong khi giá trị đầu tư của thiết bị này rất cao nên việc dùng trong trường mầm non là lãng phí.

Đối với giáo viên, ngay cả giáo viên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông không phải ai cũng có thể dùng thành thạo máy tính để soạn giáo án điện tử và sử dụng bảng tương tác. Nếu dùng bảng tương tác chỉ để chiếu những slide chữ hoặc hình minh họa thông thường thì không thể thuyết phục học sinh và tạo hứng thú cho trẻ nhỏ. Với trẻ em, bài giảng phải có phim hoạt hình, âm thanh sinh động mới hấp dẫn trẻ mà trình độ giáo viên hiện nay thì không thể tạo ra được những đoạn phim như thế. Do vậy, đi kèm thiết bị phải có sẵn những phần mềm giáo án điện tử để giáo viên dựa vào đó dạy học.

Mặt khác, cần tránh việc lạm dụng kỹ thuật trong dạy học vì hiện nay, ngay cả ở bậc đại học cũng có tình trạng giáo viên các môn xã hội (như triết học) trong giờ học cũng trình chiếu các slide chỉ đơn thuần là chữ, không thu hút sinh viên mà còn lãng phí thiết bị.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Không nên thu những khoản ngoài quy địnhQuỹ hội phụ huynh là của ai?Thí điểm giám sát thu - chi tiền trường“Lớp học 5 sao”ở Nha TrangQuỹ hội phụ huynh: tìm tiếng nói chungLạm thu: trường “đá bóng” cho ban đại diện

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên