Các bạn trẻ ở Hà Nội mang giấy cũ, pin cũ, vỏ hộp sữa đổi lấy cây xanh - Ảnh: HÀ THANH
Tại đây, nhóm bạn trẻ Green Life (tạm dịch: Sống xanh) tổ chức đợt quyên góp, thu nhận phế liệu, pin cũ đổi lấy cây xanh.
Hơn 20 đứa trẻ đến từ Trung tâm giáo dục và hướng nghiệp True Love (đào tạo hướng nghiệp nghề cho trẻ khuyết tật và rối loạn phổ tự kỷ) hào hứng khoe những cây xanh vừa đổi được tại sự kiện.
Nguyễn Minh Dương (13 tuổi) mang nhiều giấy cũ đến đổi được cây sen đá rất to, đẹp. Dương nói: "Xung quanh nhà mình dòng nước đen sì, mình trồng nhiều cây xanh vì muốn bảo vệ môi trường".
Cô giáo Nguyễn Lan Hương, giáo viên của trung tâm, cho biết hầu hết các bạn trẻ ở trung tâm là trẻ tự kỷ, từ đầu tháng nghe phát động thì các em rất hào hứng, về nhà có ý thức gom phế liệu như giấy, chai lọ để tham gia sự kiện này.
Trên Facebook sự kiện "Đổi giấy lấy cây" thu hút hơn 5.000 lượt quan tâm. "Những hoạt động này rất tuyệt, chúng ta có thể góp một phần bảo vệ môi trường rộng lớn xung quanh mình" - Đỗ Hoàng Diệu Thảo (12 tuổi, Trường THCS Bế Văn Đàn, Hà Nội) chia sẻ.
Dù mới thành lập từ bốn tháng trước nhưng nhóm bạn trẻ Green Life đã tổ chức được năm sự kiện "Đổi giấy lấy cây", trung bình mỗi sự kiện thu được 5 tấn giấy, sách cũ, vỏ hộp sữa, pin cũ, kỷ lục nhất là mới tháng trước thu về 10 tấn.
Bạn Hoàng Quý Bình (24 tuổi, trưởng nhóm Green Life) cho biết số lượng giấy, vỏ hộp sữa, pin cũ sẽ được quy ra "số sao". Theo đó, một sao sẽ tương ứng với 3kg giấy loại, 5 pin cũ hay 10 vỏ hộp sữa. Mọi người mang đến được đổi lấy những cây xanh đáng yêu như sen đá, xương rồng, lưỡi hổ, kim tiền, lá may mắn... có tác dụng hút bức xạ, thanh lọc không khí.
"Thường những mẩu giấy loại, vỏ hộp sữa, pin cũ đều bị bỏ đi, vứt vào thùng rác mà không có phân loại. Chúng tôi tổ chức sự kiện nhằm giúp mọi người biết phân loại rác, cất giữ để đến thứ bảy, chủ nhật cuối cùng của tháng đến với chúng tôi đổi lấy mầm xanh" - Quý Bình cho biết.
Không chỉ tổ chức thu nhận giấy, phế liệu, nhóm bạn trẻ Green Life còn tổ chức phân loại sách cũ, sách giáo khoa xây dựng tủ sách cho trẻ em vùng cao. Tính đến nay, nhóm đã xây dựng được 20 tủ sách ở các điểm trường.
Bên cạnh đó, với số lượng pin cũ thu được, các bạn trẻ sẽ gửi đến cho nhóm dự án "Việt Nam tái chế" để xử lý mức độc hại của pin về bằng 0. Còn với vỏ hộp sữa sẽ được tái chế thành các tấm lợp sinh học.
"Chúng ta lan tỏa "sống xanh" từ những việc nhỏ nhất, sống xanh phải thay đổi từ suy nghĩ đến hành động, từ hành động nhỏ như phân loại rác mang đi tái chế, để hiểu rác không là phế phẩm mà trở thành tài nguyên" - Quý Bình nói thêm.
Tham gia dự án này hầu hết đều là các bạn trẻ, sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội. Mỗi sự kiện diễn ra có 50-70 cộng tác viên cùng nhau phân loại, thu gom phế liệu, có bạn hướng dẫn người đến tham gia cách thức trồng, chăm sóc cây xanh. Mỗi người một việc nhưng cùng hướng đến mục đích là chung tay bảo vệ môi trường.
Không chỉ vậy, nhóm bạn trẻ còn hướng đến "sống xanh" bằng cách ra đường không xin thêm túi nilông, mang ly cá nhân mua nước giải khát, trồng nhiều cây xanh và đặc biệt truyền thông lan tỏa đến gia đình, bạn bè "dù chỉ bớt một cọng rác thôi cũng ý nghĩa".
Hoạt động này còn nhận được sự ủng hộ của những người lớn tuổi. Cùng con gái đến đổi giấy lấy cây, bà Phan Thị Huệ (60 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) không ngớt lời khen ngợi hành động của các bạn trẻ.
"Hoạt động ý nghĩa lắm, giúp môi trường trong sạch hơn. Nhà có nhiều giấy loại, pin cũ nhưng trước đây đều vứt rác hay cho các cô đồng nát, nay được đổi lấy cây xanh thì thật hay, tôi thích trồng nhiều cây xanh trong nhà" - bà Huệ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận