Đồ họa: NGỌC THÀNH
Mỹ vẫn là nước đứng đầu về số ca nhiễm virus với hơn 6,2 triệu người mắc COVID-19. Kế tiếp là Brazil (gần 4 triệu ca), Ấn Độ (hơn 3,7 triệu ca) và Nga (hơn 1 triệu ca).
WHO: Châu Âu có thể sống chung với COVID-19
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge ngày 1-9 cho biết khu vực này có thể chung sống với đại dịch COVID-19 mà không cần có vắcxin, nhờ vào kiểm soát dịch bằng các biện pháp phong tỏa cục bộ, theo Reuters.
Ông Kluge cũng bày tỏ hi vọng châu Âu không phải áp đặt hàng loạt biện pháp phong tỏa, đặc biệt là phong tỏa cấp quốc gia, trong những tháng tới để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Theo trang worldometers.info, châu Âu hiện có hơn 3,6 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 2 triệu người đã khỏi bệnh và hơn 208.000 người không qua khỏi.
Nhân viên y tế hướng dẫn các sinh viên và nhân viên trường ĐH New York đến khu vực xét nghiệm COVID-19 ngày 18-8-2020 trước khi quay trở lại trường học - Ảnh: REUTERS
Pháp ngày 1-9 ghi nhận thêm gần 5.000 ca nhiễm mới, nâng tổng ca nhiễm trên toàn quốc lên hơn 286.000 ca trong bối cảnh học sinh bắt đầu quay trở lại trường học sau 5 tháng ở nhà vì dịch bệnh.
Mỹ bác lo ngại của WHO về việc đẩy nhanh sản xuất vắcxin
Trong khi đó, hệ thống trường công tại thành phố New York (Mỹ) ngày 1-9 đã đạt được thỏa thuận với các lãnh đạo công đoàn sau khi họ bày tỏ lo ngại cho an toàn của sinh viên và nhân viên giảng dạy của các trường khi mở cửa trở lại. Theo Reuters, hệ thống trường công New York đã đồng ý với các lãnh đạo công đoàn là sẽ dời ngày nhập học thêm 11 ngày nữa, tức sẽ khai giảng vào 21-9.
Mặt khác, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ các quan chức y tế Mỹ ngày 1-9 cho biết nhân viên y tế và những người ở tuyến đầu chống dịch có nguy cơ phơi nhiễm với virus corona nên được ưu tiên tiêm vắcxin.
Trước đó, chính phủ Washington thông báo có thể có vắcxin COVID-19 vào cuối năm nay và có thể có sớm hơn để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, theo Reuters.
Nhà Trắng ngày 1-9 cũng bác bỏ những lo ngại của WHO liên quan đến việc Mỹ có thể đẩy nhanh sản xuất vắcxin COVID-19 để sử dụng khẩn cấp mà không cần chờ hoàn tất các thử nghiệm giai đoạn 3.
"Mỹ sẽ tiếp tục làm việc cùng các đối tác quốc tế của chúng tôi để đảm bảo chúng ta sẽ đánh bại con virus này, nhưng chúng tôi sẽ không chịu ảnh hưởng từ các tổ chức đa phương bị ảnh hưởng bởi tổ chức tham nhũng WHO và Trung Quốc" - phát ngôn viên Judd Deere của Nhà Trắng tuyên bố.
Tuy nhiên, ông Deere khẳng định tổng thống Donald Trump sẽ không tiếc tiền để đảm bảo rằng bất kỳ loại vắcxin mới nào cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn vàng của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).
Đồ họa: NGỌC THÀNH
WHO ngày 31-8 từng cảnh báo việc đẩy quá nhanh quá trình sản xuất vắcxin có thể tạo ra các rủi ro về tính hiệu quả.
Indonesia sẽ sản xuất vắcxin được phát triển trong nước
Indonesia ngày 1-9 cho biết nước này đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất vắcxin COVID-19 được phát triển trong nước vào giữa năm 2021. Tổng thống Joko Widodo nói rằng quá trình phát triển vắcxin COVID-19 tiềm năng đã hoàn tất được hơn 1/4 chặng đường, và hi vọng các thử nghiệm lâm sàng có thể bắt đầu vào đầu năm 2021. Vắcxin do Indonesia phát triển có tên là Merah Putih, đặt tên theo màu quốc kỳ đỏ và trắng của nước này, theo AFP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận