Đồ họa: VIỆT THÁI
Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online bất ngờ lẫn xúc động với thông tin các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cấp cứu thành công một bệnh nhân bị ngộ độc rượu nặng bằng cách truyền liên tục 15 lon bia vào cơ thể.
"Một sáng kiến y khoa có cơ sở khoa học tuyệt vời chắc chắn sẽ cứu được nhiều người! Hoan hô tập thể các bác sĩ bệnh viện Quảng Trị" (bạn đọc Phan Văn Bình), "Phát minh từ thực tế, kiểm nghiệm bằng thực tế, không có gì thuyết phục hơn. Tuyệt vời bác sĩ Việt Nam!" (bạn đọc Thanh Hoa), "Con người sống lại là quý rồi, nên tiếp tục nghiên cứu! Xin chúc mừng, và xin cảm ơn sự tận tình của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện" (bạn đọc Ngoc Huynh)...
Xúc động trước cái tâm bác sĩ, bạn đọc Quang Vinh Nguyễn viết: "Bác sĩ đã xử lý có cơ sở khoa học, có hiệu quả thực tế. Không thể thấy chết không cứu khi mình biết có khả năng cứu được, đó mới là cái tâm của thầy thuốc".
Bạn đọc cũng đề nghị nghiên cứu kỹ hơn về tính khoa học của phương pháp điều trị trên và phổ biến rộng rãi (bạn đọc Hien Huynh Trong).
"Một sáng kiến, phương pháp đơn giản mà hiệu quả, cần thưởng cho người có ý tưởng này", bạn đọc Hoa Hong Gai Vu đề xuất.
Tuy nhiên cũng có bạn đọc thận trọng "vì thời gian khá dài khiến bệnh nhân có thể nguy hiểm tính mạng" (bạn đọc Thắng Nguyễn), ngoài ra còn phải biết đó là loại bia gì, bia thật hay giả (bạn đọc Thuong Nguyen)...
Trên hết, bạn đọc mong muốn sớm có bài nghiên cứu với cơ sở khoa học đầy đủ để ứng dụng trong việc cứu chữa cho người bệnh.
Chuyên gia nói gì?
Theo Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu - chống độc Nguyễn Gia Bình, về mặt nguyên lý, sử dụng bia để giải độc rượu methanol là cách làm không có gì lạ. Ngộ độc rượu chứa methanol gây tổn thương tim, gan, thận, mắt… bệnh nhân, cần phải lọc máu để lấy methanol ra.
"Đây là quyết định đáng khen ngợi, do trong tình huống cấp thiết không kịp chuyển bệnh nhân đi các bệnh viện có điều kiện xét nghiệm chẩn đoán, các bác sĩ đã quyết định áp dụng biện pháp này. Biện pháp này tuy không lạ nhưng như tôi cũng chưa bao giờ áp dụng, và quan trọng là kết quả cứu được bệnh nhân" - ông Bình cho biết.
TS.BS Huỳnh Văn Ân, trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, kiêm phó chủ tịch Hội hồi sức tích cực chống độc TP.HCM, nói việc dùng Ethanol trong bia để điều trị có thể nói là lần đầu tiên được sử dụng ở nước ta.
"Đó là một sáng tạo của bệnh viện và tôi tin để đi đến sáng tạo này họ đã có sự vận dụng lý luận của họ..." - bác sĩ Ân khẳng định và nói thêm cần nhận thức là chỉ khi ngộ độc Methanol mới điều trị bằng Ethanol, còn say rượu bình thường thì tuyệt đối không được sử dụng Ethanol.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận