11/01/2019 05:55 GMT+7

Bộ Y tế: Chữa ngộ độc rượu bằng rượu là phương pháp đã được công nhận

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Các bác sĩ ở Quảng Trị cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu nặng bằng 15 lon bia đang gây sốc cho cộng đồng, nhưng Bộ Y tế cho biết đây không phải là chuyện lạ mà phương pháp này đã được công nhận.

Bộ Y tế: Chữa ngộ độc rượu bằng rượu là phương pháp đã được công nhận - Ảnh 1.

Bệnh nhân bị ngộc độc rượu khi đang điều trị tại Bệnh viện (ảnh tư liệu Tuổi Trẻ)

Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế thông tin rằng trong hướng dẫn xử trí ngộ độc (ban hành năm 2015), hướng dẫn có thể dùng ethanol (rượu uống) để giải độc cho người ngộ độc rượu.

Theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn trường hợp bệnh nhân uống rượu chứa methanol (cồn công nghiệp), bị ngộ độc với các tiêu chuẩn như nồng độ methanol trên 20 mg/dl, nhiễm toan chuyển hóa không giải thích được nguyên nhân thì có thể dùng ethanol trong thời gian chờ đợi lọc máu hoặc đang được lọc máu.

Trong số đó, ethanol hiệu quả, rẻ tiền nhưng có tác dụng phụ (tác dụng phụ lên thần kinh trung ương, hạ đường huyết, rối loạn điện giải), nhưng có thể sử dụng ethanol đường uống (tương tự cách dùng ở Quảng Trị) hoặc ethanol đường tĩnh mạch.

Nếu sử dụng ethanol đường uống, Bộ Y tế hướng dẫn có thể dùng rượu uống (chọn loại an toàn, có ghi rõ độ cồn) pha nồng độ 20% (1 ml chứa 0,16 gr ethanol) và cho liều ban đầu 4ml/kg để uống hoặc nhỏ giọt vào sonde dạ dày, khi uống có thể pha thêm đường hoặc nước quả. 

Sau liều ban đầu này có thể cho uống liều duy trì, bằng khoảng 1/10 liều ban đầu đồng thời theo dõi đến khi bệnh nhân đạt các tiêu chuẩn an toàn.

Theo Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu - chống độc Nguyễn Gia Bình, trong cái khó về điều kiện chẩn đoán, cách làm của các bác sĩ ở Quảng Trị "truyền" 15 lon bia để giải ngộ độc rượu cho bệnh nhân là rất đáng khen. 

"Về mặt nguyên lý, sử dụng bia để giải độc rượu methanol là cách làm không có gì lạ. Ngộ độc rượu chứa methanol gây tổn thương tim, gan, thận, mắt… bệnh nhân, cần phải lọc máu để lấy methanol ra"- ông Bình nói.

Tuy nhiên, trong trường hợp không kịp lọc máu hoặc cần phải chờ đợi thì có thể tạo một cuộc "tranh chấp": đưa thêm ethanol vào cơ thể qua đường uống. "Khi đó gan sẽ ưu tiên chuyển hóa ethanol và thời gian ưu tiên đó bác sĩ sẽ lọc máu để lấy methanol và cứu bệnh nhân" - ông Bình chia sẻ.

Trong tình huống ở Quảng Trị, bác sĩ đã dùng bia để tạo cuộc "tranh chấp", do hàm lượng cồn ethanol trong bia là 4,5% nên cần số lượng nhiều để phù hợp với chỉ định, vì vậy bác sĩ đã truyền 15 lon bia theo đường uống cho bệnh nhân.

"Đây là quyết định đáng khen ngợi, do trong tình huống cấp thiết không kịp chuyển bệnh nhân đi các bệnh viện có điều kiện xét nghiệm chẩn đoán, các bác sĩ đã quyết định áp dụng biện pháp này. Biện pháp này tuy không lạ nhưng như tôi cũng chưa bao giờ áp dụng, và quan trọng là kết quả cứu được bệnh nhân"- ông Bình cho biết.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên