23/05/2024 16:32 GMT+7

Ban đêm nóng bức làm tăng nguy cơ đột quỵ

Theo trang Neuroscience, một nghiên cứu mới cho thấy mối liên hệ đáng kể giữa nhiệt độ ban đêm nóng bức và nguy cơ đột quỵ gia tăng, đặc biệt ở người già và phụ nữ.

Nhiệt độ cao vào ban đêm gây nguy hiểm cho sức khỏe - Ảnh: Getty

Nhiệt độ cao vào ban đêm gây nguy hiểm cho sức khỏe - Ảnh: Getty

Nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của các chiến lược thích ứng và điều chỉnh quy hoạch đô thị, nhằm giảm thiểu tác động của nhiệt độ ban đêm tăng lên đối với sức khỏe cộng đồng, đồng thời chỉ ra nguy cơ đột quỵ liên quan đến sự nóng bức.

11.000 ca đột quỵ trong 15 năm

Biến đổi khí hậu đang dẫn đến ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Chúng bao gồm những đêm cực kỳ nóng, được gọi là đêm nhiệt đới.

Nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Alexandra Schneider dẫn đầu đã điều tra ảnh hưởng của nhiệt độ ban đêm đến nguy cơ đột quỵ. Ông Schneider là người đứng đầu nhóm làm việc về rủi ro môi trường tại Trung tâm Helmholtz Munich.

"Chúng tôi muốn hiểu mức độ mà nhiệt độ cao vào ban đêm gây nguy hiểm cho sức khỏe. Điều này rất quan trọng vì biến đổi khí hậu đang khiến nhiệt độ ban đêm tăng nhanh hơn nhiều so với nhiệt độ ban ngày", ông nói.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ Bệnh viện Đại học Augsburg. Khoa thần kinh học tại bệnh viện này đã thu thập dữ liệu về khoảng 11.000 ca đột quỵ trong 15 năm. Phân tích cho thấy nhiệt độ cực cao vào ban đêm làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 7%.

Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Cheng He, nói rằng người cao tuổi và phụ nữ đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh, chủ yếu là đột quỵ với các triệu chứng nhẹ được chẩn đoán tại phòng khám sau những đêm nắng nóng.

"Kết quả nghiên cứu cho thấy rõ rằng những điều chỉnh trong quy hoạch đô thị và hệ thống chăm sóc sức khỏe là cực kỳ quan trọng để giảm thiểu rủi ro do nhiệt độ ban đêm tăng cao.

Điều này càng đúng hơn khi nguy cơ đột quỵ liên quan đến nhiệt độ ban đêm cao đã tăng đáng kể trong giai đoạn 2013 đến 2020, so với giai đoạn 2006 đến 2012", giáo sư Michael Ertl, người đứng đầu đơn vị đột quỵ và nhóm làm việc về thần kinh mạch máu tại Bệnh viện Đại học Augsburg, nhấn mạnh.

Từ năm 2006 đến năm 2012, những đêm nắng nóng đã gây ra thêm hai cơn đột quỵ mỗi năm ở khu vực nghiên cứu. Trong khi đó, từ năm 2013 đến năm 2020, mỗi năm có thêm 33 trường hợp.

Chiến lược thích ứng và quy hoạch đô thị

Các nhà nghiên cứu có kế hoạch áp dụng những phát hiện của họ trong môi trường thực tế. Để đạt được mục tiêu này, họ đang nghiên cứu các khuyến nghị về chiến lược thích ứng công cộng và quy hoạch đô thị, chẳng hạn như giảm cường độ đảo nhiệt đô thị.

Mục đích của việc này nhằm bảo vệ người dân tốt hơn khỏi tác động của nắng nóng vào ban đêm. Nghiên cứu cũng sẽ làm cơ sở cho các nghiên cứu sâu hơn để phát triển các biện pháp phòng ngừa, giúp chống lại các yếu tố thúc đẩy đột quỵ.

Tiến sĩ Alexandra Schneider cho biết: "Các biện pháp phòng ngừa được thực hiện càng sớm sẽ càng tốt. Kết quả nghiên cứu cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với các bệnh viện. Họ sẽ có thể thích ứng tốt hơn với tần suất đột quỵ trong tương lai. Nếu dự báo thời tiết nói rằng sẽ có một đêm nắng nóng, có thể dự đoán có nhiều trường hợp đến phòng khám hơn".

Điều này cho phép các phòng khám cung cấp thêm nhân viên để chăm sóc bệnh nhân như một biện pháp phòng ngừa, giáo sư Markus Naumann, giám đốc Bệnh viện Đại học Thần kinh ở Augsburg, giải thích.

Đêm nhiệt đới là gì?

"Đêm nhiệt đới" được xác định bằng cách sử dụng khái niệm "Hot Night Excess Index" (HNE, tạm dịch: Chỉ số Đêm nóng vượt mức). Chỉ số này đo mức độ nhiệt độ tăng lên trên một giá trị ngưỡng nhất định vào ban đêm. Giá trị ngưỡng là nhiệt độ chỉ vượt quá 5% những đêm ấm nhất trong toàn bộ thời gian nghiên cứu.

Trong nghiên cứu, giá trị này là 14,6 độ C. Nếu nhiệt độ tăng lên trên giá trị này vào ban đêm thì đây được coi là đêm nhiệt đới. Chỉ số HNE tính tổng nhiệt độ cao hơn ngưỡng này vào ban đêm nhằm xác định cường độ nóng bức.

Đang khỏe mạnh có thể đột quỵ vì rung nhĩĐang khỏe mạnh có thể đột quỵ vì rung nhĩ

Khoảng 25% đột quỵ do rung nhĩ. Rung nhĩ không chỉ làm tăng 5 lần nguy cơ đột quỵ mà còn gây rối loạn huyết động, các biến cố tắc mạch, suy tim và tử vong... Bệnh không chỉ gặp ở người già mà đang xuất hiện ở cả người trẻ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên