16/10/2022 06:13 GMT+7

Bàn chuyện tập hợp, chuyển đổi số của Đoàn

K.ANH - C.TRIỆU - B.MINH
K.ANH - C.TRIỆU - B.MINH

TTO - Thảo luận tại các tổ ngay sau phiên khai mạc Đại hội Đoàn TP.HCM lần thứ XI ngày 15-10, nhiều ý kiến đã gợi mở để Đoàn cùng nhịp với người trẻ trong chặng đường phía trước với nhiều thời cơ nhưng không thiếu thách thức.

Bàn chuyện tập hợp, chuyển đổi số của Đoàn - Ảnh 1.

Đại biểu biểu quyết các nội dung, chương trình làm việc của đại hội - Ảnh: HỮU HẠNH

"Cần thêm các cơ chế, kế hoạch, đề án hoặc chương trình giúp Đoàn cơ sở nắm rõ các phương thức thực hiện chuyển đổi số, các kỹ năng mà đoàn viên cần được trang bị để tăng năng lực số. Đồng thời tạo điều kiện để thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo trong lực lượng trẻ", anh Đặng Hiếu - bí thư Quận Đoàn 11 - nói.

Để Đoàn đi cùng nhịp sống giới trẻ 

Anh Trương Văn An (Ban cán sự Đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM) nêu thực tế sinh viên tại các trường đại học ngoài công lập khá nhiều và chúng ta vẫn chưa kết tập được. Theo anh An, nếu không tăng tốc sẽ khó đuổi kịp vì việc tập hợp sinh viên khu vực này rất khó.

"Nếu chưa thành lập được tổ chức Đoàn thì nên có hội sinh viên. Tăng cường chuyển đổi số trong công tác Đoàn, bổ sung hình thức sinh hoạt chi đoàn trực tuyến vì học theo tín chỉ sinh viên cùng lớp ít gặp nhau", anh An nói.

Anh An cũng đề xuất cần có cơ chế từ cấp ủy Đảng hỗ trợ công tác Đoàn ở các đơn vị không có cán bộ Đoàn chuyên trách về thời gian, cơ chế tham gia. Còn bạn Nguyễn Thành Hiếu (Trường ĐH Hoa Sen) mong muốn được hỗ trợ thêm hoạt động giúp tập hợp thanh niên, tăng cường hoạt động Đoàn tại các trường ngoài công lập.

Chị Phạm Hồng Ngọc (Đoàn cơ quan ĐH Quốc gia TP.HCM) nói các bạn đoàn viên thanh niên hiện nay, đặc biệt sinh viên phần lớn thế hệ gen Z (những người được sinh ra trong khoảng 1997 - 2012), sắp tới là gen Alpha. Do đó, cần thiết phải định hướng lại và bổ sung những quan điểm, góc nhìn, nghiên cứu sâu và quan tâm thêm về những đặc tính của thế hệ mới này, từ đó có sự điều chỉnh trong công tác Đoàn sao cho hiệu quả hơn, tập hợp thanh niên tốt hơn", chị Ngọc nói.

Anh Nguyễn Thái Tân (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) gợi mở chuyển đổi số phải được ứng dụng ngay trong công tác Đoàn. Cụ thể là hệ thống quản lý đoàn viên, số hóa thẻ đoàn, sổ đoàn... bởi thực tế hiện nay khi quản lý và chuyển sinh hoạt Đoàn gặp khó khăn trong chuyện sổ sách, giấy tờ.

Bàn chuyện tập hợp, chuyển đổi số của Đoàn - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Hồng Ngọc (Đoàn cơ quan ĐH Quốc gia TP.HCM) phát biểu tại tổ thảo luận - Ảnh: Q.ĐỊNH

Vấn đề sát sườn cuộc sống

Các ý kiến khác đề xuất có thêm các chương trình đồng hành, gắn hoạt động của Thành Đoàn TP.HCM với các sở, ngành và UBND các quận huyện nhằm thúc đẩy các giải pháp xung kích thực hiện nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng mong có thêm nhiều hoạt động giáo dục tuổi trẻ về trách nhiệm tham gia bảo vệ biển đảo, thêm chính sách thu hút tổng phụ trách Đội và hỗ trợ cán bộ Đoàn trường khi phải kiêm nhiệm nhiều công tác cùng lúc.

Anh Nguyễn Minh Tiến (Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM) muốn Đoàn phải làm tốt việc giáo dục pháp luật cho thanh thiếu nhi bởi thực tế độ tuổi thanh thiếu niên chiếm 30% tổng số vụ tai nạn giao thông. Các bạn đều thống nhất nhiệm kỳ vừa qua Đoàn đã làm rất thành công các chương trình, hoạt động hỗ trợ thanh niên, đặc biệt trong lập thân lập nghiệp.

Tuy nhiên, trong giai đoạn bình thường mới hậu COVID-19, nhiều câu chuyện cần được nhìn nhận một cách thấu đáo, chẳng hạn như vấn đề an sinh xã hội, nhà ở, chính sách tài chính cho cán bộ trẻ, công nhân, viên chức còn khá nhiều hạn chế. Chị Hà Linh Chi (Quận Đoàn Gò Vấp) đề nghị đầu tư mạnh hơn đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Trong đó, việc trợ vốn và hướng nghiệp nên làm mạnh hơn, giúp thanh niên có việc làm, mạnh dạn khởi nghiệp.

Chị Bùi Thị Như Ngọc (Quận Đoàn Bình Thạnh) chia sẻ khi thực hiện cuộc vận động "Người dân không xả rác ra đường và trên kênh rạch vì TP sạch và giảm ngập nước" của Thành ủy TP.HCM, Đoàn đã phối hợp nhiều đơn vị cùng tham gia việc bảo vệ môi trường, thuyết phục và lan tỏa trong cộng đồng để mọi người cùng đồng thuận, không xả rác. "Con sông Sài Gòn trở thành niềm tự hào của người dân TP. Nhiều đoạn chảy qua quận nên việc xây dựng, phát triển cảnh quan sẽ tạo giá trị tinh thần và kinh tế cho quận", chị Như Ngọc cho biết.

Cán bộ trẻ làm trung tâm cải cách hành chính

Trăn trở cùng câu chuyện để cán bộ, công chức, viên chức trẻ tham gia hiệu quả hơn nữa chương trình cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, anh Nguyễn Trường Giang (Đoàn khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM) nói phong trào "3 trách nhiệm" vẫn phải là xương sống của hoạt động Đoàn khu vực này.

Anh Giang cho rằng cần tăng hàm lượng chuyên môn trong quá trình thực hiện phong trào "3 trách nhiệm" và Đoàn phải nhận lãnh những việc khó tại đơn vị. Song song đó, thiết kế các nội dung sao cho sự phối hợp giữa các cơ sở Đoàn của các sở, ban, ngành và khu vực địa bàn dân cư để có thể đi sâu vào đời sống người dân TP. "Thiết kế "3 trách nhiệm" cần lấy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ làm trung tâm, đầu tư nâng cao năng lực phục vụ người dân", anh Giang đề xuất.

Chăm sóc đời sống tinh thần bạn trẻ

Anh Lê Hảo (trợ lý thanh niên Bộ tư lệnh TP.HCM) nói Đoàn cần phát huy vai trò của thanh niên trong đảm bảo an ninh phi truyền thống, phản bác thông tin không chính thống trên không gian mạng. "Cần nhiều hoạt động trang bị kỹ năng cho bạn trẻ nhận diện những thông tin xấu, độc trên mạng và xử lý trước các thông tin này" - anh Hảo nêu ý kiến.

Ở góc nhìn khác, anh Nguyễn Khánh Tùng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) kiến nghị Đoàn quan tâm đến không gian tham vấn tâm lý cho các bạn trẻ trên địa bàn TP. "Nên gắn chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần với các chi đoàn, chi hội hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho các bạn trẻ nhất là sau dịch COVID-19. Chúng ta có thể ghi nhận ý kiến và hộp thư tâm lý thông qua nền tảng số mà Đoàn đang có sẵn" - anh Tùng phát biểu.

* Đại hội số "trình làng" nhiều công nghệ

DIEM DANH BANG MAT1 1(Read-Only)

Điểm danh đại biểu bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt, chính xác và nhanh gọn - Ảnh: Q.ĐỊNH

Đại hội Đoàn TP.HCM lần thứ XI "trình làng" khá nhiều ứng dụng, nền tảng công nghệ hiện đại và trở thành điểm thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Đầu tiên là ứng dựng "Tuổi trẻ thành phố Bác". Ứng dụng này đã được sử dụng trong khâu tổ chức đại hội từ cấp cơ sở tới cấp thành.

Với khá nhiều tính năng và tiện ích, ứng dụng giúp cập nhật tin tức nhanh gọn cùng các công cụ hỗ trợ việc tổ chức đại hội. Xa hơn, ứng dụng này được kỳ vọng sẽ thực hiện hiệu quả việc quản lý dữ liệu đoàn viên của TP. Công nghệ nhận diện khuôn mặt hoàn toàn tự động cũng là điểm thú vị với đại biểu, giúp thủ tục điểm danh được thực hiện một cách tiện lợi và chính xác.

Đặc biệt, triển lãm ứng dụng công nghệ kính thực tế ảo VR và công nghệ Hologram 3D làm cho việc trưng bày, trình diễn các không gian gắn với lịch sử hình thành và phát triển của tổ chức Đoàn tại TP.HCM và kết quả công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi TP bắt mắt, sinh động, thu hút sự quan tâm và tham gia trải nghiệm của đại biểu.

* "Mắt thần" đếm phiếu bầu cử

thung phieu dien tu1 1(Read-Only)

Thùng phiếu điện tử mang lại cảm giác hiện đại, thích thú cho đại biểu khi bỏ phiếu - Ảnh: Q.NG.

Thùng phiếu điện tử được dùng trong bầu cử tại Đại hội Đoàn TP.HCM lần thứ XI. Với "mắt thần" được thiết kế bên trong thùng phiếu, mọi lá phiếu khi đi qua đều được đếm hoàn toàn tự động và được kết nối hiển thị số phiếu được đếm trên màn hình để cho kết quả chính xác.

Đại biểu Nguyễn Thanh Tâm (Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM) cho biết khá hào hứng khi biết sẽ bỏ phiếu vào thùng phiếu tự động. Theo chị Tâm, việc sử dụng thùng phiếu điện tử mang lại cảm giác lạ lẫm nhưng cũng tạo điều kiện cho các đại biểu được trải nghiệm nhiều nền tảng công nghệ mới.

Đồng thời mang lại sự tiện lợi, nhanh chóng, cảm giác ứng dụng công nghệ hiện đại trong ngày hội lớn của tuổi trẻ TP.HCM. "Công nghệ sẽ giải quyết các vấn đề về thông tin và độ chính xác, là dịp để các đại biểu được trải nghiệm công nghệ và đặc biệt là sự tiện lợi trong khâu đếm phiếu", chị Thanh Tâm nhấn mạnh.

Đây là sản phẩm được chính các sinh viên TP.HCM nghiên cứu, ứng dụng chuyên môn và hoàn thiện sản phẩm. Trước đại hội cấp thành, một số đơn vị khi tổ chức đại hội cũng đã dùng thùng phiếu điện tử này.

CÔNG TRIỆU

Chị Phan Thị Thanh Phương tái đắc cử bí thư Thành Đoàn TP.HCM Chị Phan Thị Thanh Phương tái đắc cử bí thư Thành Đoàn TP.HCM

TTO - Chị Phan Thị Thanh Phương, bí thư Thành Đoàn khóa X, đã được bầu tái đắc cử bí thư Thành Đoàn TP.HCM khóa XI (nhiệm kỳ 2022-2027) tại hội nghị Ban chấp hành lần thứ nhất trưa 15-10.

K.ANH - C.TRIỆU - B.MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên