23/03/2014 06:00 GMT+7

Bài toán khó cho ngành đường sắt

 V.SỰ - T.PHÙNG - T.LỘC
 V.SỰ - T.PHÙNG - T.LỘC

TT - Không chỉ người dân và khách đi tàu, những cán bộ ngành đường sắt đang phục vụ năm đôi tàu chợ này đều bày tỏ mong muốn tàu sẽ tiếp tục chạy.

NoSdCI5z.jpgPhóng to
Vào ngày thấp điểm, nhiều toa tàu trên tuyến Huế - Đồng Hới trống trơn khi vừa rời ga Huế - Ảnh: Thái Lộc

Nhưng giữa mong muốn và thực tế có một khoảng cách không nhỏ là những khoản lỗ cứ mỗi năm mỗi tăng của những đoàn tàu chợ này.

Càng chạy càng lỗ

Ông Nguyễn Ngọc Lễ, giám đốc Xí nghiệp Đường sắt Quảng Bình: “Nếu muốn bỏ tàu thì chỉ cần một quyết định, một công văn là bỏ được. Nhưng cái lợi của tàu chợ với những vùng cư dân hẻo lánh mang lại bấy lâu nay thì không thể đong đếm đơn giản bằng những văn bản được. Đường sắt từ xưa đến nay vốn vẫn mang tính chất phục vụ an sinh xã hội. Và khi ngừng phục vụ phải cân nhắc rất kỹ đến đời sống của người dân bị ảnh hưởng ra sao, có phương án gì bù đắp, thay thế hay chưa...”.

Từ ga Kép (Bắc Giang), chúng tôi lên chuyến tàu chợ Yên Viên - Hạ Long khi tàu đã chạy được một phần ba chặng đường. Hai toa hàng phía sau tàu chất đầy bắp cải, su hào, gà vịt...

Tàu lăn bánh, ông Vũ Ngọc Vân, đội trưởng đội phục vụ của tàu như một anh lơ xe, tìm đến từng hành khách tay thu vé, tay thu tiền lẻ như đi xe đò.

Tàu rời ga Kép, ông Vân nhẩm tính mới được gần 1,5 triệu đồng tiền vé. Ông nói những hành khách lên tàu không có vé hoặc mang hàng hóa quá nhiều phải phạt tiền vé hoặc tiền cước.

“Nhưng nông dân người ta mang mấy chục bó mồng tơi, vài cặp gà, cặp ngan đi bán nên chúng tôi chỉ thu cước cho có quy định” - ông Vân nói.

Qua ga Lan Mẫu, Bảo Sơn... những ga xép nằm sâu trong vùng chiêm khê mùa thối của Bắc Giang, lại thêm mấy chục sọt rau và hơn 20 con ngan cùng vài nông dân nữa lên tàu.

Ông Vân lại đem tiền và vé ra kiểm để kết sổ vì từ đây về đến những ga cuối ở Uông Bí, Hạ Long, tàu gần như chỉ trả mà không đón khách nữa. Gom tất tật cả vé lẫn tiền cước thu trên tàu, ông Vân kết sổ: “Được 2,2 triệu đồng!”.

Chúng tôi nghe mà cứ tưởng nhầm, bởi đó là doanh thu của một đoàn tàu tám toa xe, chạy trên tuyến đường 164km và dừng trả đón khách ở 19 ga tại năm tỉnh, thành phố.

Cũng như những chuyến tàu chợ đi dọc các tỉnh từ Huế đến Nghệ An, tàu chợ Yên Viên - Hạ Long là phương tiện giao thông công cộng rẻ tiền cho nông dân vùng đồng chiêm trũng như Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang, Việt Yên của Bắc Giang.

Trong công văn của UBND tỉnh Bắc Giang gửi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vào tháng 10-2013, tỉnh này đã khẩn thiết đề nghị không dừng đôi tàu chợ Yên Viên - Hạ Long để nông dân những huyện này có đường đưa nông sản đi tiêu thụ.

Nhưng giữa mong muốn và thực tế có một khoảng cách xa đến... 20 lần - đó chính là tỉ lệ chênh lệch giữa doanh thu và chi phí của đoàn tàu.

Theo thống kê của Tổng công ty ĐSVN, trong hai năm 2011 và 2012 doanh số bán vé của đôi tàu Yên Viên - Hạ Long chỉ đủ bù 5% chi phí để duy trì hoạt động. Năm 2011 đôi tàu này lỗ 19,5 tỉ đồng, còn năm 2012 lỗ 23,5 tỉ đồng.

Câu chuyện thua lỗ của những đoàn tàu chợ không chỉ dừng lại ở đoàn tàu Yên Viên - Hạ Long, mà tất cả các đôi tàu chợ đang hoạt động đều thua lỗ trầm trọng.

Làm ăn “khá” nhất là tàu chợ Huế - Đồng Hới cũng chỉ bù lỗ được... 22% chi phí, năm 2012 đôi tàu này lỗ trên 17 tỉ đồng. Tuyến Vinh - Đồng Hới còn lỗ nặng hơn, lên tới trên 22 tỉ đồng vào năm 2012.

Và tổng cộng cả năm đôi tàu chợ này năm 2012 ngành đường sắt đã lỗ trên 92 tỉ đồng. Năm 2013, cho dù chưa có con số tổng kết nhưng ĐSVN ước đoán con số lỗ sẽ còn vượt cả năm 2012 vì chi phí xăng dầu, nhân công đều tăng nhưng hành khách và giá vé vẫn như cũ.

tozrKNmz.jpgPhóng to
Rất nhiều hàng hóa được chuyển lên tàu Yên Viên - Hạ Long từ ga Lan Mẫu (Lục Nam, Bắc Giang), nhưng cả chuyến tàu trong ảnh nếu chạy suốt tuyến cũng chỉ thu được 2,2 triệu đồng tiền vé - Ảnh: Viễn Sự

Số phận tàu chợ vẫn lửng lơ

Cho đến thời điểm này vẫn chưa có phương án nào được quyết định về số phận của những đôi tàu chợ.

Ông Trần Ngọc Thành - chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN, cho biết ngoài các địa phương đều đã có ý kiến đề nghị không dừng chạy tàu, thậm chí UBND Lạng Sơn còn đề nghị tăng cường chạy thêm tàu.

Tuy nhiên, ông Thành thừa nhận: “Đây là bài toán rất khó cho ĐSVN”. Nếu bỏ các đoàn tàu chợ này thì hiệu quả kinh doanh của ĐSVN cao hơn.

Nhưng đây là những chuyến tàu phục vụ người nghèo. Đường sắt ngoài mục tiêu kinh doanh còn đảm bảo an sinh xã hội nên rất nhiều năm qua ĐSVN vẫn phải bù đắp.

Ông Thành cho biết ĐSVN vẫn sẽ tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả năm đôi tàu này trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng của cấp trên.

“Nhưng thật ra nâng cấp cũng không hiệu quả vì nhiều vấn đề như do lưu lượng đi lại thấp, đường bộ phát triển. Chúng tôi vẫn đang chờ ý kiến của Chính phủ và Bộ GTVT về việc sẽ trợ giá để chạy tiếp hoặc dừng hẳn những tuyến đường kinh doanh không hiệu quả” - ông Thành nói.

Lý giải rõ hơn, ông Nguyễn Hữu Tuyên - trưởng Ban Kinh doanh vận tải Tổng công ty ĐSVN, nói dù giá vé các đôi tàu chợ rất rẻ, càng chạy càng lỗ nhưng ĐSVN cũng không thể nâng vé cao hơn nữa vì chất lượng các đôi tàu này thực tế rất tệ.

Còn nếu nâng chất lượng tàu, nâng giá vé thì hành khách đa số là dân nghèo, lại ở những vùng rất khó khăn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

“Nhiều nơi đề nghị chúng tôi nâng giá vé lên nhưng mỗi lần tăng giá vé rất cân nhắc vì dư luận ít chia sẻ, nhất là lại tăng giá vé trên các đoàn tàu phục vụ người nghèo” - ông Tuyên nói.

Giải pháp trước mắt, ông Tuyên đề nghị các địa phương đang phụ thuộc vào tàu chợ cũng cần rà soát những tuyến đường ôtô có thể phát huy được để giảm dần sự phụ thuộc vào tàu. Đồng thời tăng cường kiểm soát việc bán vé hành khách và vé hàng hóa trên tàu.

Nhưng ông Tuyên cũng đánh giá: “Dù cải tiến, kiểm soát doanh thu chặt đến đâu, tàu chợ vẫn cứ lỗ. Về nguyên tắc không cân bằng được thu chi thì bỏ tàu để đảm bảo hiệu quả toàn ngành. Nhưng do đường sắt là doanh nghiệp nhà nước quản lý tài sản nhà nước nên chúng tôi mới phải xin ý kiến” - ông Tuyên nói.

Sau khi gửi công văn đề nghị cho ý kiến về việc dừng năm đôi tàu chợ, hiện Tổng công ty ĐSVN đã nhận công văn phản hồi của các tỉnh có tàu chạy qua.

Riêng hai bộ Quốc phòng và LĐ-TB&XH vẫn chưa có công văn phúc đáp. Theo lãnh đạo ĐSVN, sau khi hai bộ này có ý kiến, ĐSVN mới có báo cáo lên Chính phủ và Bộ GTVT, khi đó số phận của những chuyến tàu chợ sẽ được quyết định.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Bạc lẻ đi tàu Kỳ 2:Chở cuộc mưu sinh Kỳ 3:Xóm đợi tàu Kỳ 4:Xuôi ngược cơm gà Kỳ 5:Chợ… tàu Kỳ 6:Nỗi buồn ga xép

 V.SỰ - T.PHÙNG - T.LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên