22/03/2014 08:10 GMT+7

Nỗi buồn ga xép

VIỄN SỰ - THÁI LỘC
VIỄN SỰ - THÁI LỘC

TT - Trên suốt hơn 200km đường sắt từ Vinh vào Đồng Hới, những chuyến tàu Thống Nhất dừng lại ở các ga Yên Trung, Hương Phố và Đồng Lê. 19 ga xép còn lại nằm sâu trong những xóm làng heo hút miền sơn cước Quảng Bình, Hà Tĩnh chỉ đón mỗi ngày hai lượt đi về của tàu chợ Vinh - Đồng Hới.

Tàu chợ ngừng chạy, nhiều ga xép sẽ bị lãng quên và hàng trăm nhân viên đường sắt cũng đang âu lo về tương lai khi những chuyến tàu chợ không còn hoạt động.

1qb5antV.jpg
Nhân viên tàu chợ Huế - Đồng Hới soát vé. Nếu tàu chợ ngừng chạy, tất cả nhân viên trên chuyến tàu này sẽ phải điều chuyển công tác - Ảnh: T.Lộc

Ga xép sẽ thành “ốc đảo”

“Chừ mà cắt tàu thì ga xép ni chắc sẽ trở thành những nhà ga “chết” - anh Nguyễn Tiến Dũng, phụ trách chạy tàu ở ga Ngọc Lâm, thuộc xã Đức Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình), trầm ngâm. Đêm mùa đông khí lạnh từ núi đá vôi tràn vào nhà ga, anh Dũng cứ phải rít thuốc liên tục để chống lạnh. Thức trọn đêm trong một ca trực, nhưng công việc của anh Dũng chỉ là những nhịp điệu buồn tẻ của việc nhận và báo giờ các chuyến tàu hàng, tàu Thống Nhất chạy qua ga, rồi lại đội mưa rét ra căng cờ báo lệnh cho những chuyến tàu vội vã lao vút qua trên đường.

Nhịp điệu buồn tẻ ấy mỗi ngày chỉ được phá vỡ chỉ vài phút buổi sáng và buổi trưa khi tàu chợ Vinh - Đồng Hới dừng lại ga Ngọc Lâm trả và đón khách. Ga Ngọc Lâm cũng như hầu hết ga xép khác ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đều nằm sâu trong núi, bị ngăn cách bởi sông lớn và cách xa đồng bằng. Còn đường bộ ở vùng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh đều phải đi vòng xa hơn đường sắt. Từ Ngọc Lâm về các ga lân cận như ga Lệ Sơn đi tàu chỉ chưa đầy 20km, nhưng đi đường bộ phải vòng đến hơn 40km, còn vào mùa mưa lũ đường bộ hoàn toàn cách trở. Bởi vậy anh Dũng nói nếu cắt tàu chợ, nhân viên nhà ga có lẽ mỗi năm chỉ về đồng bằng vài lần vì không dễ gì ra khỏi vùng đất này nếu không có tàu lửa.

Ở ga Đồng Chuối, nhà ga heo hút trên đỉnh đèo Khe Nét ở Quảng Bình, 11 nhân viên đường sắt ở đây ngoài nỗi lo về việc sẽ bị sắp xếp lại công việc còn có một nỗi lo khác rất thực tế là họ sẽ phải đi xa sang tận ga La Khê của Hà Tĩnh để mua lương thực và đồ dùng thiết yếu. Anh Nguyễn Đình Trung - phụ trách công tác chạy tàu ở ga Đồng Chuối - cho biết có tàu chợ thì những nhu yếu phẩm mỗi ngày gia đình và cơ quan có thể nhờ tàu gửi lên, còn cắt tàu anh em phải đi gần 20km để mua. Đường bộ quá xa và hiểm trở nên anh Trung nói anh em nhân viên ở ga Đồng Chuối luôn phải tự tăng gia để có thêm rau sạch, gà vịt ăn dần. Nhưng chỉ được những tháng mùa khô, đến mùa mưa thì rau xanh và gà vịt không sống nổi, cứ trông hết vào tàu. Còn mùa khô thì dù thực phẩm không thiếu nhưng nước sinh hoạt gần như phụ thuộc vào tàu chợ chuyển lên vì giếng khoan cạn kiệt.“Nhớ năm 2010 lụt to, tàu chợ bị cắt hơn một tuần anh em đói vêu vao. Mì gói, gạo, cá khô đều hết sạch vì không biết đi đường mô để mua” - anh Trung nhớ lại.

Khó khăn hơn cả là cung đường Phương Mộ ở Vũ Quang (Hà Tĩnh) thuộc khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện. Đây là cung đường nằm tựa vào núi, không có đường bộ nối với bên ngoài, phía trước là sông Ngàn Sâu nhưng lại không có đò ngang. Ông Châu Nam Trung, trưởng ga Hòa Duyệt, cho biết để đến được cung đường này nhân viên đường sắt phải đi bộ 6km theo đường sắt. “Dù không đón khách nhưng tàu Vinh - Đồng Hới luôn dừng ở đây để gửi nhu yếu phẩm và công văn giấy tờ cho cung đường Phương Mộ. Nếu bây giờ cắt tàu thì Phương Mộ sẽ trở thành ốc đảo. Không biết sao để xoay xở và có khả năng phải xóa luôn cung đường này” - ông Trung lo lắng.

DjmlmNEx.jpg
Nhân viên điều độ ga Đồng Chuối hướng dẫn tàu Vinh - Đồng Hới vào ga - Ảnh: VIễn Sự

Lo lắng cho tương lai

Những ngày ngược xuôi khắp các chuyến tàu chợ từ Huế ra đến Vinh, từ Hà Nội lên Lạng Sơn về Hạ Long... chúng tôi chứng kiến nỗi âu lo không chỉ của người dân mà rất nhiều nhân viên đường sắt đang có công việc gắn bó với tàu chợ, từ tổ phục vụ tàu đến nhân viên nhà ga đều lo lắng trước thông tin những đoàn tàu chợ sẽ ngừng chạy.

Ông Nguyễn Ngọc Lễ, giám đốc Xí nghiệp Đường sắt Quảng Bình, nhẩm tính nếu tàu chợ Vinh - Đồng Hới ngừng chạy thì toàn bộ nhân viên bán vé của 22 ga xép đều không còn việc. Tiếp đó hai tổ phục vụ tàu với hơn 50 người, rồi lái tàu, nhân viên phụ trách chạy tàu, kỹ thuật ở tất cả các ga cũng phải sắp xếp điều chuyển lại công việc. “Ít nhất 500 nhân viên đường sắt sẽ bị ảnh hưởng nếu tàu Vinh - Đồng Hới ngừng chạy” - ông Lễ nói. Không chỉ vậy, tất cả công việc của Xí nghiệp Đường sắt Quảng Bình cũng sẽ gặp khó khăn khi ở xí nghiệp tất cả mọi việc đều trông vào tàu. “Công văn giấy tờ cũng tàu chợ chuyển đi, anh em từ ga về Đồng Hới đi họp, đi thăm hay kiểm tra các ga cũng nhờ tàu chợ... Bây giờ nếu không có tàu phải sử dụng ôtô đi xa gấp đôi, gấp rưỡi, chi phí tăng nhiều lần. Đó một bài toán kinh doanh rất khó!” - ông Lễ lo lắng.

Nỗi lo về tương lai dường như còn dài hơn với những nhân viên trên đôi tàu chợ R157/R158 chạy tuyến Yên Viên - Hạ Long khi theo lời ông Lã Yên Thắng - phó ga Kép (Bắc Giang): “Nếu bỏ tàu thì chắc cũng bỏ luôn đường”. Lý do là tuyến đường sắt từ Kép về Hạ Long chỉ còn duy nhất đôi tàu R157/R158 chở khách chạy qua. Phó tàu R157 Nguyễn Hữu Ninh cũng cho biết do khổ đường sắt của tàu Hạ Long - Yên Viên là 1,435m nên từ toa xe đầu máy chỉ có thể chạy cố định trên tuyến từ Hà Nội đi Quảng Ninh hoặc Lạng Sơn, trong khi cả hai tuyến đường sắt này đều đang thua lỗ và nằm trong dự định cắt chuyến của ngành đường sắt. Anh Ninh bần thần: “Các đôi tàu chợ ở miền Trung bị cắt, anh em còn biết sẽ chuyển đi đâu, chứ như chúng tôi bây giờ cắt tàu cũng không còn tàu nào để chuyển công tác”.

Nếu tàu ngưng chạy sẽ nghỉ việc

Đó là tâm sự của ông Đặng Ái, tổ trưởng một tổ phục vụ tàu chợ Huế - Đồng Hới. Gần 30 năm theo nghề đường sắt, ông Ái nói ông và các đồng nghiệp đã nhiều lần phải tứ tán sau mỗi đợt giải thể các đôi tàu và các trạm công tác. Cũng vì thế mà đời ông phiêu bạt khắp các ga tàu ở miền Trung rồi về neo lại ở Huế, nơi ông dành nhiều thời gian công tác nhất cho đôi tàu chợ Huế - Đồng Hới. “Tàu tan thì tui nghỉ, không phải giận nộ chi mà vì cũng vài năm nữa đến tuổi hưu, chắc không còn sức đi mô nữa, gia cảnh cũng yên ổn rồi. Chỉ thương em anh còn trẻ, lại phải mang cả gia đình đến theo một đoàn tàu khác, đến một cung đường khác, lại thêm lần vất vả...” - ông Ái chia sẻ.

Kỳ tới: Bài toán khó cho ngành đường sắt

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Bạc lẻ đi tàu Kỳ 2: Chở cuộc mưu sinh Kỳ 3: Xóm đợi tàu Kỳ 4: Xuôi ngược cơm gà Kỳ 5: Chợ… tàu

VIỄN SỰ - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên