Giống bài báo rao bán trên Facebook
Optik, một tạp chí khoa học chuyên về lĩnh vực quang học thuộc Nhà xuất bản Elsevier, vừa thông báo gỡ bỏ (retracted) bài báo xuất bản năm 2022 của nhóm sáu tác giả Saudi Arabia, Uzbekistan, Ấn Độ và Việt Nam.
Bài báo bị gỡ bỏ có tên "Biometric authentication integrated with wireless communication malicious activity detection in a cyber physical system-based Fintech banking", được xuất bản ngày 24-11-2022.
Tạp chí Optik cho hay đã nhận được cảnh báo từ PubPeer (trang web phi lợi nhuận cho phép người dùng thảo luận và đánh giá các nghiên cứu khoa học sau khi xuất bản) về một bài báo có tiêu đề rất giống bài báo của nhóm tác giả Phạm Quang Huy (nộp cho tạp chí này ngày 21-9-2022) được rao bán các vị trí tác giả trên Facebook vào ngày 4-9-2022.
Theo PubPeer, bài báo trên chứa những cụm từ bị xuyên tạc (tortured phrases) thường do các phần mềm tạo ra để che giấu đạo văn. Các nhà khoa học nhận định có thể nhóm tác giả bài báo trên đã dùng tiểu xảo để tránh phát hiện đạo văn bằng cách thay từ thông dụng "big data" bằng "enormous information"; thay "face recognition" bằng "facial acknowledgement"; thay "mobile banking" bằng "versatile banking"…
Tạp chí Optik cho biết đã yêu cầu nhóm tác giả giải trình về những nghi vấn này cũng như cung cấp dữ liệu gốc và bằng chứng về sự đóng góp và hợp tác nghiên cứu giữa các tác giả.
Tuy nhiên nhóm tác giả đã không giải trình thỏa đáng. Do đó, tổng biên tập tạp chí Optik quyết định gỡ bỏ bài báo.
Chuyên môn kinh tế, viết bài báo vật lý quang học?!
Ngay sau khi bài báo của PGS.TS Phạm Quang Huy bị gỡ bỏ, cộng đồng khoa học trong và ngoài nước liên tiếp tố cáo giảng viên này "không trung thực trong nghiên cứu". Nhiều người thắc mắc: "Ông Phạm Quang Huy nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế mà viết báo về vật lý quang học? Liệu tác giả có liên quan gì đến việc mua bán bài báo này trên mạng?".
Đáng chú ý, trong hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư, ông Huy tự khai đã công bố 88 bài báo/báo cáo khoa học trên các kỷ yếu/tạp chí khoa học trong và ngoài nước (từ năm 2008 - 2022). Trong đó, số bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín mà ứng viên là tác giả chính sau khi được cấp bằng tiến sĩ là 8 bài.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nhiều thông tin ông Huy khai "không trung thực và phần lớn bài báo quốc tế đều đăng trên các tạp chí giả mạo, săn mồi hoặc bị loại khỏi Scopus" (Scopus là danh mục cơ sở dữ liệu các bài báo từ các tạp chí uy tín - NV).
Một nhóm nhà khoa học tại Mỹ đã gửi đến Tuổi Trẻ loạt bài báo quốc tế của Phạm Quang Huy, được ông này khai "tạp chí thuộc danh mục Scopus", nhưng sự thật là hầu hết tạp chí này chưa từng vào Scopus hoặc đã bị loại khỏi Scopus trước khi ông Huy đăng bài. Nhiều bài báo của ông Huy không được đánh chỉ mục (indexed) trong Scopus.
Thậm chí, có những bài báo của tác giả này đăng trên các tạp chí thuộc nhà xuất bản được cho là săn mồi: tạp chí Management Science Letters của nhà xuất bản tai tiếng Growing Science (bị loại khỏi Scopus từ 2020); tạp chí mạo danh Journal of Xidian University; tạp chí mạo danh Journal of Xi'an University of Architecture & Technology.
Bài số 87 đăng trên tạp chí mạo danh Gedrag & Organisatie Review nhưng ông Huy khai đăng trên tạp chí Gedrag & Organisatie thuộc danh mục ISI (thật ra bài của ông Huy trên tạp chí mạo danh không được đánh chỉ mục trong ISI).
Một học giả đang làm việc tại Anh cho hay: "Phạm Quang Huy còn nhiều bài báo khác cũng đứng tên chung với các tác giả ở nước ngoài. Đáng chú ý, những bài này không thuộc chuyên môn của ông Huy. Các tác giả đến từ nhiều nước, chuyên môn rất khác nhau, dường như chẳng có liên hệ gì với nhau".
"Tôi cảm thấy rất có lỗi"
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Quang Huy cho biết tháng 9-2022, ông có quen một người bạn đang làm việc tại một trường đại học. Sau đó ông có hỗ trợ họ, cung cấp dữ liệu thứ cấp trong kinh tế, tài chính, kế toán.
"Tôi được một người bạn giới thiệu với nhóm tác giả bài báo trên. Do tôi hỗ trợ cung cấp dữ liệu nên bạn đó đề nghị đưa tên tôi vào bài báo như cảm ơn. Tôi không trả bất kỳ khoản tiền nào cho việc này nên không mua bài báo đó" - ông Huy khẳng định.
Cũng theo ông Huy, mặc dù được ghi tên vào nhóm tác giả bài báo nhưng thực sự ông không tham gia viết. Ông chỉ chỉnh sửa hình thức bài báo chứ không đóng góp về nội dung. Giảng viên này thừa nhận có nhận bản thảo của bài báo qua email và biết mình có tên trong nhóm tác giả nhưng không có ý kiến gì trước khi bài báo được gửi cho tạp chí.
Ông Huy cho biết thêm: "Sau khi bài báo được đăng, tôi đã làm thủ tục hỗ trợ từ trường. Bài báo này đã được nhà trường thưởng theo quy định. Tuy nhiên hiện nay bài báo đã bị rút, tôi thật sự cảm thấy rất có lỗi vì kết quả bài này hoàn toàn chưa đúng khoa học. Tôi sẽ hoàn trả nhà trường phần kinh phí đã nhận trước đây".
Liên quan đến các cáo buộc có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí dỏm, mạo danh, săn mồi (là tạp chí giả danh tạp chí khoa học, chuyên xuất bản những bài báo kém chất lượng để lấy tiền các tác giả non trẻ - NV)… ông Phạm Quang Huy cho biết trước khi gửi bài báo, tra cứu tên tạp chí vẫn còn trong danh sách Scopus.
"Khi viết bài báo khoa học, tôi đều tra cứu xem tạp chí nào phù hợp với phạm vi nghiên cứu. Khi tra cứu tên tạp chí đó thấy có trong danh sách Scopus nên tôi mới gửi bài và khai báo như vậy sau khi bài báo được công bố.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng có một số tạp chí bị văng khỏi danh sách Scopus sau khi bài báo được xuất bản. Nhà trường tính điểm cho các bài báo được đăng trên các tạp chí nằm trong danh sách Scopus, dù sau đó tạp chí có thể bị loại khỏi danh sách này" - ông Huy cho hay.
Hội đồng liêm chính nhà trường sẽ xem xét
Theo GS.TS Sử Đình Thành - hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM, ông Phạm Quang Huy hiện không còn giữ chức vụ trưởng bộ môn kế toán công. Hơn ba tháng trước, ông Huy được bổ nhiệm làm phó trưởng phòng đào tạo.
"Vừa qua, nhà trường đã họp và yêu cầu PGS.TS Phạm Quang Huy giải trình vụ việc về bài báo quốc tế bị gỡ. Trường đang tiếp tục tìm hiểu sự việc và sau đó sẽ họp hội đồng liêm chính khoa học của trường để xử lý" - ông Thành chia sẻ.
Cũng theo GS Thành, ông Phạm Quang Huy được bổ nhiệm phó giáo sư năm 2020. Hội đồng giáo sư cơ sở của trường luôn thực hiện đúng quy trình, yêu cầu ứng viên khai báo hồ sơ và có ba người trong hội đồng kiểm định hồ sơ. Sau khi kiểm định, xem xét hồ sơ của ứng viên nếu đáp ứng được yêu cầu theo quy định mới được ra bảo vệ ở hội đồng cơ sở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận