18/02/2022 12:29 GMT+7

Lùm xùm 'bài báo quốc tế', một ứng viên giáo sư xin rút khỏi danh sách đăng ký

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Gần đây, mạng xã hội xôn xao, có ý kiến hoài nghi về một số bài báo của ứng viên đăng ký xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư lại được đăng trên các tạp chí 'trái ngành', không có uy tín. Sự thực câu chuyện này thế nào?

Lùm xùm bài báo quốc tế, một ứng viên giáo sư xin rút khỏi danh sách đăng ký - Ảnh 1.

Link bài báo bàn về chính trị của PGS Nguyễn Minh Tuấn trên tạp chí chuyên về giáo dục toán học và máy tính của Thổ Nhĩ Kỳ không còn tìm thấy - Ảnh chụp màn hình

Những ngày qua, trên mạng xã hội Facebook có lan đi thông tin PGS Nguyễn Minh Tuấn có bài báo "Phòng chống những kẻ cơ hội chính trị ở Việt Nam hiện nay" lại đăng trong một tạp chí chuyên về giáo dục toán học và máy tính của Thổ Nhĩ Kỳ khi xét chức danh giáo sư năm 2021.

Ngày 14-2, trao đổi với Tuổi Trẻ Online trước những bàn tán này, PGS Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ: "Bài báo đó đã không được tính. Tính trên tạp chí WoS (ISI) và Scopus, tôi có 8 bài gửi hội đồng xét.

Trong quá trình mình viết, có những bài out (bị loại - PV) ra, có những bài chưa thật phù hợp thì hội đồng xem xét, sẽ gạt ra. Như bài viết bàn về vấn đề chính trị đăng trên tạp chí chuyên về giáo dục toán học và máy tính, chưa phù hợp nên bị loại".

Biết nội dung bài viết và tên tạp chí không phù hợp sẽ bị loại nhưng tại sao bài báo vẫn đưa vào danh sách để xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư? Lý giải điều này, ông Tuấn nói thêm: "Không có quy định buộc phải đăng trên tạp chí nào cả. Đây cũng là lỗi của quy chế quy định, chỉ nói bài được đăng trên tạp chí, về những nội dung của mình, mà tôi viết chính trị xã hội.

Không quy định bắt đăng thế này thế kia. Ví dụ ở Việt Nam buộc đăng Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Lý luận chính trị..., những tạp chí được quy định vào danh mục tính điểm. Còn đối với Scopus (chỉ số bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế) không quy định thì cứ đăng tính được cũng tốt, không được thì thôi.

Tôi là ứng viên, khi lần đầu viết trên tạp chí quốc tế cũng lúng túng. Mình cũng không nặng nề, phấn đấu năm nay không được giáo sư thì sang năm phấn đấu".

Ngày 18-2, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, GS.TS Phạm Văn Đức, chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành chính trị học - triết học - xã hội học, cũng thông tin PGS Nguyễn Minh Tuấn đã chính thức gửi đơn xin rút xét chức danh giáo sư.

"Hội đồng ngành đã gửi giải trình và báo cáo cho Hội đồng Giáo sư nhà nước. Thầy Tuấn (PGS Nguyễn Minh Tuấn - PV) thấy phức tạp và có nhiều ý kiến trái chiều cũng đã có đơn chính thức xin rút", ông Đức nói.

Tương tự trường hợp trên, với ngành kinh tế, một nhóm các nhà khoa học xôn xao một ứng viên phó giáo sư có 5 bài báo khoa học quốc tế, tuy nhiên trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí của nhà xuất bản "săn mồi" (Academy of Accounting and Financial Studies Journal); 1 bài đăng trên tạp chí chất lượng rất thấp (Turkish Journal of Computer and Mathematics); 1 bài báo đăng trên tạp chí đã bị loại khỏi danh mục Scopus từ năm 2018.

Ông Trần Anh Tuấn, chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước, thông tin Hội đồng Giáo sư nhà nước có biết những bàn tán, xôn xao của dư luận và đã 2 lần có văn bản gửi hội đồng ngành chính trị học xác minh.

"Hội đồng ngành sẽ chịu trách nhiệm chuyên môn với ứng viên. Hội đồng ngành cũng sẽ kết luận và đưa vào báo cáo chuyên môn.

Đến nay hội đồng ngành đã gửi báo cáo nhưng chúng tôi đang tổng hợp. Còn bàn tán khác với ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành kinh tế, chúng tôi cũng đã nắm được thông tin và có văn bản gửi hội đồng ngành để xác minh từng trường hợp cụ thể", ông Tuấn nói.

Việc xét công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư hiện nay căn cứ theo quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Theo quyết định 37, ứng viên phó giáo sư phải là tác giả chính của 3 bài báo khoa học, ứng viên giáo sư phải là tác giả chính của 5 bài báo khoa học "được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín".

Nhằm bổ sung cho việc xác định tạp chí uy tín, Hội đồng Giáo sư nhà nước đã ban hành danh mục các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới với những tên tuổi như Springer, Elsevier, Wiley-Blackwell… và các nhà xuất bản của top 100 các trường đại học hàng đầu thế giới...

73 ứng viên giáo sư, phó giáo sư không đạt chuẩn, bị loại 73 ứng viên giáo sư, phó giáo sư không đạt chuẩn, bị loại

TTO - 73 trong số 451 ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị loại khỏi danh sách ứng viên được hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2021.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên