Tàu chiến đấu ven bờ USS Gabrielle Giffords của hải quân Mỹ bắn tên lửa NSM, loại tên lửa tầm xa có khả năng tấn công chính xác tàu kẻ thù - Ảnh: Hải quân MỸ
Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đầu tuần này thu hút sự chú ý của nhiều người bằng phát ngôn của thượng tướng Hứa Kỳ Lượng, phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc. Theo đó, tướng Hứa ám chỉ chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là khó tránh khỏi, nên Bắc Kinh buộc phải tăng chi tiêu quốc phòng. Tuyên bố được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói thẳng việc tăng chi tiêu quốc phòng 6,8% năm 2021 là để chuẩn bị cho việc "chiến đấu và chiến thắng" Mỹ.
Lùi xa giăng lưới đón Trung Quốc
Washington tất nhiên sẽ không ngồi yên và đã tìm cách củng cố hệ thống răn đe chiến lược tại khu vực. Chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai đang đứng trước nguy cơ trở thành chiến trường chính cho các cuộc xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chuỗi đảo thứ nhất xuất phát từ cực nam đảo Kyushu (Nhật Bản), chạy qua các quần đảo Okinawa và Lưu Cầu tới phía bắc đảo Luzon của Philippines. Chuỗi đảo thứ hai cũng bắt đầu từ Nhật Bản nhưng cách xa Trung Quốc đại lục, đi qua các quần đảo Palau, Micronesia, Guam và kết thúc ở Indonesia. Đối với Mỹ, hai chuỗi đảo này đóng vai trò như các "phên giậu" ngăn Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương.
Trong báo cáo gửi Quốc hội Mỹ ngày 1-3, Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) đã kêu gọi chi hơn 27 tỉ USD củng cố chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai. Đây là một trong nhiều nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc thông qua "Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương". Một loạt các nguy cơ đe dọa từ Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã được nêu trong báo cáo, bao gồm cả một đồ họa 3 trang cho thấy các lực lượng của PLA sẽ áp đảo quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương vào năm 2025.
Đô đốc Philip Davidson, tư lệnh INDOPACOM, trong cuộc điều trần ngày 9-3 tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, tiếp tục cảnh báo cán cân quân sự tại khu vực đang dần nghiêng về Trung Quốc. "Họ có thể đơn phương thay đổi hiện trạng trước khi các lực lượng của chúng ta có một hành động đáp trả hiệu quả" - vị tướng 4 sao của quân đội Mỹ nêu viễn cảnh xấu.
Để đối phó với các nguy cơ đó, INDOPACOM yêu cầu 3,3 tỉ USD cho các hệ thống hỏa lực "chính xác, có khả năng sống sót cao có thể hỗ trợ các hoạt động quân sự đường không và đường biển từ khoảng cách trên 500km". Những hệ thống hỏa lực này sẽ được đặt trên các đảo thuộc chuỗi đảo thứ nhất. 1,6 tỉ USD xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore trên đảo Guam thuộc chuỗi đảo thứ hai và 2,3 tỉ USD cho hệ thống rađa đặt trong không gian. Đô đốc Davidson cũng yêu cầu thêm 4,67 tỉ USD cho các trung tâm huấn luyện ở Palau, Micronesia và Marshall Islands - những nước nằm trong Hiệp ước Liên kết tự do (COFA) với Mỹ. Ngoài ra còn có 403 triệu USD cho các hệ thống trinh sát đường không và rađa phát hiện các mối đe dọa ngoài đường chân trời đặt tại chuỗi đảo thứ hai.
PLA ngày càng tự tin
Đáp trả lại các chiến lược răn đe của Mỹ, Trung Quốc từ lâu đã lấy các đảo giữ vai trò mắt xích trong chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai làm mục tiêu trong các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo. Chiến lược "chống xâm nhập/chống tiếp cận" (A2/AD) mà Bắc Kinh đề ra hướng tới việc đẩy các lực lượng Mỹ càng xa Trung Quốc đại lục càng tốt đang dần thể hiện hiệu quả răn đe. Những đề xuất của INDOPACOM như đã nêu trên cho thấy một thực tế nhiều người vẫn khó chấp nhận: Mỹ không còn đủ sức răn đe Trung Quốc ở chuỗi đảo thứ nhất.
Trong các báo cáo trước đây của Bộ Quốc phòng Mỹ gửi Quốc hội, các tướng lĩnh đã thừa nhận tên lửa Trung Quốc bao trùm toàn bộ các căn cứ Mỹ trong chuỗi đảo thứ nhất, kể cả các căn cứ ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Thậm chí, đảo Guam thuộc Mỹ hiện nay cũng đã nằm trong tầm bắn của tên lửa Đông Phong 26 có trong biên chế của PLA. Việc INDOPACOM đề xuất các vũ khí chính xác và có khả năng sống sót cao ở chuỗi đảo thứ nhất là một nỗ lực níu kéo sự răn đe chiến lược đã từng phát huy tác dụng đối với Trung Quốc. Quân đội Mỹ trên thực tế đã chấp nhận lùi xa Trung Quốc và tập trung cho chuỗi đảo thứ hai.
Đối với Trung Quốc, việc Mỹ lùi xa nước này là một thành công lớn. Hôm 7-3, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm tuyên bố PLA sẽ tập trung cho các dự án trọng điểm trong 5 năm tới nhằm giúp quân đội Trung Quốc bắt kịp Mỹ, "chiến đấu và chiến thắng" trong môi trường chiến tranh hiện đại. Trước đó ngày 6-3, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa không ngại ngần nói thẳng "kiềm chế và ngăn chặn phản công" sẽ là hai mục tiêu chính cả PLA và quân đội Mỹ cùng theo đuổi trong dài hạn.
Trung Quốc gia tăng khí tài
Báo cáo của INDOPACOM gửi Quốc hội Mỹ ngày 1-3 ước tính vào năm 2025 Trung Quốc sẽ có 3 tàu sân bay, 12 tàu đổ bộ tấn công, 1.950 máy bay tiêm kích, 225 máy bay ném bom, 110 tàu chiến mặt nước, 64 tàu ngầm hiện đại, khoảng 2.000 tên lửa đạn đạo các loại. Thời báo Hoàn Cầu của chính quyền Bắc Kinh tỏ ra tự tin khi tuyên bố cho dù có đổ thêm núi tiền vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ sẽ không thể ngăn cản nổi sự trỗi dậy của Trung Quốc.
"Sự xói mòn các biện pháp răn đe theo quy ước đối với Trung Quốc tạo ra mối nguy hiểm lớn cho cả Mỹ lẫn các nước trong khu vực" - đô đốc Philip Davidson nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận