Hàng ngàn người dân Thái ủng hộ bà Yingluck đã có mặt ở thủ đô Bangkok từ sáng sớm 25-8 - Ảnh: REUTERS |
Chiều 25-8, trang tin Khaosod của Thái Lan cho biết cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và con trai đã sang thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nơi người anh trai Thaksin Shinawatra được cho là đang cư trú.
Sáng cùng ngày, Tòa án Tối cao Thái Lan đã phát lệnh bắt giữ bà Yingluck vì đã không đến hầu tòa dù trước đó luật sư của bà thông báo lý do vắng mặt tại tòa là vì bị đau tai và xin hoãn xét xử. Mức tiền thế chân của bà nộp cho tòa án là 30.000 USD bị niêm phong.
Thẩm phán Cheep Chulamon nói với báo giới: "Luật sư của bà ấy nói thân chủ mình bị bệnh và xin lùi thời điểm ra phán quyết... Tòa không tin bị cáo bị bệnh nên quyết định ban hành lệnh bắt giữ”.
Bí mật đi trước 2 ngày
Trong phiên tòa sáng nay, trước khi tòa xử đã có hàng ngàn người ủng hộ bà Yingluck tập trung ngoài sân tòa ở thủ đô Bangkok dù ngày hôm qua tài khoản Facebook của bà Yingluck có lời kêu gọi người ủng hộ nên ở nhà do lo sợ có đụng độ với lực lượng an ninh trong ngày phán quyết quan trọng.
Hơn 4.000 cảnh sát cùng nhiều chốt kiểm soát an ninh đã được dựng lên xung quanh khu vực tòa án. An ninh tại thủ đô Bangkok trong mấy ngày trước phiên tòa đã được siết chặt.
Dẫu vậy, vẫn có nhiều người ủng hộ mang băng-rôn ủng hộ và hét vang "hãy tiếp tục chiến đấu" trên đường phố Bangkok.
Trước khi tòa tuyên, đã có những phỏng đoán mức án cho cựu nữ Thủ tướng Thái Lan lên đến 10 năm tù.
Người ủng hộ bà Yingluck khóc nức nở ôm chầm lấy bà và tặng hoa khi bà ra tòa hôm 1-8 ở Bangkok - Ảnh: REUTERS |
Cùng ngày, Cục Xuất nhập cảnh Thái Lan nói rằng không có dữ liệu về việc bà Yingluck đã xuất cảnh. Thủ tướng Prayut Chan-ocha do vậy đã chỉ đạo cho cảnh sát nhanh chóng xác minh thông tin về nơi bà Yingluck đang có mặt.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon nói rằng cảnh sát sẽ thực hiện nhiệm vụ truy bắt theo lệnh của tòa án.
Trong khi đó, một thành viên cấp cao của đảng Puea Thai ủng hộ nhà Shinawatra nói với hãng tin AFP rằng “bà ấy không còn ở Thái Lan. Bà ấy đã đi từ hôm thứ Tư (23-8)” dù ông này không nói điểm đến là ở đâu.
Trước đó trong ngày, theo hãng tin AFP, có tin đồn cho biết bà Yingluck, 50 tuổi, đã cùng cậu con trai tuổi thiếu niên sang Singapore.
Anh trai bà, cựu thủ tướng Thaksin, cũng đã phải sống lưu vong từ năm 2008 sau khi bị kết án 2 năm tù vì tội nhận hối lộ. Phiên tòa đó từng bị ông Thaksin tố cáo là mang động cơ chính trị.
Hết thời với dòng họ Shinawatra?
Trong phiên xử kéo dài suốt 18 tháng lần này, bà Yingluck - người bị phế truất sau cuộc đảo chính vào tháng 5-2014, cũng cho là mang động cơ chính trị và bà không làm gì sai trong vụ hỗ trợ mua gạo của nông dân.
Trong những lần bà Yingluck ra tòa vẫn thường có hàng trăm đến hàng ngàn người ủng hộ tập trung về hô khẩu hiệu để ủng hộ tinh thần cho bà và phản đối chính quyền.
Khi ra tòa hôm đầu tháng 8 này, bà Yingluck cho rằng chính quyền quân sự hiện tại muốn quét sạch ảnh hưởng của dòng họ Shinawatra trên chính trường Thái Lan dù gia đình bà đã giành chiến thắng trong các buộc bầu cử dân chủ từ năm 2001.
Đây là sự kết thúc của dòng họ Shinawatra và của đảng Puea Thai trong chính trị Thái Lan. Với hai thành viên phải sống lưu vong thì dòng họ này xem như mất tính chính danh trong chính trị rồi" |
Puangthong Pawakapan - nhà chính trị học của Thái Lan |
Dưới thời cầm quyền của bà Yingluck, lúa gạo của nông dân được thu mua và tích trữ với giá cao.
Chính quyền hiện tại cho rằng chương trình đã gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước và sâu xa hơn, bà Yingluck đã lạm quyền, dùng tiền nhà nước để thực hiện chính sách dân túy, mua chuộc lá phiếu của dân nghèo.
Trong khi đó, trong suốt thời gian bị cáo buộc, bà Yingluck Shinawatra tiếp tục khẳng định không sai phạm điều gì trong quá trình thực hiện chương trình trợ giá gạo đồng thời kêu gọi thực thi công lý.
Trong phiên tòa của Tòa án Tối cao hôm 1-8, cựu Thủ tướng Thái Lan thậm chí phát biểu trong nước mắt, khẳng định bà tin rằng những chính sách trợ giá gạo đã đem lại lợi ích cho người nông dân Thái Lan và không vi phạm pháp luật, đồng thời khẳng định mình vô tội.
Nhưng chính quyền vẫn thực thi các biện pháp nhằm khóa chặt khả năng tẩu tán tài sản hoặc trốn đi nước ngoài của bà Yingluck. Từ đầu tháng 8, các cơ quan chức năng Thái Lan đã phong tỏa toàn bộ tài sản của bà Yingluck để chờ phán quyết của tòa.
Như để khẳng định tính đúng đắn của tòa. chỉ vài giờ sau khi cựu Thủ tướng Yingluck không ra tòa, một tòa án ở thủ đô Bangkok đã tuyên phạt 42 năm tù giam đối với cựu Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom sau khi kết tội ông này làm giả các hợp đồng bán gạo cấp chính phủ giữa Thái Lan và Trung Quốc.
Cựu Bộ trưởng Thương mại Teriyapirom được cho là đồng phạm với bà Yingluck.
Theo Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan, những hợp đồng bán gạo liên chính phủ do ông Teriyapirom công bố đã gây thiệt hại rất lớn đối với nhà nước, theo đó số gạo trên đã được bán tại các địa phương chứ không được xuất khẩu.
Binh sĩ Thái Lan được triển khai bảo vệ an ninh trước Tòa Tối cao ở Bangkok ngày 25-8 - Ảnh: REUTERS |
Dân nghèo nói gì?
Chính trường Thái Lan đã trải qua nhiều biến động với vô số cuộc đảo chính. Người ta từng nói đến tiến trình dân chủ khi dòng họ Shinawatra với nhà tài phiệt Thaksin - một người thành công từ lĩnh vực kinh doanh viễn thông, bước vào cuộc chơi chính trị.
Ông đã đường hoàng vào giới quyền lực Bangkok bằng lá phiếu của dân, đặc biệt là số đông dân nghèo ở miền bắc và đông bắc Thái Lan. Những ảnh hưởng của họ cùng các chính sách dân túy vẫn còn được ghi nhận đến ngày hôm nay.
Trong phiên tòa ngày hôm nay 25-8, ông Seksan Chalitaporn, một người biểu tình nói với hãng tin AFP sau khi biết tin bà Yingluck không có mặt: “Bà ấy đã làm hết sức mình, đã hi sinh nhiều lắm. Giờ đây chúng tôi phải tự đấu tranh cho mình thôi”.
Còn ông Nan, 62 tuổi, chia sẻ: “Ở Thái, người dân nghèo chiếm đa số. Người giàu chỉ nằm trong vài gia đình và các nhóm lợi ích ở Bangkok. Chúng tôi là đa số”.
Nhiều chuyên gia cho rằng dòng họ Shinawatra sẽ không còn dám tham gia chính trường nữa nếu không muốn mất hết tài sản đã gầy dựng mà bằng chứng là nhiều bất động sản còn ở đất Thái.
Ông Puangthong Pawakapan, nhà nghiên cứu chính trị của ĐH Chulalongkorn tại Bangkok nhận định: "Tôi không nghĩ bà Yingluck sẽ còn tiếp tục đấu tranh từ nước ngoài bởi gia đình bà ấy còn cả khối tài sản ở trong nước".
Trong khi đó, cuộc bầu cử mới ở Thái Lan dự kiến sẽ được tiến hành vào năm sau...
Chương trình trợ giá gạo là một nội dung chủ đạo trong chiến dịch tranh cử của bà Yingluck cùng đảng Puea Thai, vốn đã giúp bà giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2011. Theo chương trình này, Chính phủ Thái Lan mua gạo của nông dân với giá gấp đôi giá thị trường và trữ tại các kho chứa của nhà nước trên toàn quốc. Chính quyền đương nhiệm cho rằng chương trình trợ giá gạo đó đã gây thiệt hại 520 tỉ baht (khoảng hơn 14 tỉ USD) cho ngân sách nhà nước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận