16/03/2016 05:55 GMT+7

​Ba đối sách giúp tân tổng thống Myanmar thành công

HOÀNG DUY
HOÀNG DUY

TTO - Trong bài viết đăng trên tạp chí Eurasia Review, nhà phân tích Tridivesh Singh Maini Học viện Quan hệ quốc tế Jindal (Ấn Độ) nhận định tân tổng thống Myanmar cần quan tâm đến một số bài học từ Đông Á .

Tân tổng thống vừa được bầu của Myanmar, ông Htin Kyaw - Ảnh: Reuters

Yếu tố đầu tiên cần quan tâm là bài học từ Pakistan. Tại quốc gia này, quân đội thực hiện quyền lực kiểm soát thái quá đến mức cản trở các định chế trong guồng máy xã hội phát triển. Tại Myanmar cũng thế, chế độ quân sự đã cầm quyền trong một thời gian dài. Và đến nay quân đội vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng.

Ví dụ tiêu biểu như báo La Croix (Pháp) nêu ra là tổng thống mãn nhiệm U Thein Sein đã hứa sẽ ân xá cho tất cả tù chính trị nhưng đến nay lời hứa vẫn chưa hoàn thành. Do đó, tân tổng thống Myanmar sẽ phải tiếp tục thực hiện công việc này.

Tuy nhiên, ông Bo Kyi, thư ký Hội Tương trợ tù chính trị Myanmar, ghi nhận: “Tổng thống Myanmar không có nhiều quyền hạn… Tổng thống không thể quyết định về các vấn đề an ninh. Tổng tư lệnh quân đội mới là người có quyền nhất (về an ninh)”.

Thật vậy, tổng thống Myanmar có quyền ân xá cho một tù nhân nào đó nhưng muốn ân xá cho nhiều tù nhân thì phải được Hội đồng An ninh quốc gia thông qua. Trong khi đó, 6/11 thành viên Hội đồng An ninh quốc gia là quân nhân. Bộ trưởng Nội vụ cũng do quân đội trực tiếp chỉ định, sẽ phụ trách chỉ huy cảnh sát và quản lý các trại giam.

Sau khi tân tổng thống Myanmar nhậm chức, chắc chắn quân đội sẽ tiếp tục duy trì quyền hạn nhất định trong guồng máy mới vận hành. Theo nhà phân tích Tridivesh Singh Maini, cách tốt nhất để phát huy dân chủ ở Myanmar là hợp tác trong công việc nhưng không nhất thiết phải quy lụy quân đội.

Đến giờ bà Aung San Suu Kyi đã giữ thái độ hết sức hòa giải và sẵn sàng tham vấn quân đội khi cần thiết. Tân tổng thống Myanmar ắt hẳn nên giữ thái độ khôn ngoan như thế.

Yếu tố thứ hai, một nền dân chủ thật sự sẽ khuyến khích bình đẳng tôn giáo. Để duy trì ổn định trong nước, tân tổng thống Myanmar cần chấm dứt tình trạng đối xử phân biệt với người Hồi giáo Rohingya thiểu số.

Các nước láng giềng của Myanmar như Bangladesh và Ấn Độ chắc chắn sẽ quan sát Myanmar về vấn đề này, bởi tình hình người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh của Bangladesh và Ấn Độ.

Yếu tố thứ ba liên quan đến đối ngoại. Nhà phân tích Tridivesh Singh Maini cho rằng điều quan trọng đối với tân tổng thống Myanmar là cân bằng các mối quan hệ với các quốc gia then chốt trong khu vực và không phụ thuộc một nước duy nhất.

Bài học quý cho Myanmar là Bangladesh. Đất nước này đã cân bằng quan hệ với ba nước quan trọng Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, đồng thời đã gặt hái thành quả kinh tế từ đối sách này.

Khác với nhiều nước Đông Nam Á, Bangladesh vừa bắt tay thân tình với Nhật lại vừa củng cố quan hệ vững chắc với Trung Quốc, song song với cải thiện bang giao với Ấn Độ. Nhật đã đầu tư xây dựng dự án cảng nước sâu Matarbari ở Bangladesh cho dù Trung Quốc cũng rất quan tâm. Ấn Độ đã quyết định phát triển cảng nước sâu Payra và dự án năng lượng ở Khulna của Bangladesh.

Nhà phân tích Tridivesh Singh Maini cho rằng điều này không có nghĩa là Myanmar sẽ không phụ thuộc bất kỳ nước nào. Myanmar vẫn có thể làm như Singapore và vẫn duy trì tư thế độc lập của mình.

Tóm lại, tân tổng thống Myanmar sẽ nhậm chức (dự kiến ngày 1-4) trong bối cảnh Myanmar vừa trải qua nhiều biến động đối nội và đối ngoại. Trong khi đó, có đủ bài học về thành công và thất bại cho Myanmar quan sát trên con đường phát triển.

HOÀNG DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên