Theo Hãng tin AFP, ông Biden lên đường đến Nhật ngày 17-5 để dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm G7.
Cuộc gặp vốn nhằm phát động kế hoạch tập hợp các nước để đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên nhà lãnh đạo Mỹ tham dự cuộc họp với tâm tư nặng trĩu vấn đề trần nợ công. Ông dự kiến sẽ trở về nước vào cuối tuần này, cắt bớt kế hoạch đến Papua New Guinea và dự cuộc họp "bộ tứ kim cương" vào tuần sau.
Ngày 17-5, Thủ tướng Úc Anthony Albanese thông báo Hội nghị thượng đỉnh QUAD, gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, sẽ không diễn ra tại Sydney vào tuần tới vì không có Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ông Biden khẳng định việc thay đổi lịch trình không gây ảnh hưởng lớn, và công việc của tổng thống Mỹ vốn là giải quyết nhiều vấn đề quan trọng cùng một lúc. Quả thực, chuyến công du và vấn đề nợ công đều đến trong thời điểm quan trọng với ông Biden, khi ông vừa tuyên bố sẽ tái tranh cử năm 2024.
Nhưng giới phân tích cho rằng việc này thể hiện thông điệp không mấy hay ho. "Thật khó để Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc ở Thái Bình Dương trong khi lại đánh chìm con thuyền của chính mình", Hãng tin AFP dẫn lời nhà cựu ngoại giao Mỹ Evan Feigenbaum nói.
Sau cuộc gặp ngày 16-5 về vấn đề nợ công, ông Biden và các lãnh đạo Cộng hòa đều để ngỏ khả năng đạt được thỏa thuận nâng mức trần nợ 31.400 tỉ USD trước hạn chót 1-6.
Trong khi ông Biden mô tả cuộc gặp là "tốt, tích cực" thì Chủ tịch Hạ viện, ông Kevin McCarthy, đã thay đổi thái độ khi cho biết hy vọng sẽ có được thỏa thuận vào cuối tuần này dù cách biệt giữa hai bên vẫn còn rất lớn.
Khi được hỏi về nguy cơ Mỹ vỡ nợ, ông McCarthy trấn an các bên đã loại trừ khả năng này. Nhà lãnh đạo Cộng hòa nói rằng ông đã nhìn thấy tín hiệu được cải thiện từ đàm phán giữa cấp dưới của ông và đại diện do ông Biden bổ nhiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận