Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, mới đây một hướng dẫn viên của công ty du lịch ở TP Huế đã đăng tải bức ảnh quảng cáo tour du lịch đến Huế nhưng lại sử dụng ảnh Tử Cấm Thành (Trung Quốc) và ghi chú là Đại Nội Huế, khiến nhiều bạn đọc bức xúc.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra trường hợp "râu ông nọ cắm cằm bà kia".
"Công ty du lịch mà không biết địa điểm mình sẽ dẫn khách đến thì biết gì mà giới thiệu cho du khách, lấy gì mà làm du lịch. Đề nghị kiểm tra lại năng lực hoạt động của công ty này, nếu không đáp ứng nên rút giấy phép luôn", bạn đọc VT viết.
Làm gì để không xảy ra những trường hợp tương tự? Dưới đây là chia sẻ của chuyên gia du lịch Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.
Tạo xì căng đan gây hiệu ứng quảng cáo?
Mấy bữa nay, báo chí và mạng xã hội đưa tin, bàn tán việc quảng bá du lịch kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Đó là hình ảnh quảng cáo city tour 1 ngày ở Huế nhưng lấy hình ảnh Tử Cấm Thành (Trung Quốc) và chú thích là Đại Nội Huế.
Theo tôi, dù không phổ biến nhưng đây là chuyện không có gì mới và cũng không cá biệt của ngành du lịch.
Qua thông tin từ báo chí, được biết thông tin này được hướng dẫn viên của một công ty du lịch đóng ở TP Huế đăng để quảng cáo tour.
Từ trường hợp này, có người còn suy đoán "hay đây là kiểu tạo xì căng đan gây hiệu ứng quảng cáo?", bởi công ty du lịch này hầu như ít ai biết, kể cả người Huế, sau vụ này bỗng nổi tiếng cả nước.
Họ suy luận cũng có lý khi bức ảnh quảng cáo tour du lịch với hàng loạt điểm đến nổi tiếng của cố đô, có hình ảnh minh họa như Đại Nội, làng Hương, lăng Minh Mạng, chùa Thiên Mụ… Nhưng bức ảnh chú thích"Đại Nội" lại là ảnh Tử Cấm Thành (Cố Cung), cũng là di sản thế giới ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Suy luận cũng có phần logic khi hình ảnh Đại Nội có trong logo nhận diện thương hiệu du lịch Thừa Thiên Huế.
Vậy làm sao họ không biết? Và khi sự việc xảy ra, dư luận Huế và những người yêu Huế phản ứng cũng là điều dễ hiểu. Không thể chấp nhận, một công ty du lịch thuộc Huế nhưng không nắm rõ di tích văn hóa lịch sử địa phương.
Những giả thuyết
Khi dư luận phản ứng, lập tức Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc đã chỉ đạo Thanh tra sở làm rõ thông tin, có phương án xử lý.
Sáng cùng ngày, đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết công ty du lịch xác nhận đó là lỗi cá nhân của hướng dẫn viên, do không chú ý nên đã sử dụng bức ảnh Tử Cấm Thành Trung Quốc, chú thích là Đại Nội Huế.
Hướng dẫn viên này đã nhận lỗi, gỡ bỏ bức ảnh nói trên và cam kết sẽ cẩn thận hơn trong lúc làm việc, tránh sai sót đáng tiếc xảy ra.
Sự việc trên cũng bộc lộ những lỗ hổng lớn trong quản lý du lịch.
Về nguyên tắc, các quảng cáo về tour du lịch phải ghi rõ đơn vị tổ chức. Không có công ty nào cho phép hướng dẫn viên đăng chương trình tour như vậy. Chỉ có thể là hướng dẫn viên tự làm tour chui (có thể được công ty đồng ý), để trốn thuế và nhiều thứ khác.
Đã làm trong ngành du lịch, có học qua trường lớp, từ hướng dẫn viên, quản lý… tất cả đều biết Đại Nội Huế vì đó là 1 trong 8 di sản thế giới của Việt Nam, ai cũng từng học.
Theo tôi, tạm thời bỏ qua yếu tố tạo xì căng đan gây hiệu ứng quảng cáo thì chính sự thiếu tôn trọng tối thiểu, xem thường khách hàng mới xảy ra vụ việc như vậy.
Đừng xem đó là lỗi bình thường. Nếu không rà soát lại, kiểu này ai cũng làm hướng dẫn viên lẫn quản lý du lịch được, không cần kiến thức lẫn kỹ năng.
Đây là việc nhỏ nhưng tác hại lớn nên dư luận bức xúc, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên và quản lý du lịch chân chính.
Giả sử có khách chưa biết gì về Huế, xem hình xong mua tour, đến nơi thực tế khác xa quảng cáo thì sao? Có thể xem đó là "lừa dối khách hàng"?
Nhân việc này, ngành du lịch cũng cần rà soát lại các chương trình tour của từng công ty, xử phạt các chương trình lập lờ, các nội dung tùy tiện kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia", làm mất uy tín, hình ảnh của ngành với du khách.
Chẳng ai dám tự nhận thông hiểu mọi thứ. Kiến thức cá nhân, dù siêu phàm nhưng so với vũ trụ vẫn bé hơn hạt cát. Không biết thì hỏi. Chưa rõ thì tìm cách kiểm chứng.
Là người làm du lịch, chúng tôi cùng nhắc nhau: "Xin chỉ viết và nói những điều mình biết chắc".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận