Mẹ tôi có 1 tài khoản tiết kiệm riêng, anh em trong nhà đều biết. Nay mẹ đã mất, anh trai giấu sổ tiết kiệm đi. Vậy tôi phải làm sao để phần tài sản này được chia thừa kế đúng luật?
Bạn đọc T.T.Mừng (Q.12, TP.HCM) gửi câu hỏi:
Luật sư Tào Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn về việc chia thừa kế như sau:
Quản lý di sản thừa kế:
Khoản tiền tiết kiệm được xem là tài sản theo quy định tại điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tuy nhiên, sổ tiết kiệm là giấy chứng nhận thể hiện việc gửi tiền vào ngân hàng với các thông tin về số tiền gửi, lãi suất, thời gian gửi… Đây không được xem là tài sản.
Việc quản lý di sản được quy định tại điều 616 Bộ luật Dân sự năm 2015:
- Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.
- Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
- Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.
Theo thông tin chị cho biết thì mẹ chị mất không để lại di chúc đối với khoản tiết kiệm và không chỉ định ai là người quản lý di sản này nên:
- Di sản là khoản tiết kiệm sẽ được chia theo pháp luật theo quy định tại điều 650 và 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể ở đây là anh em nhà chị sẽ là những người được hưởng di sản là khoản tiền tiết kiệm.
- Quyền quản lý di sản và giữ sổ tiết kiệm lúc này sẽ thuộc về những người được hưởng di sản là anh em chị và anh em chị có quyền họp bàn thống nhất để cử ra người quản lý di sản và giữ sổ tiết kiệm.
Do đó, anh của chị là người đang giữ sổ tiết kiệm mà không được sự đồng ý của những người khác là trái với quy định pháp luật.
Đối với việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người được hưởng di sản, bạn cần phải làm như sau:
Thông báo cho ngân hàng nơi mẹ chị gửi tiết kiệm về việc bị chiếm giữ trái phép sổ tiết kiệm với đầy đủ các giấy tờ về sổ tiết kiệm, thông tin chủ sở hữu là mẹ chị, cung cấp giấy tờ chứng minh mối quan hệ mẹ con, căn cước công dân của anh em chị…
Đồng thời, chị có thể khởi kiện anh chị về hành vi chiếm giữ trái phép sổ tiết kiệm: Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Theo quy định tại khoản 2 điều 164 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thẩm quyền giải quyết: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi anh chị đang cư trú, làm việc sẽ là tòa án có thẩm quyền giải quyết nếu các bên không có thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn.
Kèm theo đơn khởi kiện là tất cả những tài liệu bản sao có chứng thực: giấy tờ liên quan đến sổ tiết kiệm, thông tin về chủ sở hữu là mẹ chị, giấy tờ chứng minh mối quan hệ mẹ con, căn cước công dân của anh em chị…
Trước khi khởi kiện, gia đình chị nên tổ chức buổi họp gia đình để hòa giải trên tinh thần gia đình thân ái.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận