
Bà Trần Thị Đáng (75 tuổi) cho biết từ ngày nhà bị nứt phải sang nhà con trai cả ngủ nhờ, chỉ có con trai út ở lại qua đêm
Trong số 47 hộ dân xóm Bãi (xã Phong Vân) bị ảnh hưởng nứt nhà, có nhiều hộ gia đình phải đóng cửa đi ở nhờ. Dù vụ việc đã xảy ra một năm nay, bờ kè xóm Bãi vẫn chưa được gia cố trong khi mùa mưa bão đang đến gần.
Không ít người dân bức xúc khi đã một năm trôi qua vẫn chưa có thông tin chính thức dẫn đến lún nứt hàng chục nhà dân. Có nhiều người cho hay chưa biết đến khi nào mới có thể quay trở lại nhà của mình.
Trong khi đó, ngày 25-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo UBND xã Phong Vân và lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường UBND huyện Ba Vì đều cho biết đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nắm được thông tin chính thức nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt nhà dân bị nứt.
Hình ảnh nhà dân bãi sông Hồng bị nứt, sập mái mới được Tuổi Trẻ Online ghi nhận:


Theo bà Đáng, nhà nứt, khu vệ sinh bị hư hỏng đã khiến cuộc sống của mẹ con bà đảo lộn hoàn toàn



Ngôi nhà cấp bốn của gia đình ông Ngô Xuân Lịch (51 tuổi) bị hư hỏng nặng khiến mẹ ông phải sang nhà anh trai cả để tá túc một năm nay

Bà Ngô Thị Hữu (85 tuổi) nói rất lo lắng với vết nứt chạy dọc sân nhà



Ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Phương (67 tuổi) có nhiều vết nứt ngang, dọc. Bà phải khóa trái cửa đi ở nhờ


Khu vực xóm Bãi (xã Phong Vân - ảnh trên) và con đường đê nối nhiều xã ven sông Hồng của huyện Ba Vì (ảnh dưới) cũng đã xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài
Sau khi nhà dân bị nứt, Hà Nội gửi văn bản cho Phú Thọ đề nghị phối hợp
Trước đó, ngày 22-5-2024, UBND TP Hà Nội có công văn 1589 gửi UBND tỉnh Phú Thọ về việc phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh giữa hai địa phương.
Trong văn bản 1589 do Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông ký nêu UBND huyện Ba Vì có báo cáo trong thời gian qua tại khu vực địa bàn tỉnh Phú Thọ giáp ranh với huyện Ba Vì (xã Thái Hòa và xã Phong Vân) việc khai thác cát trên sông Đà, sông Hồng diễn ra công khai, tấp nập.
Tình trạng hút cát đã làm ảnh hưởng đến lòng sông, gây biến đổi dòng chảy làm sạt trượt chân kè và làm nứt đường đỉnh kè, tường rào, tường nhà và công trình dân sinh bị ảnh hưởng.
Do đó, UBND TP Hà Nội đề nghị tỉnh Phú Thọ thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa 2 địa phương. Cung cấp các tài liệu về việc cấp phép hoạt động khai thác cát tại khu vực giáp ranh cho UBND TP Hà Nội và thực hiện các biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống thiên tai, ngăn chặn xử lý dứt điểm các vi phạm về khai thác cát trái phép.
Tạm dừng khai thác cát đối với Công ty TNHH Tiến Nga
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, thời điểm xảy ra nứt nhà dân, ngày 15-5-2024, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng ký văn bản số 1355 báo cáo Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: "Tình trạng hút cát đã làm ảnh hưởng đến lòng sông, gây biến đổi dòng chảy… Chính quyền và nhân dân trong khu vực rất hoang mang, lo lắng".
Đến ngày 21-6-2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn ký văn bản số 2467 tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản đối với mỏ cát lòng sông Đà (tại khu vực giáp ranh với khu sạt lở ở xã Thái Hòa, xã Phong Vân, huyện Ba Vì, Hà Nội) đối với Công ty TNHH Tiến Nga (trụ sở tại huyện Tam Nông, Phú Thọ) để theo dõi, đánh giá chính xác ảnh hưởng của việc khai thác đến lòng, bờ, bãi sông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận