Nhiều người dùng mạng tuyên bố đây là ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy cháy rừng ở Úc - Anthony Hearsey
Những ngày qua, một "bức ảnh" được cho là cháy rừng ở Úc đã được chia sẻ hàng ngàn lần trong nhiều bài đăng trên Facebook, Twitter và Instagram. Nhiều người tuyên bố đây là "bức ảnh" cho thấy tình trạng cháy rừng khủng khiếp ở Úc được chụp từ vệ tinh của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA).
"Bức ảnh" cho thấy những đốm lửa sáng nằm rải rác khắp nước Úc, nhìn vào chẳng khác gì một hỏa ngục.
Giữa bối cảnh nhiều người thương vong, hơn 1 tỉ con vật chết (theo ước tính không chính thức mới nhất đăng trên kênh NBC News) và nhà cửa người dân bị lửa nuốt chửng ở Úc, "bức ảnh" này rõ ràng khiến nhiều người bức xúc và đăng tải lại. Ngay cả nữ ca sĩ nổi tiếng Rihanna cũng chia sẻ "bức ảnh" này.
Tuy nhiên, trang Fact Check (Kiểm tra sự thật) của Hãng tin AFP mới đây đã vào cuộc làm rõ vấn đề: Đây không phải là ảnh chụp từ vệ tinh.
Chủ nhân của tác phẩm này là ông Anthony Hearsey, một nhiếp ảnh gia ở thành phố Brisbane, bang Queensland của Úc.
Trao đổi với Hãng tin AFP, Anthony Hearsey cho biết ông đã tạo ra bản đồ cháy rừng này hôm 5-1, sử dụng dữ liệu từ Hệ thống thông tin hỏa hoạn dành cho quản lý tài nguyên (FIRMS) của NASA.
Trên Facebook, ông Hearsey cũng giải thích: "Đây là sự hình dung 3D (3 chiều) về các đám cháy ở Úc. Đây KHÔNG PHẢI LÀ MỘT BỨC ẢNH (chụp từ vệ tinh NASA). Hãy xem đây như một bản đồ, một mẩu nghệ thuật, được tạo ra từ dữ liệu của FIRMS từ ngày 5-12-2019 tới 5-1-2020. Đây là tất cả những khu vực bị ảnh hưởng do cháy rừng".
Nữ ca sĩ Rihanna chia sẻ bức ảnh với mô tả ngắn gọn: "Tàn phá" - Ảnh chụp màn hình
Sau khi biết đây không phải là ảnh chụp từ vệ tinh, một số người tuyên bố đây là ảnh giả. Tuy nhiên, ông Anthony Hearsey khẳng định đây không phải là ảnh giả. Ông nói rằng vấn đề nằm ở chỗ nhiều người đã lấy cắp bức ảnh của ông, rồi chia sẻ lên mạng xã hội và tuyên bố đây là ảnh vệ tinh.
Anthony Hearsey nói rằng ý định của ông chỉ là để mọi người hình dung được bao nhiêu khu vực của Úc đã hứng chịu các đám cháy. Ông sử dụng dữ liệu từ ngày 5-12-2019 tới ngày 5-1-2020 không phải để cho thấy bao nhiêu khu vực đang diễn ra cháy rừng, mà là bao nhiêu khu vực đã chịu cảnh cháy rừng.
Do đó, các thông tin được sử dụng và hiển thị trên bản đồ cháy rừng là chính xác. Tác phẩm 3D này cũng không cho thấy tình trạng cháy rừng vào một thời điểm riêng lẻ, mà đó là tổng hợp tất cả đám cháy ở Úc trong một tháng. Đài BBC nhận định: "Sự hình dung của tác giả đã bị hiểu sai".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận