Nguy cơ sỏi túi mật nếu ăn trứng quá nhiều
Mới đây, bệnh nhân V.V.K. (23 tuổi, An Giang) tình cờ phát hiện mình có sỏi túi mật trong đợt khám sức khỏe tổng quát.
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, bệnh nhân được siêu âm bụng, các bác sĩ phát hiện có nhiều viên sỏi trong túi mật, viên lớn nhất có kích thước gần bằng với một quả trứng cút nhỏ.
Tuy nhiên, anh K. không có bất cứ triệu chứng nào của sỏi túi mật như: đau bụng vùng hạ sườn bên phải, vàng da hay chán ăn…
Qua khai thác về chế độ ăn uống, bệnh nhân cho biết ăn trứng mỗi ngày, và ăn rất nhiều, trong suốt thời gian dài.
Bác sĩ Trần Xuân Phúc - khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - cho biết trứng là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ ăn và dễ chế biến.
Tuy nhiên, lòng đỏ trứng gà chứa nhiều cholesterol và việc tiêu thụ quá nhiều trứng trong chế độ ăn làm tăng nguy cơ tạo sỏi.
Theo khuyến cáo, ở người trưởng thành khỏe mạnh nên ăn trung bình khoảng 2-3 quả trứng một ngày và không nên quá 3 ngày trong tuần.
Điều trị sỏi túi mật hiện nay, phẫu thuật nội soi cắt túi mật là phương pháp điều trị chính.
Các điều trị sử dụng thuốc tiêu sỏi hoặc các thuốc Nam trong y học cổ truyền vẫn mang tính điều trị hỗ trợ và chưa được xem là điều trị chính thức để điều trị bệnh lý này.
Nên ăn trứng bao nhiêu hợp lý?
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng quốc gia - cho biết trứng là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, có chứa các thành phần dinh dưỡng: chất đạm, chất béo, canxi, sắt, kẽm, selen, vitamin B12, vitamin D, các acid béo no, cholesterol... Tỉ lệ các chất dinh dưỡng trong trứng rất phù hợp và cân đối.
Theo đó, lòng đỏ và lòng trắng trứng có độ đồng hóa khác nhau. Với lòng đỏ, do độ nhũ tương và các thành phần dinh dưỡng phân tán đều nên ăn sống hoặc chín cũng rất dễ đồng hóa, hấp thu.
Lòng trắng trứng ăn sống hoặc trần tái dễ gây đầy bụng khó tiêu. Vì vậy, lòng trắng trứng cần được làm chín trước khi ăn.
Trứng có nguồn chất béo rất quý đó là lecithin, lecithin thường có ít ở các thực phẩm khác (trừ đậu nành). Lecithin giúp giảm cân, giúp phá vỡ và phân tán mỡ trong thức ăn và trong máu thành những phân tử nhỏ hơn.
Khi đó, cơ thể sẽ sử dụng lượng mỡ đã được phân chia nhỏ này để làm nguồn nhiên liệu cung cấp năng lượng cho cơ thể hơn là dự trữ trong các mô tế bào.
Mặc dù chứa nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng cần ăn trứng đúng khuyến cáo:
Với trẻ nhỏ từ 6-7 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1/2 lòng đỏ trứng gà; trẻ từ 8-9 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1 lòng đỏ trứng gà hoặc 4 quả trứng chim cút; trẻ từ 10-12 tháng tuổi cho ăn cả lòng đỏ và lòng trắng và mỗi bữa ăn 1 quả; trẻ từ 1-2 tuổi ăn từ 3-4 quả/tuần.
Với người lớn, một tuần chỉ nên ăn 3 quả, người bị tăng huyết áp hoặc cholesterol cao trong máu vẫn có thể ăn trứng, vì nó không làm tăng huyết áp và cholesterol máu, tuy nhiên một tuần chỉ nên ăn từ 1-2 quả.
Cách lựa chọn trứng có chất lượng tốt
Bác sĩ Tiến khuyến cáo khi chọn trứng nên soi trứng trên nguồn ánh sáng: nắm quả trứng trong lòng bàn tay, chỉ hở hai đầu trứng, mắt nhìn vào đầu trứng, đầu kia soi lên một nguồn ánh sáng (ánh sáng mặt trời hoặc sáng điện).
Quan sát phần bên trong của trứng có vết máu không, ký sinh trùng, giun sán, có vật gì lạ không. Trứng tốt soi có màu hồng, trong suốt với một chấm hồng, túi khí có đường kính dưới 1cm, đường bao quanh cố định.
Cách khác có thể thả vào dung dịch nước muối 10%: khi thả vào dung dịch trứng chìm xuống đáy có nghĩa là trứng mới đẻ trong ngày.
Trứng lơ lửng trong dung dịch có nghĩa là trứng đã đẻ 3 - 5 ngày. Nếu trứng nổi trên mặt dung dịch thì trứng đã để quá 5 ngày.
Phương pháp lắc trứng: cầm quả trứng giữa hai ngón tay trỏ và ngón tay cái, khẽ lắc. Trứng mới lắc không kêu, trứng càng để lâu lắc càng kêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận