24/08/2011 04:15 GMT+7

Ân tình dân rạch Đá Biên

MAI LÂM
MAI LÂM

TT - Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày Quốc khánh 2-9 và các dịp lễ tết, người dân địa phương tất tả sửa soạn mâm cơm cúng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Read this on Tuoitrenews.vn

QTr480fb.jpgPhóng to
Chị Tư Tờ chăm sóc miếu Bắc Bỏ - Ảnh: Mai Lâm

Anh Tư Tờ hối vợ sửa soạn dọn mâm. Từ dưới bếp, chị Tư khệ nệ bưng lên nồi cháo trắng gạo mới còn bốc hơi nghi ngút. Trên nhà, bé Diễm chuẩn bị đĩa muối hột, Út Nhiễn chăm chút chùm chôm chôm, Tư Tờ lóng ngóng so đũa bằng đôi bàn tay thô, móng tay đóng phèn vàng khè. Chờ vợ bưng mâm đồ ăn bước xuống chiếc xuồng tròng trành, Tư Tờ cũng nhảy xuống, lẹ làng đẩy mũi xuồng day ra mé nước.

Xuồng cập mé một miếng đất trống có che mấy tấm tôn. Xung quanh bốn bề là sông. Nổi lên trên màn nước bạc mênh mông, giữa những bông sen, bông súng của vùng Đồng Tháp Mười là căn chòi nhỏ có căng lá cờ Tổ quốc làm phông nền. Bên dưới lá quốc kỳ là cái miếu thờ nhỏ xây thô chưa kịp tô trát.

Trước miếu thờ có dòng chữ (bị sai lỗi chính tả), được ghi vội trên nền ximăng lúc ximăng chưa khô: “Hi sinh gì (vì - PV) Tổ quốc”. Người viết chắc là đã ráng nắn nót, nhưng nét chữ vẫn không chịu ngay ngắn mà như chữ viết của học trò lớp 1.

Cuộc kiếm tìm gần 40 năm

Xe chạy tới cầu 79 thuộc ấp 5, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, Long An, ông Ba Thi (Phan Xuân Thi, trưởng ban liên lạc bạn chiến đấu và cựu chiến binh trung đoàn 207, thuộc Quân khu 8 cũ) ghé lại hỏi thăm đường. Thoáng nghe giọng miền Bắc, anh Đoàn Văn Xẹn, bán tạp hóa ngay chân cầu, hỏi liền: “Mấy chú đi kiếm miếu Bắc Bỏ phải hông?”.

Ông Ba Thi hỏi dồn: “Miếu gì mà sao anh kêu bằng miếu Bắc Bỏ?”. Anh Xẻn trả lời: “Bà con ở đây ai mà hổng biết. Miếu đó bà con tự dựng lên để thờ mấy chú bộ đội người miền Bắc hi sinh nằm lại ở Đồng Tháp Mười này nên mới có tên vậy đó”.

Nghe tới đây ông Ba Thi thấy như có luồng điện chạy dọc sống lưng. Ông quyết định mướn ghe máy chạy vô kiếm cái miếu. Hai bên bờ kênh tràm mọc san sát. Càng chạy tầm nhìn càng bị cản trở vì bây giờ chỉ còn tràm và tràm. Chạy khoảng 10 phút, tài công cho ghe ghé vào một gò đất. Trên gò đất nổi, không gì xa lạ, là ngôi miếu với dòng chữ đầy ắp ân tình của những người dân ít học: “Hi sinh gì Tổ quốc”. Ông Ba Thi bật khóc...

Ký ức của ông quay ngược lại 38 năm. Ngày 3-10-1973, trung đoàn 207 được lệnh hành quân bí mật luồn sâu xuống Đồng Tháp Mười (vùng 8 Kiến Tường cũ). Hành quân suốt đêm xuyên Đồng Tháp Mười giữa mùa nước nổi, khi tới rạch Đá Biên thì trời sáng, đơn vị phải ém quân tại rừng tràm để nghỉ. Điểm dừng chân là một rừng tràm gió thưa thớt.

Anh em chiến sĩ phần lớn là tân binh miền Bắc, vốn là sinh viên mới được bổ sung vào đơn vị trước đó hai ngày, chưa quen với môi trường sông nước. Nơi ém quân bị lộ, giặc phát hiện huy động trực thăng đổ quân xuống bao vây, xe bọc thép M113 lội nước ập đến. Bộ phận cảm tử ở lại chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và đã có hàng trăm người anh dũng hi sinh.

Ông Ba Thi kể: “Những ngày sau đó địch vẫn tiếp tục lùng sục, phục kích không cho đơn vị trở về lấy thi thể đồng đội. Mãi đến 12 ngày sau chúng mới rút quân”. Khi đó, đơn vị giao nhiệm vụ cho đội trinh sát cùng du kích địa phương đêm đêm bơi xuồng tìm đồng đội. Trong vòng bảy đêm, đội chỉ tìm được khoảng 40 liệt sĩ. Giữa cánh đồng nước mênh mông, đội tìm kiếm phải dùng màn vớt thi thể anh em. Không có đất chôn, các anh phải bó thi thể lại treo lên cây hoặc thả xuống nước, cột chặt vào gốc tràm chờ mùa khô nhờ đồng bào chôn giúp. Số anh em còn lại do đêm tối cây cỏ um tùm không thể tìm thấy. Chiến trường ác liệt, đơn vị lại phải tiếp tục hành quân, đắng lòng gửi đồng đội nằm lại Đồng Tháp Mười đầm lầy chua mặn”.

2H6F13zB.jpgPhóng to
Bé Út Nhiễn, con gái út của anh Tư Tờ, chọn những hoa sen đẹp nhất đặt lên miếu thờ các chú liệt sĩ - Ảnh: Mai Lâm

Hằng năm tới ngày đám giỗ là bé Út Nhiễn, con gái út anh Tư Tờ, lại nhận nhiệm vụ chèo xuồng đi hái những bông sen đẹp nhất đem về để bàn thờ.

Út Nhiễn hồn nhiên: “Hằng ngày dọn cơm lên, cả nhà con vẫn mời mấy chú về ăn chung. Mời xong má mới cho mấy chị em cầm đũa”.

Anh nông dân nghèo ba lần xây miếu

Nghe mọi người thắc mắc về dòng chữ trước miếu, vừa nhanh nhẹn cầm chổi quét lá khô xung quanh miếu, chị Mai Thị Tiếp, vợ anh Tư Tờ, vừa nói như phân bua: “Thấy người ta lập miếu thờ hay viết văn, viết chữ ghi lại chiến công, ông xã em bàn với mấy anh em ở đây viết chữ. Ngặt cái ai cũng ít học, viết được nhiêu đó thôi hà”.

Nhớ hồi hai vợ chồng quyết định lập nghiệp ở rạch Đá Biên (ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, Long An) này, anh em ai cũng cản: “Trời đất, trong đó mấy ổng chết hằng hà mà vợ chồng mày gan cùng mình vậy hả?”. Nhưng phận nghèo, không miếng đất cắm dùi, không vô đó thì biết đi đâu.

Chị Tư Tờ tiếp lời chồng: “Hồi mới vô hổng có miếng nước uống. Hai vợ chồng đi gom cỏ tranh về đốt lấy tro đem bỏ vô lu để lóng phèn. Làm đỡ vậy thôi chứ nước lóng xong uống vô còn nghe chua lét”.

Thương mấy anh bộ đội hi sinh xa nhà, hai vợ chồng bàn nhau dựng cái miếu thờ. Thời kỳ đầu Tư Tờ dựng bốn cái cột, kiếm mấy tàu lá về chằm rồi lợp lên trên. Sau mùa lúa, anh Tư chèo ghe ra mua mấy viên gạch, chút ximăng về sửa lại. Miếu “bêtông hóa” rồi mà vẫn còn nhỏ xíu, Tư Tờ cảm thấy chưa yên. Nghe nói mấy anh chết ở đất này cả mấy trăm người, miếu chút xíu vậy sao mà thờ cho đủ, tội lắm. Không có tiền thì vợ chồng vay mượn để làm.

Chị Tư Tờ cười bộc tuệch: “Tui chèo xuồng ra chợ hỏi mua tấm thiếc mà hổng đủ tiền. Vậy là chèo về, đi mượn 1 chỉ vàng bán được 300.000 đồng mua vật liệu, mướn ông thợ về mần ba ngày mới xong. Ông thợ chỉ lấy tiền công hai ngày, còn một ngày làm ủng hộ chiến sĩ”.

Mỗi ngày, hễ thuận đường hay rảnh rỗi là anh chị Tư Tờ lại ghé vô miếu dọn dẹp, châm nước, đốt nhang. Thấy chị cúng cơm, nhiều người đi ngang hỏi thăm. Dần dà miếu Bắc Bỏ trở thành điểm lui tới thăm viếng của bà con nơi đây. Mỗi năm, vào ngày các anh hi sinh (nhằm mồng 8-9 âm lịch), bà con trong vùng làm đám giỗ tập thể. Khách đi đám giỗ là chị bán ghe hàng, anh bán vé số, người đi đặt trúm lươn, giăng câu... Không

chỉ người ở rạch Đá Biên này mà người từ miệt kênh trên, kênh giữa và các xã khác cũng về. Đồ cúng đám thì ai có gì đem nấy: từ con cá, ký lươn, cặp vịt xiêm hay mấy xị rượu trắng. “Có năm bà con về đông quá không đủ chén ăn phải ăn bằng cái nắp ấm. Vậy là năm sau có người về cho chục chén, chục tô. Ăn đám năm này, bà con tự động góp mỗi người 5.000-10.000 đồng gây quỹ để mua nhang đèn, cúng cơm, làm đám năm sau” - chị Tư Tờ hồ hởi kể.

Gần tới ngày làm đám, xuống ấp Đá Biên, hễ thấy ghe nào, xuồng nào quẹo vô rạch Đá Biên, thẳng hướng miếu Bắc Bỏ, trên xuồng có cắm một cây cờ Tổ quốc là biết xuồng đi ăn đám giỗ. Anh Nguyễn Văn Phọng, một người dân vùng này, rổn rảng: “Đám cúng buổi sáng, tụi tui rủ nhau ở lại tới chiều tối bên miếu cho mấy ảnh ấm lòng. Đêm đó ca hát cũng bộn à nghen! Ai ca vọng cổ cũng có người gõ phách, gõ chén, gõ thùng thiếc đệm đờn. Có năm bà con ở lại đông, uống hết 130 lít rượu”.

Từ khi hình thành đến nay, miếu đã được xây sửa ba lần, anh Tư Tờ nói nếu vợ chồng anh làm ăn khấm khá thì thế nào cũng sửa lại cái miếu cho đàng hoàng. Giờ mà có mạnh thường quân nào bỏ tiền ra xây miếu, anh sẵn sàng hiến đất cho xây. “Để lỡ khi người thân của mấy ảnh từ ngoài Bắc hay tin vô thăm, thấy cái miếu cũng đỡ tủi thân. Mà chắc tới chừng xây lại người ta sẽ không ghi tên là miếu Bắc Bỏ nữa đâu. Tên đó nghe buồn quá”.

Tấm lòng với các chiến sĩ hi sinh vì Tổ quốc

Miếu thờ hình thành từ năm 1991 và có tên gọi “Bắc Bỏ” do người dân địa phương đặt để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, sự kính trọng, biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ quê miền Bắc đã vào Nam chiến đấu, hi sinh cho độc lập Tổ quốc tại vùng đất này.

Ông Trần Văn Vũ - phó chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, Long An - cho biết khu vực rạch Đá Biên là nơi vào năm 1973 quân ta ém quân. Lúc đó nơi đây cây cối thưa thớt, chỉ có cỏ nên bị địch phát hiện, tổn thất nhiều. Sau ngày đất nước thống nhất, người dân vào khai hoang, phát hiện nhiều quân trang, quân dụng như balô, nón cối..., có giao nộp cho địa phương. Miếu Bắc Bỏ do người dân tự lập nên và thường xuyên đến nhang khói, thể hiện tấm lòng với các chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc. Chính quyền xã đã đề xuất lên cấp trên về việc tu sửa, phục dựng miếu thờ để bà con có nơi thờ cúng.

Bà Phạm Thị Đấu - nguyên tỉnh ủy viên tỉnh Kiến Tường, phụ trách khu vực này trong giai đoạn 1973 - xác nhận: ngay trong đêm trung đoàn 207 bị giặc phục kích, bà và du kích địa phương đã bí mật chèo xuồng vào tìm kiếm bộ đội.

Bà kể: “Đêm đó chúng tôi chỉ tìm được một chiến sĩ còn sống sót và đưa anh thoát ra. Đến 5g sáng hôm sau trực thăng của giặc trở lại quần đảo nên chúng tôi buộc lòng phải quay ra”.

Đến năm 1992, khi về công tác tại Phòng lao động - thương binh và xã hội huyện Mộc Hóa, bà đã trở lại khu vực này, tổ chức quy tập được một số hài cốt đựng đầy trong khoảng chục cái quách (gồm xương, đất, quân trang) về chôn chung thành mộ tập thể của liệt sĩ trung đoàn 207 tại nghĩa trang Mộc Hóa.

MAI LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên