26/10/2018 18:01 GMT+7

Ấn Độ: ô nhiễm gây khủng hoảng y tế toàn quốc

Ý NGUYÊN
Ý NGUYÊN

TTO - Tình trạng ô nhiễm không khí diễn biến ngày càng xấu tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ và các thành phố lân cận trong những ngày qua. Mối lo càng lớn khi ngày hội đốt pháo sắp đến gần.

Ấn Độ: ô nhiễm gây khủng hoảng y tế toàn quốc - Ảnh 1.

Việc đeo khẩu trang ngoài phố giờ là chuyện thường thấy ở các đô thị của Ấn Độ - Ảnh: REUTERS

Theo báo Hindustan Times, 14/15 thành phố có độ ô nhiễm không khí tệ hại nhất thế giới là thuộc Ấn Độ.

Ô nhiễm không khí được xác định là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh phổi, tim mạch và các bệnh hô hấp cấp tính, sinh non…

Tờ báo của Ấn Độ còn ghi nhận tỉ lệ khá cao trẻ em ở nước này bị ảnh hưởng ở phổi và não do ô nhiễm đến mức không hồi phục được. Ấn Độ cũng có tỉ lệ người chết vì các bệnh hô hấp mãn tính và suyễn cao nhất thế giới.

Theo báo Hindustan Times, đây là cuộc khủng hoảng y tế cấp quốc gia và đòi hỏi những hành động phản ứng khẩn cấp.

Chính phủ Ấn Độ thực ra đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện vấn đề này, nhưng dường như chưa đạt hiệu quả cao. Bằng chứng nằm ở ngay thủ đô New Delhi.

Chất lượng không khí tại New Delhi đang có chiều hướng gần chạm mức nghiêm trọng, trong khi chưa đầy 2 tuần nữa là đến lễ Diwali (lễ hội Ánh sáng) ở Ấn Độ. Các cảnh báo lo sợ mức độ ô nhiễm không khí sẽ đạt đỉnh chủ yếu do người dân đốt pháo trong dịp lễ hội này.

Ấn Độ: ô nhiễm gây khủng hoảng y tế toàn quốc - Ảnh 2.

Người dân đốt pháo trong dịp lễ hội Diwali năm 2017 - Ảnh: AFP

Vào sáng nay 26-10, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được đã lên tới mức 358, tăng so với mức 337 đo được trước đó một ngày.

Chỉ số AQI trong khoảng từ 0 - 50 được cho là tốt; từ 51 - 100 là mức trung bình; từ 101 - 200 là mức kém; 201 - 200 là mức xấu; 301 - 400 là rất xấu và 401 - 500 là mức nghiêm trọng.

Từ ngày 22-10 đến nay, chất lượng không khí tại New Delhi luôn dao động ở mức xấu và rất xấu. Trong khi đó, các thành phố lân cận như Noida, Greater Noida, Ghaziabad, Gurgaon và Faridabad cũng ghi nhận mức độ ô nhiễm cao trong 5 ngày qua.

Trước tình hình đáng báo động trên, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ, ông Imran Hussain đã xem xét triển khai kế hoạch ứng phó mang tên GRAP. Kế hoạch GRAP kích hoạt theo lệnh của Tòa án tối cao khi chỉ số AQI chạm ngưỡng nghiêm trọng.

Tòa án tối cao Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm một phần việc đốt pháo trong dịp lễ Diwali nhằm đảm bảo mức độ ô nhiễm thấp hơn những năm trước. Theo đó, người dân chỉ được đốt "pháo xanh" trong khung giờ từ 20h - 22h.            

Ý NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên