14/07/2018 14:50 GMT+7

Ai sẽ giúp em viết tiếp giấc mơ dang dở?

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Bùi Thanh Phương (14 tuổi), cậu học sinh lớp 8 trường THCS Trần Phú (quận 10, TP.HCM) bật khóc khi nói về hoàn cảnh gia đình và nỗi lo phải bỏ dở việc học.

Sợ không đủ tiền đi học

Nhiều năm qua, Phương là học sinh khá, giỏi trong lớp. Để đạt được những thành quả này, Phương phải cố gắng hơn nhiều bạn khác vì gia đình khó khăn, em không có đủ tiền để đi học thêm. Hầu hết em đều tự học, riêng đối với các bài khó, Phương nhờ người chị họ hướng dẫn cách làm.

Ba Phương, anh Bùi Trung Nghĩa, hiện đang là bảo vệ dân phố với đồng lương 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài giờ đi làm, anh còn tranh thủ chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Trong khi đó, mẹ Phương, chị Trần Thị Chiến, cũng đang từng ngày nuôi hai anh em Phương ăn học bằng quầy bán bánh xèo nhỏ ngay trước nhà.

Mỗi ngày ngoài giờ học từ 7h sáng đến 11h trưa xen kẽ với học trái buổi từ 13h đến 16h, Phương lại về nhà phụ mẹ nấu cơm, cho em ăn và dạy em học bài. Sau đó, em lại lau dọn nhà cửa và phụ mẹ bán bánh xèo đến tối rồi mới ngồi vào bàn tự học.

Hầu hết thời gian Phương đều dành cho việc học và ở nhà phụ giúp gia đình. Em rất ít đi chơi với bạn vì ngại để cho bạn bè trả tiền giúp. Bóng rổ là sở thích của Phương khi em có thời gian rảnh rỗi vì môn thể thao này vừa lành mạnh vừa không tốn quá nhiều chi phí để chơi.

Tâm sự với chúng tôi, Phương nhiều lần đưa tay lau nước mắt khi nói về những mặc cảm, tủi thân của một cậu bé mới lớn. Dù hiểu hoàn cảnh gia đình và luôn nỗ lực chia sẻ gánh nặng với ba mẹ nhưng Phương cũng không khỏi chạnh lòng khi thấy bạn bè được đi học thêm những môn còn yếu, có quần áo mới mặc vào đầu năm học.

"Em còn yếu môn tiếng Anh nhưng không có tiền để đi học. Em buồn vì ai cũng mặc áo mới mà em mặc đồ cũ. Hoàn cảnh em khó khăn không như các bạn, biết làm sao bây giờ…" Phương khóc.

Dù còn nhiều nỗi buồn lắm, nhưng trong câu chuyện mà Phương kể, chúng tôi cảm nhận nỗi lo lớn nhất của em chính là phải gián đoạn việc học vì không đủ khả năng chi trả.

"Em thích đi học lắm, thật sự rất thích đi học, nhưng bây giờ em cảm nhận việc học của mình giống như được ngày nào hay ngày đó, nếu nhà không có tiền thì buộc phải nghỉ thôi, không thể đi tiếp đến đại học được. Ai sẽ thay ba mẹ lo cho việc học của em bây giờ?", cậu học sinh 14 tuổi hỏi chúng tôi, rồi bất giác nhìn ra cửa nhà, nơi mẹ em đang cặm cụi dọn bếp chuẩn bị bán.

Sau cuộc trò chuyện này, Phương sẽ lại phải quay về cuộc sống tất tả, nhiều buồn tủi mỗi ngày. Em sẽ phụ mẹ dọn dẹp, lặt rau, bưng bê đến tối mịt, rồi lại một mình tự học. Câu hỏi của Phương, ai sẽ thay em trả lời?

"Khó khăn dạy em nghị lực sống"

Chúng tôi tìm đến nhà Nguyễn Xuân Nghiên (18 tuổi), lớp 12 trường THPT Nguyễn Khuyến (Quận 10, TP.HCM) vào một sáng cuối tuần. Mẹ Nghiên, chị Nguyễn Thị Rớt (43 tuổi), lúc ấy chưa về đến. Nghiên mời chúng tôi vào nhà. Căn nhà chỉ có một cái bàn, một chiếc nồi cơm điện, cái gác lửng và bàn thờ của anh Nguyễn Xuân Trường - ba Nghiên.

Năm 2009, anh Trường qua đời vì căn bệnh u não, bỏ lại chị Rớt và ba đứa con thơ. Từ một người phụ nữ sống trong êm ấm, chị Rớt buộc phải nỗ lực để mưu sinh từng ngày bằng đủ công việc, và trên hết là để duy trì việc học của Nghiên.

Hiểu được sự vất vả của mẹ, Nghiên luôn chăm chỉ học hành để đạt kết quả tốt nhất có thể. Năm lớp 9, em là học sinh giỏi trong đội tuyển chuyên Sinh tại trường. Ngoài ra, Nghiên còn đoạt các giải thưởng về võ thuật cấp thành phố. Suốt nhiều năm liền, cậu học sinh này cũng luôn phấn đấu hoàn thành tốt các môn học tại trường và dành phần thời gian còn lại để chăm sóc, đỡ đần mẹ.

Ai sẽ giúp em viết tiếp giấc mơ dang dở? - Ảnh 1.

Nguyễn Xuân Nghiên (trái) và mẹ - Ảnh: BÌNH MINH

Kể từ năm 2013 đến nay, chị Rớt chọn kế sinh nhai là công việc bán bún bò từ 3 giờ chiều đến 9 giờ 30 tối ở gần Xí nghiệp May - Cục Hậu Cần Quân Khu 7 (Quận 10), thu nhập khoảng từ 4 đến 6 triệu mỗi tháng. Những ngày bán đắt hàng, chị có thể kiếm được khoảng 200.000 đồng. Ngày nào còn dư bún, bốn mẹ con lại quây quần về nhà chia nhau ăn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, chị Rớt nói việc buôn bán không còn được khá khẩm như trước vì công nhân chủ yếu chuyển sang ăn cơm.

Ngày chúng tôi đến nhà, Nghiên vừa nộp đơn phỏng vấn xin việc ở một công ty. Em nói mình đã lớn, đã đến lúc thay mẹ lo cho các em và có trách nhiệm với gia đình nên muốn đi tìm việc làm thêm trong mùa hè, trong lúc chờ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và nộp đơn vào trường đại học.

Tuy cuộc sống vất vả nhưng Nghiên vẫn giữ được sự lạc quan và điềm tĩnh. Cách đây nhiều năm, một lần chứng kiến mẹ bệnh nặng, Nghiên nói mình bắt đầu nghĩ đến việc mọi thứ sẽ ra sao nếu mẹ không còn nữa?

"Em không muốn trở thành gánh nặng của mẹ, nên em luôn ý thức tự lo lắng cho sức khỏe và cuộc sống của mình để mẹ an tâm", Nghiên chia sẻ.

Bốn năm đại học phía trước sẽ là chặng đường để Nghiên phải tiếp tục cố gắng, nhưng nói về những thử thách phía trước, chàng trai trẻ này chỉ mỉm cười: "Em nghĩ cuộc sống thiếu thốn hơn bạn bè đã dạy cho em nghị lực sống. Nếu không có mẹ, cũng không có khó khăn, thì chắc đã không rèn nên con người em ngày hôm nay".

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

"Khó khăn, nhưng không bao giờ từ bỏ việc học" 'Khó khăn, nhưng không bao giờ từ bỏ việc học'

TTO - Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, cả hai cậu bé Trịnh Văn Tốt (9 tuổi) và Tiêu Lý Đình Khang (13 tuổi) đều thể hiện quyết tâm được theo đuổi việc học đến cùng.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: đèn đom đóm