24/01/2021 13:31 GMT+7

Ái Như và nước mắt người mẹ

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Nghệ sĩ Ái Như đã nhiều lần lấy đi nước mắt của khán giả, cũng có khi là sự sững người, vừa thương vừa giận qua những vai diễn người mẹ rất ấn tượng. Nhưng ít ai ngờ mong ước của chị là một lần được diễn cho mẹ mình xem...

Ái Như và nước mắt người mẹ - Ảnh 1.

Ái Như (trái) trong vở Bông hồng cài áo - Ảnh: GIA TIẾN

Những nhân vật người mẹ trên sân khấu của tôi ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ ruột của mình, không hẳn là nhân dáng, mà là tinh thần. Mẹ là người phụ nữ hết sức nghị lực, cuộc đời bà gặp quá nhiều mất mát nhưng bà đã bản lĩnh vượt qua để nuôi con khôn lớn. Vì vậy, với tôi mẹ là tất cả, là niềm tin, điểm tựa, là ánh sáng để nhìn vào những lúc cuộc đời mịt mù, khó khăn nhất.

ÁI NHƯ

Trong vở diễn Bàn tay của trời ra mắt cuối tháng 9-2020 và hiện là vở diễn gây chú ý tại sân khấu Hoàng Thái Thanh, nghệ sĩ Ái Như lại có thêm một vai diễn hay khắc họa hình ảnh người mẹ khó quên trên sân khấu. Đó là hình ảnh bà Đồ trong một linh hồn mong manh quấn quýt theo chân đứa con bé bỏng và đau đớn, bất lực vì không thể kéo con ra khỏi vũng bùn.

Trước đó, chị đã khiến người ta khắc khoải với hai nhân vật bà mẹ rất khác nhau trong vở kịch Bông hồng cài áo, nối dài những nhân vật bà mẹ gây ấn tượng của chị trên sân khấu Hoàng Thái Thanh như Nửa đời ngơ ngác, Nửa đời hương phấn, Rau răm ở lại, Bao giờ sông cạn, Lạc dòng...

Khoảng lặng trong nghiệp diễn

Ái Như nhận vai bà mẹ đầu tiên khá sớm, đâu chừng năm 1992, 1993 với vở Tình 281 ở sân khấu nhỏ 5B. Chị vào vai một người mẹ chê anh chồng nhà văn nghèo (do NSND Việt Anh đóng), bỏ chồng, bỏ con chạy theo vật chất. Vở cũng diễn được thời gian dài đủ để người ta ghét cay ghét đắng bà mẹ. Nhưng sau vai diễn đó, Ái Như tiếp tục trở về những vai con nít hoặc người ta chỉ mời chị làm đạo diễn.

Cô đạo diễn trẻ lại thiếu tự tin, sợ đã dàn dựng còn đứng vào diễn sẽ khó chu tất, không nhìn được tổng thể. Cứ kéo dài như thế 7, 8 năm đến mức người ta quên mất Ái Như là diễn viên. Cảm giác thèm được diễn nghẹn ứ khi nhìn đồng nghiệp đứng trên sân khấu khiến Ái Như muốn khóc. Không ai mời chị diễn, Ái Như mặc cảm đến mức ngay cả vở mình đạo diễn chị cũng không dám mở lời xin giám đốc sân khấu cho mình một vai nhỏ.

Hồi đó, Ái Như dựng một vở diễn, rồi vì lý do gia đình cô diễn viên chính không thể diễn, Ái Như vào thay vai. Chị nhớ có một đạo diễn đã vỗ vai chị hỏi: "Ai thế vai vở này vậy Như?". Khi chị bảo là mình, đạo diễn nhíu mày: "Ồ, coi chừng nha!".

Lời nói đó như gáo nước lạnh tạt vào mặt Ái Như. Một lần khác, kịch bản do chị và nghệ sĩ Thành Hội phóng tác được giao cho người khác dựng. Thấy một vai phù hợp, chị đã ngỏ lời xin vai, vị đạo diễn cười cười và cũng bằng lòng. Nụ cười miễn cưỡng đó khiến tim chị đau thắt. Tất cả điều đó với Ái Như như những vết thương lòng, lâu lâu chạm đến lại đau nhói.

Sau này, thỉnh thoảng chị bày tỏ với thầy của mình là đạo diễn Trần Minh Ngọc về sự thiếu tự tin, lúc nào thầy cũng tròn mắt: "Ái Như mà thiếu tự tin ư?". Bởi với đam mê, nhiệt huyết của mình, Ái Như và Thành Hội đã cùng lèo lái sân khấu Hoàng Thái Thanh qua bao gập ghềnh để tồn tại 10 năm nay, kiên trì với những vở bi kịch được dàn dựng đàng hoàng, tử tế, tạo nên một thương hiệu sân khấu được nhiều người tin cậy thì phải là những người thật giỏi nghề, kiên trì và bản lĩnh.

Bây giờ, nhìn lại quãng thời gian trầm lắng đó, Ái Như nghĩ nhẹ nhàng hơn. Có thể họ vô tình, có thể do chị quá nhạy cảm. Và cũng có thể do sự thể hiện của mình chưa tạo được niềm tin ở người khác. Nhưng có lẽ đó cũng là thời gian quý báu để người nghệ sĩ nhìn ngắm lại, trăn trở, tích góp cảm xúc, kinh nghiệm để tỏa sáng ở một cánh cửa khác.

Những bà mẹ khác nhau

Từ khi đứng ra thành lập sân khấu Hoàng Thái Thanh, Ái Như càng có cơ hội với nghiệp diễn. Lúc này, tay nghề đạo diễn của chị đã có thâm niên, lại thêm giám đốc nghệ thuật là nghệ sĩ Thành Hội luôn sẵn sàng hỗ trợ, nhìn ngắm tổng thể giùm khi chị bước vào một nhân vật trong vở diễn. Những câu "thần chú" nằm lòng dành cho diễn viên mà chị luôn nhắc nhở học trò của mình khi hóa thân vào nhân vật: Tôi là ai? Tôi ở trong hoàn cảnh nào? Tôi phải làm gì?

Trong một tháng tập luyện vở diễn, mọi người phải luôn trăn trở, suy nghĩ về nhân vật đến mức nó "ám" vào mình, để mình có thể thấm, sống cùng nhân vật. Một khi đã thấm thì mọi hành xử của nhân vật sẽ hết sức tự nhiên, như hơi thở của mình. 

Tuân thủ nguyên tắc đó mà khi đào xới tâm lý, khai thác nhân vật, các vai diễn của Ái Như ngày càng sống động và ám ảnh hơn trên sân khấu, đặc biệt là những vai bà mẹ. Chị không bó hẹp ở hình ảnh bà mẹ chịu thương chịu khó, mà có thể là bà mẹ thương con nhưng khá khắc nghiệt trong Nửa đời ngơ ngác hoặc bà mẹ hám tiền khiến người ta kinh tởm trong Rau răm ở lại.

Cái hay của Ái Như là mỗi vai bà mẹ, chị trăn trở xây dựng những lớp diễn mà nhắc tới vai diễn đó khán giả buộc phải nhớ tới lớp diễn đó. Đó là cảnh bà mẹ bào bắp đến tóe máu tay trong Lạc dòng khi đối diện với người phụ tình còn muốn đang tâm phá nát cuộc hôn nhân của con mình. Cảnh bà Tư bán tàu hủ đau đớn như ai bóp nghẹt tim gan khi hai đứa con rứt ruột đẻ ra vội vã ôm đồ chạy sang nhà bà nội giàu có trong Bông hồng cài áo.

Chỉ xuất hiện rất ít trong vở Rau răm ở lại, Ái Như đã khiến người xem bất ngờ với khả năng "lật mặt" của bà Thêm, vợ ông Năm Nhỏ (NSƯT Thành Hội đóng). Một người đàn bà lừa dối chồng bao nhiêu năm để đi với nhân tình, bất ngờ gặp lại bà tiếp tục đối phó bằng cách lừa thoát thân và đoạt tiền của ông. 

Cảnh Quách Phú Thàn (Đoàn Thanh Tài đóng) quăng tiền vào mặt bà Năm, bà quỳ xuống hai chân bò như một con thú gom từng tờ tiền bay tứ tung, bà thở hồng hộc, mắt long sòng... Lúc đó, người xem gai người một cảm giác ớn lạnh khi lòng tham, sự bội bạc biến một người mẹ trở nên đáng kinh tởm, mất hết nhân tính.

Xem những vai diễn người mẹ trên sân khấu của Ái Như, không ít khán giả bắt gặp đâu đó hình ảnh của mình, của mẹ mình. Chính sự đồng cảm đó đã khiến họ miệt mài đi cùng nhân vật qua những thăng trầm, đau khổ. 

Để rồi cuối suất diễn người xem ôm hoa lên tặng cho bà mẹ Ái Như mà nghẹn ngào nói mãi chẳng nên lời. Người diễn viên cũng chẳng biết phải dỗ khán giả ra làm sao. Vậy là đôi bên cứ đứng tần ngần trong một cảm xúc khó diễn tả thành lời...

Ái Như và nước mắt người mẹ - Ảnh 4.

Bà Đoàn Thị Hảo, mẹ nghệ sĩ Ái Như, cài hoa hồng lên ngực áo con gái mùa Vu lan năm Ái Như 36 tuổi - Ảnh: NVCC

Muốn diễn cho mẹ xem

Những năm 1990, mẹ và anh chị định cư tại Mỹ trong khi con gái út Ái Như xin phép ở lại bởi quá mê sân khấu, sợ qua đó không có chỗ làm nghề. Điều đó làm mẹ rất giận, vì cô con gái cưng trong mắt bà vốn ốm yếu, từ bé cứ ngày nắng thì đi học còn mưa gió lại sụt sịt bệnh phải ở nhà. Lại còn ở lại làm cái nghề chẳng biết có tương lai hay không, rồi sống như thế nào? Giằng co mãi cuối cùng con gái út chẳng chịu đi. 

Ngày rời Việt Nam, mẹ kéo vali đi một nước không ngoái đầu nhìn lại. Vậy nhưng thương con, mấy năm sau mẹ lại quay về thăm con gái, trong hành lý lúc nào cũng có những đôi bông tai "hàng sale" xinh xắn mà mẹ tẩn mẩn mua về cho con đi diễn. Tới khoảng năm 1997 bà hồi hương và qua đời năm 2000.

Trong cuộc đời mình, Ái Như khao khát được một lần diễn cho mẹ xem nhưng điều đó không bao giờ thực hiện được. Lúc bà chuẩn bị sang Mỹ, vì giận con không nghe lời nên bà không xem con diễn. Lúc hồi hương, bà xuất gia vào chùa nên cũng không tiện đi xem hát. Nhưng bà vẫn xem tin tức, đón đọc những bài báo viết về con gái với niềm vui lấp lánh trong đôi mắt. 

Dù mẹ không còn giận nhưng đến giờ Ái Như vẫn ray rứt vì đã làm mẹ buồn. Khi diễn Nửa đời ngơ ngác, bà Hai trong vở thương con, giận con như thế nào Ái Như cũng đau từng chặp bởi chị thấy trong đó bóng dáng, nỗi lòng của người mẹ ruột kính yêu.

Bao nhiêu người mẹ trên sân khấu đi qua cuộc đời Ái Như là bấy nhiêu lần trái tim của chị rung lên những nỗi đau rất thật. Nhưng với Ái Như, được thể hiện những nhân vật bà mẹ là niềm hạnh phúc to lớn bởi với chị tình mẫu tử luôn cao quý, thiêng liêng mà bất cứ ai cũng cần nâng niu và trân trọng.

Tự dặn lòng "giữ cảm xúc vừa vặn"

Dạo sau này Ái Như bị rối loạn tiền đình. Mỗi lần làm việc nhiều mất ngủ rất dễ bị tái bệnh. Vậy nhưng nghiệp diễn đã vận vào người, như hồi ròng rã cả tháng trời với Bông hồng cài áo khiến chị mệt rã rời, giọng khan đi. Những ngày cuối đúng nghĩa là cố lê tấm thân về nhà, bò lên giường và nằm bất động.

Để khán giả có thể cảm, có thể xúc động rơi nước mắt, người diễn viên cũng phải vắt tim óc, cũng phải đau với nỗi đau xé của nhân vật, nhất là với những nhân vật người mẹ. Bởi vậy, khi diễn người mẹ trong Lạc dòng với quá nhiều mất mát, bị tình phụ, bị coi rẻ và đau đớn nhất là mất con, mỗi lần xong cảnh diễn bước vô sân khấu Ái Như thấy ngực mình đau ran.

Cứ mỗi suất diễn trôi qua chị phải tự dặn lòng kiềm chế bớt, giữ cảm xúc vừa vặn, đừng để cảm xúc mạnh quá ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ái Như trở lại với Ái Như trở lại với 'Bàn tay của trời'

TTO - Sau hơn 1 tháng nghỉ dưỡng do bị té khi đang diễn dẫn đến chấn thương cột sống, nghệ sĩ Ái Như bắt đầu trở lại sân khấu với những buổi làm việc chuẩn bị cho sự ra mắt của vở kịch Bàn tay của trời vào ngày 20-9, tại sân khấu Hoàng Thái Thanh.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên