13/02/2025 16:03 GMT+7

Ai nhiễm cúm dễ chuyển nặng và ai cần tiêm vắc xin?

Trước tình trạng bệnh cúm mùa diễn biến phức tạp, nhiều người dân băn khoăn nếu không may mắc cúm thì những ai dễ chuyển nặng, và họ cần làm gì để giảm nguy cơ chuyển nặng?

Ai nhiễm cúm dễ chuyển nặng và ai cần tiêm vắc xin? - Ảnh 1.

Theo nhận định của chuyên gia, người dân không nên hoang mang, nhưng cũng không được chủ quan trước cúm mùa, đặc biệt là nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh và chuyển nặng khi mắc bệnh - Ảnh: BÙI NHI

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Ngô Thế Hoàng - trưởng khoa nội hô hấp Bệnh viện Thống Nhất - cho biết người mắc cúm có nguy cơ chuyển nặng thuộc nhóm có hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ hoặc suy yếu.

Người dễ mắc cúm chuyển nặng là ai?

Nhóm này, theo bác sĩ Hoàng gồm có trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh; người cao tuổi; người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); người đang điều trị ung thư; người dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc nhiễm HIV/AIDS.

Người mắc cúm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển gây viêm phổi nặng, suy đa tạng, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong. Bác sĩ Hoàng cho hay bệnh cúm khi chuyển nặng sẽ có dấu hiệu như:

Khó thở: Cảm giác khó thở hoặc thở gấp, có thể kèm theo thở nhanh, hoặc không thể thở bình thường.

Đau ngực: Đau ngực khi thở hoặc cảm giác tức ngực là dấu hiệu nghiêm trọng.

Mệt mỏi dữ dội: Mệt mỏi, suy kiệt và cảm giác yếu đi nhanh chóng.

Ho nặng và kéo dài: Ho có thể xuất hiện với đờm hoặc có máu.

Sốt cao kéo dài: Nhiệt độ cơ thể cao trên 39°C, không hạ dù đã dùng thuốc hạ sốt.

Rối loạn nhận thức: Người bệnh có thể bị lú lẫn, mất phương hướng, hoặc có biểu hiện mê sảng.

Da tím tái hoặc nhợt nhạt: Cung cấp oxy cho cơ thể bị suy giảm, da và môi có thể chuyển sang màu xanh hoặc nhợt nhạt.

Nôn hoặc tiêu chảy: Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nặng hoặc biến chứng viêm phổi.

Làm gì để giảm nguy cơ cúm chuyển nặng?

Theo chuyên gia, vắc xin cúm là biện pháp hữu hiệu nhất trong phòng bệnh và giảm nguy cơ biến chứng nặng.

Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn đều có thể tiêm vắc xin cúm, tuy nhiên cần lưu ý tiêm phòng cho nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh.

Ai nhiễm cúm dễ chuyển nặng và cần tiêm vắc xin? - Ảnh 2.

Người dân chờ đăng ký tiêm vắc xin cúm tại Viện Pasteur TP.HCM sáng 13-2 - Ảnh: BÙI NHI

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lân - Trung tâm vắc xin, Bệnh viện Thống Nhất - cho hay vắc xin cúm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh từ 40-60% ở những mùa cúm có sự tương đồng giữa chủng vắc xin và chủng vi rút lưu hành.

Dù không thể phòng tránh hoàn toàn nhưng vắc xin sẽ giúp người tiêm có sẵn kháng thể, giúp giảm mức độ nghiêm trọng khi mắc bệnh.

Cụ thể, nếu không may mắc bệnh trong trường hợp đã tiêm vắc xin cúm, người bệnh sẽ giảm nguy cơ nhập viện khoảng 40-70%, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em và người có bệnh nền.

Vắc xin cũng giúp người bệnh giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra còn bảo vệ phụ nữ có thai, giúp giảm nguy cơ sảy thai, sinh non, nhẹ cân.

Bác sĩ Lân cho biết mỗi người chỉ cần tiêm một liều vắc xin cúm mỗi năm. Trong khoảng 2 tuần sau khi tiêm, cơ thể sẽ tạo đủ kháng thể để bảo vệ người tiêm khỏi cúm mùa.

Thời điểm lý tưởng để tiêm vắc xin cúm thường vào cuối tháng 10. Tuy nhiên ở Việt Nam, cúm mùa xuất hiện quanh năm với 2- 3 đỉnh dịch mỗi năm. Vì vậy người dân cần chủ động tiêm phòng ngay khi có vắc xin.

Hiện Việt Nam lưu hành 4 loại vắc xin cúm gồm Vaxigrip Tetra, Influvac Tetra, GCFlu Quadrivalent, IVACFLU-S, có giá 300.000 - 400.000 đồng tùy theo cơ sở y tế.

Nên làm gì khi có người thân nhiễm cúm chuyển nặng?

Khi có người thân nhiễm cúm có dấu hiệu chuyển nặng, bác sĩ Ngô Thế Hoàng khuyến cáo người dân cần:

- Đưa người bệnh đến cơ sở y tế hoặc gọi xe cấp cứu để được xử lý kịp thời.

- Tránh tự ý điều trị tại nhà, tự dùng thuốc kháng sinh hoặc các thuốc không được bác sĩ kê đơn. Các loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ và làm tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

- Nếu bệnh nhân khó thở hoặc có dấu hiệu thiếu oxy, cần đưa người bệnh đến nơi có máy thở oxy hoặc hỗ trợ thở máy nếu được bác sĩ chỉ định.

- Liên tục theo dõi nhiệt độ cơ thể, nhịp thở, mức độ mệt mỏi hoặc các dấu hiệu khác để thông báo cho bác sĩ kịp thời.

- Nếu có thể, cần hạn chế tiếp xúc gần với người bệnh để tránh lây nhiễm cho những người khác, đặc biệt là trong thời gian bệnh nhân bị sốt và có triệu chứng nhiễm trùng.

Hệ miễn dịch cộng đồng suy giảm

Theo TS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cúm mùa năm nay diễn tiến phức tạp không chỉ do thời tiết lạnh hơn và ô nhiễm không khí, mà còn do sự suy giảm hệ miễn dịch cộng đồng. Giãn cách xã hội do COVID-19 kéo dài và tỉ lệ tiêm ngừa cúm mùa hằng năm giảm là nguyên nhân.

Bác sĩ Hùng thông tin kháng thể chống lại cúm mùa chỉ tồn tại dưới 1 năm. Nếu không tiêm ngừa nhắc lại hằng năm hay bị tái nhiễm thì người dân sẽ không còn kháng thể đặc hiệu với vi rút cúm.

Trong khi đó, cúm A chủ đạo đang gây bệnh hiện nay (H3N2) lại có khả năng lây lan nhanh và dễ gây biến chứng nặng ở trẻ em, người già và những người mắc bệnh nền suy giảm miễn dịch, dẫn đến tình trạng dịch cúm trở nên nặng nề và phức tạp.

Ai nhiễm cúm dễ chuyển nặng và cần tiêm vắc xin? - Ảnh 3.Người dân TP.HCM chủ động đi tiêm vắc xin phòng ngừa cúm mùa

Để chủ động phòng ngừa cúm mùa, nhiều người dân tranh thủ tiêm vắc xin. Lượng người dân đến tiêm ngừa cúm mùa tại phòng khám hiện nay tăng khoảng 7-8 lần so với ngày thường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên