![Đi metro người dân cần lưu ý gì để phòng ngừa cúm mùa lây lan? - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/metro-17391779715111206021945.jpeg)
Các bác sĩ khuyến cáo trong tình hình dịch cúm mùa đang bùng phát ở nhiều nước, người dân khi di chuyển bằng phương tiện công cộng chú ý đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và những người xung quanh - Ảnh: THU HIẾN
Chị T.T. (34 tuổi, TP Thủ Đức) cho hay mỗi ngày chị thường xuyên di chuyển bằng metro lên quận 1 (TP.HCM) để đi làm cho thuận tiện.
Tuy nhiên, thường mỗi buổi sáng số lượng người dân chọn đi làm bằng metro rất đông, mọi người thường đứng với khoảng cách rất gần, do đó chị lo lắng khi thời điểm hiện nay đang có dịch cúm.
"Đa phần mọi người đi metro đều chủ động đeo khẩu trang. Tuy nhiên còn nhiều người vẫn lơ là, chủ quan, trong môi trường kín như vậy nguy cơ lây lan bệnh cúm mùa là rất lớn", chị T. lo lắng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Bùi Hữu Hoàng - chuyên khoa hô hấp, Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho hay cúm mùa là bệnh rất dễ lây lan, vi rút cúm chủ yếu lây qua đường hô hấp là chính, nhất là khi người bệnh ho, hắt xì.
Vi rút cúm có thể dính vào tay, trường hợp khi chạm vào các vật dụng của người bệnh, khi đưa vào đường hô hấp nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao.
Đặc biệt, vi rút cúm càng dễ lây hơn trong môi trường kín như: metro, thang máy, ô tô, xe buýt, trong môi trường lạnh…, nếu người bị bệnh và người cùng sử dụng chung không gian công cộng không biết cách phòng ngừa thì rất dễ lây lan.
Do đó, người dân cần chú ý đeo khẩu trang tại các khu vực trên và khi ho, hắt xì để ngăn cản dịch tiết phát tán ra ngoài. Sau khi về tới nhà, cần bỏ khẩu trang vào thùng rác đậy kín, rửa tay sạch bằng xà phòng.
Ngoài ra, người dân cần chú ý rửa tay, sát khuẩn thường xuyên bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn để giảm khả năng lây lan khi tiếp xúc.
Sở Y tế TP.HCM cũng khuyến cáo người dân, để chủ động phòng chống cúm mùa, khi di chuyển trên các phương tiện, nơi công cộng cần chú ý thực hiện các biện pháp sau:
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Chú ý đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi).
- Đặc biệt không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Khuyến cáo tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh; thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Người mắc cúm mùa có biểu hiện gì?
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền rất cao trong cộng đồng, thường ghi nhận chùm ca hoặc vụ dịch.
Bệnh do vi rút cúm gây ra, với hai nhóm phổ biến gồm A (chiếm khoảng 75% ca bệnh) và B (chiếm khoảng 25%).
Mầm bệnh có thể tồn tại hàng giờ ở bên ngoài môi trường, đặc biệt lâu hơn ở nhiệt độ lạnh, môi trường ẩm thấp. Từ 0 đến 4 độ C, vi rút có thể sống trong vòng vài tuần. Ở âm 20 độ C và đông khô, vi rút có thể sống đến vài năm.
Triệu chứng ban đầu của cúm gồm sốt, ho, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và có thể phục hồi sau 2-7 ngày, dễ nhầm lẫn với triệu chứng cảm lạnh thông thường.
Vì vậy người dân còn chủ quan cho rằng bệnh nhẹ, làm chậm trễ thời gian phát hiện và điều trị. Trong khi bệnh có thể trở nặng và gây tử vong khi vi rút xâm lấn các cơ quan gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết.
Người từ 65 tuổi trở lên, thai phụ, trẻ nhỏ, người có bệnh nền như tim mạch, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, đái tháo đường… có nguy cơ cao trở nặng hơn khi mắc cúm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận