Các Tân Phó thủ tướng Trung Quốc làm lễ tuyên thệ sau khi được bầu. Từ trái qua: ông Hồ Xuân Hoa, ông Hàn Chính, bà Tôn Xuân Lan và ông Lưu Hạc - Ảnh: REUTERS
Theo Tân Hoa xã, ngày 19-3, phiên họp toàn thể Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 13 đã thông qua đề cử của Thủ tướng Lý Khắc Cường về các vị trí cấp cao trong Quốc vụ viện (Chính phủ).
Theo đó, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua đề cử ông Hàn Chính, bà Tôn Xuân Lan, ông Hồ Xuân Hoa và ông Lưu Hạc làm Phó Thủ tướng.
Phiên họp cũng thông qua đề cử ông Vương Nghị tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, ông Ngụy Phụng Hòa giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, ông Dịch Cương làm Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Gần 3.000 đại biểu cũng nhất trí với 5 đề cử Ủy viên Quốc vụ gồm ông Ngụy Phụng Hòa, ông Vương Dũng, ông Vương Nghị, ông Tiêu Tiệp và ông Triệu Khắc Trí.
Thượng tướng Ngụy Phụng Hòa, 64 tuổi, trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, thay cho tướng Thường Vạn Toàn - Ảnh: REUTERS
Truyền thông phương tây trong khi đó đặc biệt chú ý vào sự thăng tiến của ông Lưu Hạc và ông Vương Nghị.
Ông Lưu, người nói trôi chảy tiếng Anh và lấy thạc sĩ về quản trị công ở Đại học Harvard (Mỹ), đang ngày càng nổi lên như cánh tay phải của ông Tập trong lĩnh vực kinh tế. Hãng tin Reuters gọi ông này là "ngôi sao mới nổi trong chính trường Trung Quốc" với những hiểu biết sâu sắc về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc.
Trước đó, hồi tháng 10 năm ngoái ông Lưu đã được bầu vào Bộ chính trị gồm 25 thành viên của Trung Quốc.
"Sự thăng tiến của ông Lưu cho thấy ý định của ông Tập trong việc dập tắt các nguy cơ về tài chính cũng như tình trạng nợ xấu ngày càng tăng nhanh, từ đó giảm mối đe dọa mang tính hệ thống đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới", hãng tin Reuters nhận định.
Một số nhà bình luận nhận xét sự thăng tiến của ông Lưu Hạc còn cho thấy tầm nhìn về một nhà nước kỹ trị của ông Tập Cận Bình.
Trong khi đó, việc ngoại trưởng Vương Nghị kiêm nhiệm ghế Ủy viên Quốc vụ đặc trách vấn đề ngoại giao là chỉ dấu cho thấy đường lối đối ngoại của Bắc Kinh sẽ có sự thống nhất và chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới. Chức vụ này trước đó do một người tiền nhiệm của ông tại Bộ ngoại giao Trung Quốc là Dương Khiết Trì nắm giữ từ năm 2013.
Ông Vương, người có biệt danh "Lang bạc" vì ngoại hình và thái độ cứng rắn trong các vấn đề liên quan tới lợi ích của Bắc Kinh, trở thành ngoại trưởng vào năm 2013 sau khi ông Tập lên nắm quyền.
Báo South China Morning Post của Hong Kong nhận xét các động thái tập trung quyền lực tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong việc cải thiện hình ảnh và nỗ lực can dự vào các vấn đề quốc tế.
Các Ủy viên quốc vụ khóa mới của Trung Quốc cúi mình chào Chủ tịch Tập Cận Bình và các đại biểu - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận