05/03/2017 08:25 GMT+7

Ai cũng lo cho bản thân, giao thông VN hỗn loạn là phải?

B.MINH - N.ĐÔNG - C.NHẬT ghi
B.MINH - N.ĐÔNG - C.NHẬT ghi

TTO - Bằng trải nghiệm của bản thân, nhiều người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Việt Nam khi bàn về văn hóa giao thông đều có nhận định giống nhau về trách nhiệm của người đi đường.

Nam thanh nữ tú chạy xe máy lên vỉa hè khiến người già đi bộ khép nép, lo sợ (ảnh chụp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM) - Ảnh: HŨU KHOA
Nam thanh nữ tú chạy xe máy lên vỉa hè khiến người già đi bộ khép nép, lo sợ (ảnh chụp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM) - Ảnh: HŨU KHOA

“Tại Việt Nam, người lái xe thường chỉ chú tâm đến việc làm thế nào để bản thân mình thoát ra khỏi đám đông. Nếu trên một đoạn đường ngắn có 10 hoặc 20 người cùng hành xử như thế, liệu giao thông sẽ hỗn loạn đến mức nào?

Simon randon

* Anh Simon Brandon (người Mỹ, lập trình viên):

Người đi đường phải thấy trách nhiệm của mình

Tôi sang Việt Nam công tác được hai tháng và đi qua nhiều vùng, miền, trong đó có hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tôi từng nghe nhiều người bạn kể về giao thông tại Việt Nam với nhiều từ ngữ không mấy tích cực như “khủng khiếp”, “lộn xộn”, “vô kỷ luật”, nhưng cá nhân tôi thấy giao thông tại Hà Nội thiếu trật tự hơn tại TP.HCM.

Trên đường phố Hà Nội, có lần tôi đứng chờ đèn tín hiệu dành cho người đi bộ thì thấy hai thanh niên đứng cạnh lao ra giữa dòng xe đang ùn ùn chạy tới, vừa đi vừa giơ tay xin nhường và đèn sang đường vẫn còn đỏ. Tôi nghĩ họ là người trẻ, lẽ ra phải có ý thức chấp hành luật pháp tốt thay vì hành xử như thế.

Còn tại TP.HCM, các phương tiện giao thông công cộng vẫn chưa thật sự thuận tiện, đặc biệt là dành cho người nước ngoài. Ngoài việc vệ sinh còn kém, các tiếp viên không giao tiếp được bằng tiếng Anh cũng khiến tôi khá chật vật khi hỏi đường hoặc xin xuống trạm. Tại trạm xe buýt trung tâm ở gần chợ Bến Thành, các cống rãnh đầy mùi hôi cũng khiến tôi mất thiện cảm.

Tại các khu đô thị đang phát triển nhanh chóng như TP.HCM, việc kẹt xe hay tai nạn giao thông là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, chính thói quen của người đi đường mới là yếu tố quyết định mức độ trầm trọng và tỉ lệ xảy ra các vụ này.

Tại Mỹ và nhiều quốc gia khác, mỗi người đi đường đều tự hiểu rõ trách nhiệm của mình trong các vụ ùn tắc, chứ không phải chờ cảnh sát giao thông đến giải quyết. Chúng tôi nhường nhau và quan sát xem nên làm thế nào để cùng xử lý tình huống.

Tôi cho rằng ngoài việc giáo dục thông qua các phương tiện truyền thông, dạy dỗ trẻ em từ khi còn nhỏ và hình phạt cũng là biện pháp hữu hiệu để đưa mọi thứ vào khuôn khổ. Đừng dung túng các hành vi sai trái bằng việc bỏ qua nếu họ năn nỉ, hoặc thậm chí đưa tiền hối lộ. Mọi trật tự đều bắt đầu từ luật pháp. Nếu luật pháp không nghiêm, làm sao người dân biết sợ và tuân thủ?

Việt Nam đang là quốc gia có nhiều tiềm năng, thu hút nhiều người nước ngoài sang sinh sống, làm việc. Khi vị thế của quốc gia ngày một tăng lên, chính người dân của quốc gia ấy cũng phải giữ gìn bộ mặt của đất nước. Hãy hành xử đúng mực, văn minh từ những việc nhỏ nhất và hãy luôn hiểu rằng bản thân mỗi người có trách nhiệm trong việc xây dựng cộng đồng và danh tiếng của quốc gia.

* Ông Herby Neubacher (người Đức):

Ảnh: NVCC
Ảnh: NVCC

Phát huy vai trò của cảnh sát

Tôi sống ở Nha Trang 15 năm nay và giờ tôi không dám lái xe vào buổi tối nữa, vì nhiều người say xỉn chạy loạn xạ nhưng không thấy cảnh sát đâu cả.

Thêm nữa, việc chạy xe tốc độ cao cũng là một thói quen nguy hiểm. Dịp tết vừa rồi, trên đường đi Nha Trang - Đà Lạt - Sài Gòn, tôi không thể tin vào mắt mình khi thấy mấy chiếc xe khách chạy nhanh kinh hoàng. Trong khi xe của chúng tôi chạy qua khu dân cư với vận tốc chỉ 30 - 40 km/h thì mấy chiếc xe khách đua nhau chạy 80 km/h!

Đây là một tội ác mang hiểm họa chết người, trong khi cứ mỗi dịp tết là số ca tử vong và tai nạn lại tăng lên.

Những chuyện này, nếu ở Đức, sẽ bị phạt rất nặng. Chạy quá tốc độ có thể bị phạt 700 - 1.000 euro (16 - 24 triệu đồng) tùy trường hợp. Người vi phạm thậm chí còn có thể bị tước bằng lái, nếu gây hại cho người khác có thể sẽ phải đối mặt cả án tù.

Để chấm dứt tình trạng xem thường Luật giao thông, theo tôi, bước đầu tiên là phải xử phạt thật nặng những người lái xe vi phạm, đồng thời phát huy vai trò của cảnh sát giao thông bởi hiện nay hình như người đi đường đã quen coi thường pháp luật.

Tuy nhiên, cũng có một vài điểm sáng mà tôi thấy ở TP.HCM, chẳng hạn như lực lượng thanh niên xung phong mà tôi gọi là “cảnh sát du lịch xanh” thường giúp đỡ du khách qua đường. Đó là một ý tưởng rất hay để bắt đầu kiểm soát lại tình hình. Rồi việc dọn dẹp vỉa hè cho người đi bộ cũng là một khởi đầu tốt. Tôi hi vọng những việc này sẽ được duy trì.

Một tín hiệu đáng mừng nữa là các cơ quan báo đài, như báo Tuổi Trẻ, cũng đã vào cuộc nhằm giải quyết “vấn nạn giao thông” này.

* Ông CALUM STUART (người Anh, nhà báo):

Ảnh: NVCC
Ảnh: NVCC

Chúng tôi học về văn hóa giao thông từ nhỏ

Tôi đã ở TP.HCM một khoảng thời gian đủ dài và thấy rằng việc đi lại trên đường ở đây không tiện lợi chút nào, rất dễ gây bực mình vì xe cộ chạy loạn xạ, nhất là trong những khoảng thời gian cao điểm. Trước khi đến Việt Nam, tôi có thời gian công tác tại một số quốc gia Đông Nam Á khác và thú thật chưa có ở đâu mà tôi luôn phập phồng, phải quan sát tứ phía để tránh xe máy dù đang đi bộ trên vỉa hè.

Ở quê hương tôi, chúng tôi được học về văn hóa giao thông từ rất sớm. Ở cấp tiểu học, chúng tôi thường được giao lưu với cảnh sát giao thông, các anh lính cứu hỏa... Thông qua những buổi giao lưu ấm cúng này, chúng tôi được tìm hiểu về tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc an toàn khi lưu thông trên đường phố.

Chúng tôi cũng được thực tập việc di chuyển thế nào là đúng ở trên đường cái lẫn những đoạn đường có xe lửa chạy qua. Ở nước Anh, bạn sẽ thấy rất nhiều thông tin tuyên truyền về văn hóa giao thông trên tivi, báo chí... Hiện các thông tin trên có thể tìm thấy trên cả mạng xã hội.

Bên cạnh đó, ở những trường dạy lái xe, nhà trường luôn có những kỳ kiểm tra rất gắt gao và thường xuyên tập trung vào việc giáo dục người học. Chính phủ Anh rất kỹ trong việc thiết kế các bảng chỉ dẫn để đảm bảo người lưu thông hiểu rõ điều cần làm. Nhưng cũng cần nói thêm một điều là đường phố ở Anh được bảo trì rất tốt và rất an toàn cho người điều khiển bất kỳ phương tiện di chuyển nào.

Nước Anh trong những thập niên 1950, 1960 có rất nhiều người dân vừa lái xe vừa uống rượu. Sau đó, nhờ lực lượng chức năng phối hợp giữa việc phạt người vi phạm nghiêm khắc với việc nâng cao nhận thức người dân thông qua các chiến dịch văn hóa đã giúp giảm đáng kể số lượng người vừa lái xe vừa uống rượu bia.

Một vấn đề nữa là ứng dụng công nghệ trong bài toán giao thông ở các thành phố lớn. Theo tôi, TP.HCM nên đẩy mạnh đầu tư, áp dụng công nghệ để có thể cải thiện dòng chảy giao thông thông qua thuật toán, phân tích dữ liệu...

Trong trường hợp cần đưa ra một cuốn cẩm nang văn hóa giao thông, tôi nghĩ nhất thiết phải có những điểm chính sau: người lưu thông phải hoàn toàn có khả năng kiểm soát phương tiện đang lưu thông, luôn quan sát kỹ khi đi đường, hiểu rõ các ký hiệu và Luật giao thông, tôn trọng sự an toàn của người đi xe lẫn người đi bộ.

Ông Tom Stein (người Mỹ):

Sao không đội mũ bảo hiểm cho trẻ con?

Tôi sống ở Việt Nam đã khá lâu. Khi tham gia giao thông, có vài điều khiến tôi không đồng tình. Trong đó có việc nhiều phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con mình và nhiều người thản nhiên vượt đèn đỏ, hay chạy xe lên vỉa hè...

Chỉ cần đứng ở một góc ngã tư nào đó ở quận 1 hay quận 3 bất kỳ lúc nào, bất kỳ ngày nào, ai cũng có thể thấy những hành vi bất tuân Luật giao thông, đặc biệt trong giờ cao điểm sáng và chiều.

Để nâng cao nhận thức của người đi đường, cần giáo dục ngay từ nhỏ về ý thức cộng đồng, sau đó là thói quen tuân thủ Luật giao thông. Không được giáo dục việc tuân thủ Luật giao thông từ nhỏ, vô hình trung khiến người ta không có thói quen thực hiện, dù biết sai nhưng vẫn làm.

NGỌC ĐÔNG ghi

B.MINH - N.ĐÔNG - C.NHẬT ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên