18/11/2021 08:06 GMT+7

91 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Hướng về dân, dân sẽ góp sức

THẢO LÊ thực hiện
THẢO LÊ thực hiện

TTO - Mặt trận tập hợp và phát huy sức mạnh của các tổ chức thành viên. Khi mọi đích đến đều hướng về nhân dân sẽ được sự đồng thuận, được nhân dân góp sức và sẽ thành công.

91 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Hướng về dân, dân sẽ góp sức - Ảnh 1.

MTTQ Việt Nam quận Bình Thạnh phối hợp cùng doanh nghiệp tổ chức "Chuyến xe 0 đồng" chuyển hàng hóa đến bà con nghèo ở Thanh Đa trong mùa dịch - Ảnh: QUỐC BẢO

Trả lời Tuổi Trẻ nhân 91 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu cho biết có lẽ sau ngày đất nước thống nhất, hiếm có khi nào khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ như trong trận chiến chống dịch COVID-19.

Bà nói: "Toàn xã hội đồng lòng cao cùng chính quyền nắm tay nhau, sẻ chia, thắt lưng buộc bụng, đồng cam cộng khổ lao vào cuộc chiến khốc liệt. Trong cuộc chiến ấy, công tác mặt trận hiện rõ tầm quan trọng và được khắc ghi trong từng công việc...".

Người làm mặt trận lao vào trận địa

* Bà nói cuộc chiến vừa qua khốc liệt. Đi qua cuộc chiến đó hẳn để lại trong bà những tâm tư?

- Những đứa trẻ bỗng nhiên mồ côi cả cha lẫn mẹ, những người mẹ mất con, người vợ mất chồng... Những hình ảnh đau thương đó, tôi nghĩ không chỉ tôi mà đó là niềm trăn trở của tất cả các cấp lãnh đạo. 

Dịch bệnh rất khốc liệt, chiến trường chống dịch không có tiếng bom đạn nhưng lại ám ảnh bởi tiếng máy thở, tiếng còi xe cứu thương. 

Tôi từng chứng kiến hoàn cảnh một em bé mồ côi mẹ tận 2 lần. Mẹ đẻ mất được mẹ nuôi nhận, thế mà dịch COVID-19 lại cướp luôn cả người mẹ nuôi của em. Đó là nỗi mất mát vô cùng to lớn.

Hơn 17.000 người tử vong do dịch, hàng triệu người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội đều bị ảnh hưởng. Chúng ta cần nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo để hy vọng không phải đối mặt với tình thế này một lần nữa.

* Suốt trận chiến cam go vừa qua, người dân TP.HCM sẽ khó quên hình ảnh những cán bộ làm công tác mặt trận đến từng nhà, qua từng hẻm phố chăm lo an sinh xã hội cho người dân...

- Đó là trách nhiệm cao cả của đội ngũ làm công tác mặt trận. TP lâm vào giai đoạn khó khăn nhất, những cán bộ làm công tác mặt trận không nghĩ chức phận mình là ai đã lao vào "trận địa" để hỗ trợ đồng bào. 

Có thể nói họ là những người đảm nhiệm khối lượng công việc lớn trong đợt dịch vừa qua. Họ đi sâu đi sát từng khu dân cư để trao túi an sinh, túi thuốc cho F0, đi chợ hộ, chuyển F0 nặng đến cơ sở y tế, giám sát việc chi trả các gói trợ cấp cho người dân có hoàn cảnh khó khăn...

* Nhiều mô hình sáng tạo do mặt trận phát động đã hỗ trợ cho người dân?

- Trong thời điểm khó khăn nhất, hệ thống mặt trận và các tổ chức thành viên đã có những cách làm sáng tạo để cùng chung sức, đồng lòng vượt qua đại dịch như: vận động chủ nhà trọ giảm giá hoặc miễn phí phòng trọ cho công nhân, người nghèo, hộ cận nghèo..., mô hình "Gian hàng 0 đồng", "Bếp ăn yêu thương", "Siêu thị nghĩa tình", "Siêu thị 0 đồng"...

91 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Hướng về dân, dân sẽ góp sức - Ảnh 2.

Bà Tô Thị Bích Châu thay mặt MTTQ TP.HCM nhận Huân chương Lao động hạng 3 từ Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên - Ảnh: T.L.

Tiếp tục chăm lo cho các gia đình khó khăn

* Cán bộ mặt trận hỗ trợ để người dân an tâm về mặt tinh thần như thế nào?

- Có những thời điểm, hệ thống chính quyền cơ sở nhiều nơi quá tải, không kịp hỗ trợ người dân, lúc đó hệ thống mặt trận các cấp có mặt và đưa ra những sáng kiến hỗ trợ kịp thời cho người dân. Mặt trận đã thành lập tổng đài tiếp nhận phản ảnh của người dân sớm nhất. 

Nhiều người dân gọi đến với tâm lý rất hoang mang, họ bị chấn động bởi dịch COVID-19. Lúc này, chúng tôi lắng nghe những giãi bày của họ. 

Những lời động viên, an ủi kịp thời lúc đó của cán bộ mặt trận là chỗ dựa để họ vững tâm hơn. Giữa sự hoang mang bão dịch, việc chăm lo tinh thần cho dân đâu kém thua gì việc không để họ thiếu ăn, đứt bữa.

* Trong những mất mát do dịch, có những cán bộ, chiến sĩ, người làm công tác mặt trận... đã hy sinh. MTTQ đề xuất ghi nhận công lao của họ như thế nào?

- Chúng tôi đã có những đề xuất khen thưởng, cũng như đề xuất phong tặng danh hiệu liệt sĩ cho những cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên... cống hiến hết mình cho việc phòng chống dịch nhưng không may hy sinh. Việc này là để động viên, chia sẻ những mất mát với gia đình có người hy sinh.

* Còn những gia đình bị thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19, nhất là với người già neo đơn, trẻ mồ côi, MTTQ sẽ hỗ trợ tiếp theo như thế nào?

- Các cấp, các ngành sẽ phải có biện pháp để chăm lo về mặt tinh thần và hỗ trợ an sinh cho những gia đình có người mất vì COVID-19, đặc biệt là các cháu mồ côi cha, mẹ, người nuôi dưỡng để xoa dịu bớt tổn thương mà họ đã gánh chịu. 

Bên cạnh các gói do UBND TP hỗ trợ, mặt trận tiếp tục triển khai chương trình "Thành phố nghĩa tình - Kết nối yêu thương" trên ứng dụng an sinh và triển khai chương trình chăm lo từ "Quỹ vì người nghèo" để hỗ trợ các gia đình khó khăn. Đối với trẻ em mồ côi, Hội Liên hiệp phụ nữ TP sẽ có giải pháp hỗ trợ cho các cháu.

Đại đoàn kết tạo ra sức mạnh

* Đợt dịch vừa qua, có những tổ chức, cá nhân tự tổ chức, lập các nhóm thiện nguyện hỗ trợ dân. Bà đánh giá gì về việc này và làm gì để kết nối, phát huy được tốt hơn, tránh để lại những câu chuyện gây tranh cãi như vừa qua?

- Sự tham gia của nhiều nhóm thiện nguyện là những cánh tay nối dài để kịp thời hỗ trợ người dân, lực lượng chống dịch và người đang cách ly, điều trị tại bệnh viện.

Họ cùng TP mang đến sự sẻ chia, đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn trong thời điểm khó khăn nhất của đại dịch.

Chính phủ đã ban hành nghị định 93 có hiệu lực vào ngày 11-12-2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện. Đây là cơ sở để kết nối, phát huy được tốt hơn tinh thần thiện nguyện của mọi người dân để chung sức với cộng đồng.

* Hẳn qua một cuộc chiến lớn, huy động gần như toàn bộ lực lượng, MTTQ cũng rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt chức năng, vai trò của mình?

- Đại đoàn kết toàn dân đã giúp chúng ta có đủ nhân lực cho cả tiền tuyến lẫn hậu phương. Hơn 2,4 triệu túi an sinh, hơn 315 tỉ đồng mua vắc xin, hơn 2.700 tỉ giá trị vật tư y tế... là sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, người dân góp "vũ khí" cho cuộc chiến thành công.

Cuộc chiến chưa kết thúc, nguồn lực của Nhà nước có giới hạn, nếu không có sự tham gia hỗ trợ từ cộng đồng, chung tay góp sức và ý thức nỗ lực, đoàn kết của mọi người dân sẽ còn khó khăn và gian nan lắm.

Do đó, tuyên truyền, vận động người dân vừa chung tay cảnh giác phòng chống dịch, vừa đóng góp vật chất cùng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch là điều hết sức quan trọng.

Muốn có sự đồng lòng hình thức tuyên truyền, vận động phải thay đổi từ trực tiếp sang trực tuyến, tận dụng lực lượng chân rết ở cơ sở.

Phương thức hoạt động cũng thay đổi, áp dụng công nghệ triển khai chương trình trên ứng dụng an sinh minh bạch, nhanh chóng.

Mặt trận tập hợp và phát huy sức mạnh của các tổ chức thành viên. Khi mọi đích đến đều hướng về nhân dân sẽ được sự đồng thuận, được nhân dân góp sức và sẽ thành công.

Mặt trận là nơi các tầng lớp tụ họp để hiến kế cho TP.HCM

Sáng 17-11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM họp mặt kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2021).

Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những đóng góp, hy sinh không mệt mỏi của các cán bộ làm công tác mặt trận và các cá nhân, tổ chức thành viên.

Bí thư Nên cho rằng tinh thần đại đoàn kết dân tộc là yếu tố quan trọng giúp TP.HCM vượt qua giai đoạn khốc liệt của dịch bệnh.

Trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy TP đề nghị MTTQ phải luôn nêu gương tinh thần đoàn kết nhân nghĩa, ở đây không có chỗ cho sự hẹp hòi, ích kỷ mà là nơi hóa giải mặc cảm và định kiến. MTTQ là nơi mà mọi ngành, mọi giới tụ họp để cùng nhau bàn bạc, hiến kế xây dựng TP và đất nước.

T.LONG - T.LÊ

Mặt trận Tổ quốc kêu gọi toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 Mặt trận Tổ quốc kêu gọi toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19

TTO - Ngày 27-5, đoàn chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… tiếp tục chung tay ủng hộ vật chất và tinh thần cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

THẢO LÊ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên